Vào thời điểm hiện nay, việc giảm lãi suất cho vay đã trở thành một đòi hỏi cấp thiết của toàn nền kinh tế. Các doanh nghiệp là những người lên tiếng đầu tiên, ngay từ những tháng đầu năm 2010, khi nền kinh tế nước ta có vẻ đang bắt đầu bước ra thời kỳ khủng hoảng.
Gần đây nhất, trong một cuộc gặp gỡ thân mật do Sacombank tổ chức nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, một người đứng đầu doanh nghiệp đã bức xúc phát biểu rằng hạ giảm lãi suất tín dụng là một yêu cầu sống còn của doanh nghiệp, nếu không, chi phí tài chính cao sẽ xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và biến họ thành những kẻ thua trận không phải chỉ trên đấu trường quốc tế mà còn ngay tại sân nhà.
Thực tế cho thấy, trong suốt thời kỳ khủng hoảng, so với các doanh nghiệp tại các nước khác trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi nhất vì phải chấp nhận vay vốn ngân hàng với mức lãi suất cao hơn nhiều.
Với một chi phí tài chính so sánh bất lợi như thế, không hiểu phép lạ nào đã đưa họ bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng cũng nhanh chóng không kém gì những đồng nghiệp được ưu đãi của họ trong khu vực?
Nhưng nay, khi phải đối mặt với cục diện cạnh tranh mới trong khu vực và quốc tế hứa hẹn còn ác liệt hơn cả thời kỳ tiền khủng hoảng, gánh nặng chi phí từ lãi suất tín dụng cao ngất ngưởng đã trở nên không kham nổi đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Báo cáo quý III/2010 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất tín dụng tiền đồng ngắn hạn cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện phổ biến ở mức 12 – 12,5%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh và 12,5 – 13,5%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần; còn các loại lãi suất cho vay khác phổ biến ở mức 13 – 15%/năm.
Nhưng ngay cả nếu lãi suất cho vay bình quân là 13%/năm và lạm phát của năm nay là 7%, lãi suất thực (real rate) mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu lên đến 6%/năm, một gánh nặng quá sức trong điều kiện nền kinh tế vừa trải qua khủng hoảng suy thoái.
Trên thực tế, lãi suất cho vay có thể cao hơn. Trường hợp cá biệt như giám đốc một doanh nghiệp nhỏ ở Đầm Trấu (Hà Nội), chuyên hoạt động trong ngành quảng cáo tấm biển lớn, đã than thở rằng từ ngay tháng 9/2009, doanh nghiệp này ký hợp đồng tín dụng với một ngân hàng có trụ sở trên phố Bà Triệu (Hà Nội) trị giá 2,7 tỉ đồng, thời hạn ba năm.
Điều kiện của hợp đồng tín dụng này là ba tháng điều chỉnh lãi vay một lần và được chia thành bốn khế ước vay, theo đó mức lãi suất tiền vay được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13 tháng lãi trả cuối kỳ cộng với biên độ lãi suất là 6,5%/năm. Ông cho biết với cách tính như thế, mức lãi suất cao nhất mà ông phải trả lên đến gần 18%/năm.
Nhưng các ngân hàng thương mại không thể làm gì khác hơn. Trong thời kỳ tiền khủng hoảng (trước 2008), sự phát triển bong bóng siêu tốc của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đã ngốn hầu hết nguồn vốn tín dụng của họ.
Trong suốt thời kỳ khủng hoảng và cho đến nay, họ vẫn phải tự nỗ lực là chính nhằm duy trì thanh khoản ngân hàng, đồng thời phải giữ vững mối quan hệ sống còn với khách hàng gửi tiền của mình bằng cách chấp nhận mặt bằng lãi suất tiền gửi khá cao trong một môi trường cạnh tranh lặng lẽ nhưng rất quyết liệt giữa các ngân hàng.
Đến tháng 10/2010, lãi suất tiền gửi đồng Việt Nam vẫn ở mức phổ biến 11,2%/năm, còn mức lãi suất trung bình chung của 36 ngân hàng đang là 11,10%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh mức lãi suất tiền gửi được công bố, hầu hết các ngân hàng đều đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, tặng tiền mặt, tặng quà, tặng vàng, tặng lãi suất thưởng, khiến lãi suất tiền gửi thực tế bình quân lên đến 11,35%/năm, thậm chí trên 12%/năm tại một số ngân hàng.
Điều mà ai cũng biết là một mức lãi suất tiền gửi cao sẽ không bao giờ đi đôi với một mức lãi suất cho vay thấp. Vậy ai có thể giúp các ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiền gửi để giảm lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp mà vẫn duy trì được nguồn tiền gửi tăng ổn định và một tỷ lệ thanh khoản an toàn, điều mà mọi người đều biết là phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của hệ thống ngân hàng, của doanh nghiệp, cũng có nghĩa là của nền kinh tế đất nước?
Vào tháng 9 năm nay, Hiệp hội Ngân hàng đã có cuộc họp với các ngân hàng trên cả nước nhằm kêu gọi họ giảm lãi suất huy động và cho vay theo chủ trương của Chính phủ với mức lãi suất huy động tiền đồng mà Hiệp hội đề nghị là 11%/năm và mức lãi suất cho vay là 12%/năm, bắt đầu áp dụng từ ngày 15/10/2010.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký hiệp hội, cũng phải nhìn nhận rằng “đây là cuộc họp mà các ngân hàng rất do dự khi cân nhắc lời kêu gọi từ Hiệp hội” và “…các ngân hàng sẽ còn phải nhìn nhau trước khi quyết định giảm lãi suất (huy động) vì e ngại khách hàng sẽ bỏ đi”.
Nhưng vấn đề không chỉ ở chỗ liệu các ngân hàng thương mại có đồng lòng hợp tác để giảm lãi suất hay không. Như một người không thể tự nắm tóc để kéo mình khỏi mặt đất, các ngân hàng thương mại không thể tự mình giảm lãi suất nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ và đầy đủ từ một chính sách tiền tệ mở rộng của Ngân hàng Nhà nước, với tư cách là một ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, một chính sách tiền tệ mở rộng có thể chỉ là một ước vọng xa vời. Trong cuộc trao đổi mới đây về tình hình tiền tệ và tăng trưởng kinh tế với giới truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã nhấn mạnh rằng, cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì điều hành (chính sách tiền tệ) với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2010.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế cũng nhận định rằng “kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, do vậy, định hướng chính sách phải rất rõ ràng, nhất quán, trong đó mục tiêu hàng đầu là ổn định” và “không cần phải nới lỏng tiền tệ thêm nữa”.
Hướng chọn lựa này xem ra cũng phù hợp với quan điểm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng những rủi ro nội tại của nền kinh tế Việt Nam là do sự nới lỏng sớm của chính sách tiền tệ (?) và chính sách tài khóa.
Tình thế lưỡng nan của vấn đề lãi suất hiện nay cho thấy hình như chính sách tiền tệ đang mất đi vai trò thúc đẩy nền kinh tế mà chỉ còn vai trò điều chỉnh những hệ quả khó chịu của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế.
Khi đầu tư công từ ngân sách nhà nước tăng mạnh và được tài trợ hào phóng bởi một mức khiếm hụt ngân sách liên tục vượt quá 5% GDP mỗi năm, chắc chắn nó sẽ tạo áp lực lạm phát mạnh mẽ đối với nền kinh tế.
Thêm vào đó, năng suất và hiệu quả của đầu tư công lại thấp (chỉ số ICOR tăng nhanh trong những năm gần đây đã chứng minh điều đó) càng khiến cho tốc độ lạm phát tăng cao hơn.
Hệ quả tất nhiên là chính sách tiền tệ phải liên tục được thắt chặt nhằm cố gắng giảm thiểu tác động lạm phát gây ra bởi chính sách tài khóa, dù rằng sự thắt chặt này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư doanh.
Do vậy, mặc dù trong năm 2010, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng không đạt mức kế hoạch 25%, lạm phát vẫn không thể kìm giữ được ở mức 6,5% và mặt bằng lãi suất ngân hàng cao chót vót (so với mặt bằng lãi suất tại các nước khác trong khu vực) vẫn tiếp tục đè nặng lên vai các doanh nghiệp Việt Nam và làm suy yếu sức cạnh tranh của họ.
Giảm lãi suất trong điều kiện thắt chặt tiền tệ là nghịch lý và sẽ khó thực hiện. Nhưng nới lỏng tiền tệ khi ngân sách vẫn tiếp tục khiếm hụt lớn là con đường tất yếu dẫn tới lạm phát.
Khi các nhà lãnh đạo kinh tế vẫn còn do dự trong quyết định dành ưu tiên cho tăng trưởng hay cho ổn định, khi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa còn chưa phối hợp tốt để đạt được những cân đối kinh tế vĩ mô cần thiết, các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng vẫn phải tự mình xoay sở để tồn tại.
Vả chăng, trước khi có thể nói đến một chính sách tiền tệ mở rộng hậu khủng hoảng, điều cần làm là khắc phục những hậu quả của sự nới lỏng tiền tệ tiền khủng hoảng, đặc biệt là giải quyết vấn đề nợ tồn đọng, trong đó sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước là quyết định. Khi các ngân hàng thương mại đã có thanh khoản dồi dào, việc hạ giảm lãi suất nằm trong tầm tay của họ.
Trong lâu dài, khi hiện tượng đôla hóa được khắc phục dần và các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể giăng mạng lưới thanh toán cho hầu hết các giao dịch của toàn nền kinh tế, một nguồn vốn khổng lồ sẽ tập trung vào hệ thống ngân hàng và mặt bằng lãi suất ngân hàng sẽ giảm thấp ngay cả khi chưa có một sự nới lỏng tiền tệ.
Thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ thật ra chỉ là những bước đi chiến thuật mang tính chất giải pháp tình thế, một chính sách tiền tệ tích cực phải luôn luôn kiên trì mục tiêu chiến lược nhằm thúc đẩy sự sung dụng hiệu quả tài nguyên, đưa nền kinh tế phát triển nhanh đến trạng thái cân bằng toán dụng.
HUỲNH BỬU SƠN / DNSG
Bình luận (0)