Thống kê của cơ quan chức năng Đà Nẵng, đối tượng sử dụng, tàng trữ và buôn bán ma túy trái phép ngày càng trẻ hóa với nhiều hoạt động phạm tội tinh vi và xảo quyệt. Cùng với việc tăng cường, sâu sát và quyết đoán trong phá án, thời gian qua, Công an thành phố Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục thành phố tổ chức tuyên truyền tác hại của ma túy đến từng học sinh…
Một buổi tuyên truyền phòng chống ma túy cho thanh thiếu niên của Công an thành phố Đà Nẵng
Đối tượng phạm tội trẻ hóa
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng liên quan, thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn Đà Nẵng vẫn diễn biến khá phức tạp. Điều đáng chú ý, đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy trái phép ngày càng trẻ hóa. Chỉ trong vòng 3 tháng (từ 15-11-2020 đến 15-2-2021), lực lượng phòng chống tội phạm về ma túy (Công an thành phố Đà Nẵng) đã triển khai đợt cao điểm tấn công tội phạm ma túy, bảo vệ Tết cho thấy, loại ma túy được sử dụng phổ biến vẫn là ma túy tổng hợp dạng tinh thể (Methamphetamine), dạng bột (Ketamine) và thuốc lắc (MDMA) chiếm đến 98% tổng số phát hiện xử lý, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tập trung độ tuổi từ 18 đến 30 (chiếm tỷ lệ 83,53%), dưới 18 tuổi có 86 trường hợp, ít hơn 48 trường hợp so với cùng kỳ.
Nhiều trường hợp liên quan đến ma túy trái phép đang là học sinh, sinh viên. Thậm chí các đối tượng này còn lập hội nhóm kín nhằm lôi kéo, dụ dỗ với thủ đoạn cho thử miễn phí, rêu rao sử dụng không gây nghiện, gây cảm giác yêu đời, tinh thần minh mẫn, sáng suốt, giảm căng thẳng, không lo âu, thường xuyên thay đổi mẫu mã bắt mắt, tẩm ướp thêm hương liệu hoặc trộn lẫn với thuốc lá, nhằm đánh lừa giới trẻ. Nhiều loại ma túy mới núp bóng dưới nhiều dạng bắt mắt chứa chất gây nghiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao đối với giới trẻ như: thuốc lá điện tử có tinh dầu, thuốc lá điếu gây ảo giác, kẹo gây ảo giác… Đơn cử như tháng 3-2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện một hội nhóm kín gồm thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên thường xuyên trao đổi mua bán, sử dụng cần sa. Đơn vị đề xuất Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo triệt xóa, không để kéo dài, tổ chức bắt quả tang B.M.T (SN 1999, trú tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là sinh viên một trường ĐH trên địa bàn Đà Nẵng) và T.M.H (SN 1999, trú quận Cẩm Lệ) và bắt khẩn cấp N.H.H (SN 1993, trú quận Hải Châu) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy; qua khám xét thu giữ tổng cộng 2kg cần sa, 7 chiếc ma túy tem lưỡi, 1 máy hút chân không, 2 cân điện tử.
Trung tá Lê Trọng Trường – Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an quận Liên Chiểu cho biết, trước đây đối tượng đa phần là người nghiện, rồi chuyển qua sử dụng mua bán nhưng nay người mua bán và phạm tội, trong đó có hành vi tàng trữ và tổ chức sử dụng thì thời điểm này không chỉ là người nghiện mà có thể là người mới lần đầu tiên vi phạm, chẳng hạn như tội tổ chức sử dụng ma túy. Đây là tội rất dễ vi phạm vì chỉ cần một nhóm vài người tổ chức liên hoan, ca hát rồi chung tiền mua ma túy để sử dụng. Họ nghĩ rất đơn giản chỉ mua ma túy về chơi chứ không nghĩ đó là hành vi tổ chức sử dụng. Phần khác, một số người trẻ như học sinh, sinh viên thông qua các cuộc đi chơi, liên hoan rồi được bạn bè phát cho một vài viên ma túy thì việc sử dụng hoặc bỏ vào túi áo mang về cũng đã phạm tội sử dụng và tàng trữ. Số khác phạm tội vì túng thiếu về kinh tế hoặc đua đòi…
Ngăn chặn từ trường học
Cùng với việc tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với ngành giáo dục thành phố triển khai các chương trình tuyên truyền kiến thức về tác hại, hệ lụy của ma túy đến từng học sinh lứa tuổi THCS và THPT. Gần đây, việc ngăn ngừa còn được phổ biến đến hiệu trưởng các trường tiểu học để tạo sự liên kết nhằm góp phần ngăn ngừa sớm trước sự biến tướng của tội phạm trong việc làm ra những mẫu mã sản phẩm tem, bánh kẹo, thuốc lá… có chứa chất ma túy để dễ dàng đánh lừa các em học sinh sử dụng.
Thời gian qua, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã chỉ đạo các trường thực hiện các chương trình nhằm chung tay ngăn ngừa tệ nạn xã hội như: hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội; Trường học không ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội; Tuổi trẻ chung tay đẩy lùi tệ nạn xã hội… Với đa dạng các hình thức tuyên truyền như thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi hùng biện, thuyết trình, tiểu phẩm, thi tìm hiểu kiến thức, vẽ tranh cổ động, tranh biếm họa với nội dung phòng chống ma túy.
Cô Nguyễn Tố Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, hàng năm trường đều tổ chức sinh hoạt ngoại khóa dưới cờ các nội dung liên quan đến phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội; báo cáo viên của công an quận và thành phố về tận trường để tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh cảnh giác cao độ với tệ nạn ma túy, các chiêu thức dụ dỗ của tội phạm để lôi kéo học sinh tham gia…
|
Theo Thiếu tá Huỳnh Trọng Nghĩa, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, công tác phối hợp tuyên truyền về tác hại ma túy, tệ nạn xã hội trong môi trường học đường là một trong những hoạt động nhằm chung tay ngăn chặn từ đầu các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy trong giới trẻ. Khi cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình có sự phối hợp thì tin rằng sẽ hạn chế được các hành vi phạm tội ở giới trẻ, nhất là với những trẻ còn thiếu kiến thức hiểu biết về ma túy, tệ nạn xã hội. Hàng năm Công an thành phố đều tổ chức các buổi tuyên truyền đến từng trường học, đặc biệt là trong tháng cao điểm phòng chống ma túy học đường. Thông qua các buổi tuyên truyền sẽ giúp nhà trường, phụ huynh và học sinh hiểu được tác hại của ma túy, tệ nạn xã hội, phương thức hoạt động của tội phạm ma túy, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức đấu tranh tố giác tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)