Các công ty đang ráo riết tuyển dụng để kịp tiến độ gia tăng sản xuất. Song, việc sa thải hàng loạt lao động hồi đầu năm khiến bài toán nhân sự ở nhiều đơn vị hiện nay trở nên hóc búa hơn bao giờ hết.
Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân đang cần thêm hàng trăm công nhân. Tuy nhiên, ông Lê Đình Chi thuộc Phòng nhân sự công ty: "Khả năng tuyển hết số lượng này không phải dễ, bởi người lao động rất khó tìm". Thiếu nhân lực, cho nên thay vì cung ứng 130 nghìn sản phẩm ra thị trường, nay công ty chỉ phục vụ được 100 nghìn. Hai vị trí kỹ sư xây dựng cũng đã rao tuyển cách đây 2 tháng nhưng do ứng viên đòi hỏi mức lương quá cao, trong khi năng lực không đáp ứng nhu cầu công việc, vị trí này đến nay vẫn bỏ ngỏ.
Cán bộ phụ trách nhân sự một công ty chuyên sản xuất móc áo nhựa xuất khẩu ở Bình Dương cũng than thở, đang cần bổ sung gấp 80 công nhân lành nghề và đủ tuổi theo quy định cho các đơn hàng mới. Nhưng phần đông người lao động đến nộp đơn không qua đào tạo. Trong khi doanh nghiệp cần gấp nên chỉ ưu tiên chọn những người có kinh nghiệm, mặc dù khả năng chỉ tuyển được 20 người.
Các doanh nghiệp khác cũng cho rằng những nhân sự cấp cao vốn không được chú trọng trong thời khủng hoảng, được nhiều tập đoàn lớn, những doanh nghiệp biết "nhìn xa trông rộng" thu nạp, nên để mời gọi được lực lượng này hiện nay cũng không dễ chút nào.
Nhu cầu lao động những tháng cuối năm sôi động hơn các quý trước. Đây là giai đoạn doanh nghiệp chạy nước rút các đơn hàng. Song, theo Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TP HCM Trần Anh Tuấn: "Các công ty hiện gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng so với thời điểm này mọi năm, do đã cho nghỉ việc hàng loạt lao động ở những tháng đầu năm từ ảnh hưởng suy thoái kinh tế".
Trong đó, lao động phổ thông và đối tượng có trình độ chuyên môn cao khó tuyển nhất. Bởi đa phần công nhân bị mất việc hồi đầu năm (ngành dệt may, da giày, điện tử…) đã về quê và ổn định cuộc sống. Nếu muốn thu hút lực lượng này, doanh nghiệp phải trả lương không chỉ bằng với mức trước khủng hoảng, mà phải cao hơn nhiều, để phù hợp với mức sống hiện tại. Ngoài ra, người lao động cũng lo ngại liệu công việc sẽ lâu bền hay chỉ mang tính chất tạm bợ trong mùa Tết, nên ngần ngại quay lại thành phố làm việc. "Đây là bài toán đang được đặt ra ở hàng loạt công ty", ông Tuấn cho biết.
Thông qua các sàn giao dịch việc làm, hàng nghìn người lao động đã tìm được việc làm. Ảnh: B.H. |
Dự đoán từ nay đến cuối năm, thành phố cần ít nhất 50.000 lao động làm việc ổn định và khoảng 60.000 việc làm thời vụ. Kết quả này dựa trên cuộc khảo sát nhu cầu tuyển dụng của hơn 10.000 doanh nghiệp, do Trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM (trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội) thực hiện.
Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ, chế biến lương thực thực phẩm, dệt may, gia dày… Dự kiến lao động có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao chiếm 20%, lao động lành nghề 20%, 30% lao động mới qua đào tạo và 30% lao động phổ thông.
Báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM vừa mới công bố cho thấy: sau 9 tháng, thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 224.000 lao động, hoàn thành 82,6% chỉ tiêu. Trong đó, lao động có việc làm ổn định chiếm đa số (178.960 người). Theo kế hoạch, thành phố sẽ thu hút và giải quyết việc làm cho 270.000 lao động trong năm nay, trong đó tạo ra 120.000 chỗ làm mới trong năm nay.
Tình hình thôi việc, mất việc hiện đã có chiều hướng giảm. Theo ghi nhận của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, những doanh nghiệp gặp khó khăn trước đó giờ đang từng bước hồi phục hoạt động sản xuất, đồng thời thu hút người lao động vào tìm việc.
Trong quý cuối cùng của năm 2009, Sở lao động phối hợp với các cơ quan ban ngành tiếp tục sắp xếp, giải quyết cho những người mất việc, khuyến khích tham gia các hoạt động sàn giao dịch việc làm. Ngoài ra, người chưa có việc làm, những người có tay nghề, được thành phố khuyến khích đi làm việc có thời hạn ở các nước đang có nhu cầu lao động lớn.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm cả nước có hơn 107.000 người bị mất việc làm, tập trung ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương.
Bạch Hường (VnE)
Bình luận (0)