Y tế - Văn hóaThư giãn

Pieta, buông đao thành Phật

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói, Pieta chính là sự kiện rực rỡ nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Kim Ki Duk khi tác phẩm này không những mang về cho Hàn Quốc giải Sư tử vàng tại LHP Venice lần thứ 68 mà còn giúp ông xóa bỏ hỗn danh “đứa con lạc loài” của điện ảnh xứ này.


Cảnh trong phim Pieta

Pieta trong tiếng Ý có nghĩa là “đáng tiếc”, ngoài ra, nó còn là tên một bức tượng nổi tiếng thời Phục hưng của họa sĩ điêu khắc người Ý Michelangelo. Bức tượng mô tả cảnh Đức mẹ ôm lấy thi thể chúa Jesus khi người được đưa xuống từ cây thánh giá. Cái kết của Pieta tương tự cái kết của The Isle làm năm 1999, bộ phim bị nhận nhiều những lời buộc tội nhất từ quê hương trong số các tác phẩm mang thương hiệu Kim Ki Duk. Người đàn bà của The Isle quyết định tự sát bằng cách móc lưỡi câu vào cơ thể mình để chiếc thuyền kéo đi, còn gã hung thần của Pieta cuối cùng cũng móc dây xích vào mình để chiếc xe tải lê đi trên đường trong một buổi sớm mờ sương, như một hình thức chuộc tội.

Từ Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring, người ta đã nhận thấy sự chuyển biến mềm mại hơn trong lối làm phim của Kim Ki Duk. Dù vẫn nhìn con người ở góc độ một sinh vật như bao sinh vật khác trong vũ trụ, giống như việc thể hiện chuyện ân ái của con người ở phương diện tính dục, thế nhưng, đã có đầy lòng thương và tư tưởng vị nhân sinh xuất hiện trong những khuôn hình của ông. Người ta gọi Kim Ki Duk là gã điên của điện ảnh Hàn Quốc, song thật kỳ lạ làm sao, nếu bình tĩnh loại bỏ các yếu tố bạo liệt bề nổi ra khỏi tầm quan sát, người ta sẽ bắt gặp một Kim Ki Duk với nhân sinh quan thấm nhuần chất đạo đang luồn lách vào dòng chảy nội tâm của con người. Mạnh mẽ và thuần khiết, song khác hẳn người đồng nghiệp nổi tiếng khác ở Hàn Quốc là Park Chan Wook, người luôn lôi những góc tối sâu thẳm nhất của con người ra ánh sáng, những tác phẩm của Kim Ki Duk hướng tới phần êm dịu nhất trong tâm tư của mỗi người, đó là tình thương. Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring là một tác phẩm kể về hành trình thành Phật của con người, những khổ nạn, nghiệp chướng và luân hồi, tuy nhiên Pieta mới chính tác phẩm mà thông qua nó, người ta thấy được con đường đi vào cửa thiền của chính Kim Ki Duk.

Pieta kể về một gã hung thần chuyên đi đòi nợ ở thuê ở khu Cheonggyecheon, một khu vực tái định cư nằm trong thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Nếu so sánh với mặt bằng chung của Seoul thì nơi đây rõ ràng là một khu ổ chuột chứa nhiều dân nhập cư sống bằng lao động tay chân, mà điển hình là thợ cơ khí. Ngay từ đầu phim, hình ảnh những chiếc máy cắt sắc lẹm đã tạo ra một trạng thái vô cùng căng thẳng. Gã hung thần “vạn lý độc hành” Gang Do luôn là nỗi ám ảnh của những con nợ nghèo khó rải rác khắp khu ổ chuột này. Gã trông chẳng khác gì con rô bốt vô cảm ngày ngày chăm chỉ làm công việc được giao phó là bằng mọi giá phải thu được số tiền nợ đã nhân thêm mười lần tiền lãi, rồi khi đêm xuống gã dùng chiếc gối vô tri giải quyết nhu cầu sinh lý của mình. Và bao giờ cũng vậy, những con nợ đáng thương luôn đi thẳng tới một kết cục duy nhất là bị gã làm cho trở nên tàn phế để moi tiền bảo hiểm. Một ngày nọ, trên đường về nhà, một người phụ nữ trung niên xuất hiện tự xưng là người mẹ đã bỏ rơi hắn suốt gần bao chục năm qua. 
Người phụ nữ trong phim nói rằng, tất cả tình yêu, ham muốn, ghen ghét, hận thù… nói chung là thất tình lục dục đều là nguyên nhân khởi đầu và kết thúc cho một câu chuyện. Quả vậy, câu chuyện của Gang Do chỉ thật sự bắt đầu khi cuộc đời hắn từ một gã người máy lạnh lùng đã biết thế nào là tình thương, và cái giá để làm một con người bao giờ cũng đắt. Đề tài nghiệp chướng, nhân quả nối tiếp từ Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring sang tới Pieta. Hình ảnh con cá mang trên mình vật nặng cho tới khi nó chết đi không ngừng ám ảnh người xem. Phim Ki Duk luôn có những lối quay đặc biệt đối với động vật. Cũng như con cá, mỗi nhân vật trong phim của đạo diễn họ Kim đều đeo vác một nghiệp chướng, không sớm thì muộn, ai cũng phải trả nghiệp mình đã gây nên. Những kẻ chạy theo đồng tiền trả nợ cho đồng tiền. Vấn đề mà họ Kim đặt ra không có gì gọi là mới mẻ cả, thế giới hàng ngàn năm qua đã biết đến, và từ khi ra đời tới giờ, điện ảnh cũng chưa từng bỏ qua nó. Điểm nổi bật của Kim Ki Duk là cách ông thể hiện nó trên nền văn hóa phương Đông, những liên kết chặt chẽ giữa chính trị và xã hội chỉ một khúc dạo đầu mạch lạc cho ý tưởng mang tầm vóc lớn hơn, một cuộc chiêm ngưỡng chứ không phải xâm nhập vào đạo Thiên Chúa, một chuyến đi giữa lòng đạo Phật và một sự khai mở lòng trắc ẩn bên trong con người. Sự báo thù không thể kết liễu một quá trình của cái ác, và để làm người, gã hung thần phải trải qua công cuộc cứu rỗi để từ việc chỉ biết làm đau đớn người khác, hắn đã biết nhận đau đớn về phần mình.
Trong phim của Kim Ki Duk luôn có những hình ảnh mạnh mẽ đến cực đoan để thể hiện được những điều ông muốn truyền tải, dẫu không ít những hình ảnh ấy đã khiến người xem “bỏ của chạy lấy người”, phóng ra ngoài nôn thốc nôn tháo ngay tại buổi trình chiếu như các phim thời kỳ đầu và thậm chí là phim mới nhất về đề tài loạn luân của ông, Moebius. Ở Pieta, một trong những hình ảnh gây ám ảnh nhất, vượt trên cả hình ảnh chiếc máy cắt nghiến lấy bàn tay con nợ hay hình ảnh Gang Do cắt thịt ép mẹ mình ăn chính là hành động giết chóc tinh thần với lòng thù hận sâu sắc. Người phụ nữ xẻ thịt con cá mà Gang Do đã nuôi nó nhiều ngày trong hồ làm bữa sáng khiến chính tên sát nhân máu lạnh là hắn cũng phải e ngại. Một khuôn hình khác, hai người đàn bà chứng kiến hai đứa con trai đang bị hủy hoại, đứa bị hủy hoại về mặt thể xác, đứa bị hủy hoại về mặt linh hồn làm nên khoảnh khắc đau xót nhất. “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, khi mà con người sinh ra đời vốn đã phải chịu khổ ải. 
Giống như cảm giác đứng từ trên cao nhìn xuống ngôi chùa giữa hồ trong Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring, có lẽ, Phật tính trong Pieta hiện diện đậm nét nhất cũng là một cảnh ở chùa, lúc Gang Do vội vã chạy đi tìm mẹ. Gã dừng lại một chút, sau lưng nhà sư đang ngồi trên chiếc xe lăn. Nhà sư cố gắng rón chân lên để nhìn quang cảnh bên dưới kia. Cả đời Gang Do toàn làm người ta tàn phế, nay hắn dùng hết sức khiêng một người tàn phế trên hai cánh tay tội lỗi của mình. Nhà sư bảo rằng, đời ông chỉ mong thế, rồi ông nở nụ cười thỏa nguyện. Không ai trong hai người, nhà sư và Gang Do quay lại nhìn mặt ai. Bên dưới thành phố kia, con người ta vẫn đang tìm cách gây tổn thương nhau. Vẫn còn một khoảng không, con người đã hoàn tất chuyện vay trả để thành Phật.
Theo TNO

 


Bình luận (0)