Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng xuất khẩu “trưởng thành” sẽ không được EU ưu đãi thuế

Tạp Chí Giáo Dục

Dựa trên số liệu thị phần hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) vừa được công bố.

Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) khuyến cáo các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có nguy cơ vượt ngưỡng “trưởng thành” không được ưu đãi thuế khi EU áp dụng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mới, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Theo ông Phạm Tuấn Huy, Phó phòng EU (Vụ Thị trường châu Âu), khi EU áp dụng GSP, chỉ có Campuchia, Lào và Myanmar được hưởng quy chế “tất cả trừ vũ khí”, có nghĩa là tất cả mặt hàng xuất khẩu sang EU không phải chịu thuế trừ vũ khí. Còn Việt Nam cùng một số nước ASEAN khác sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan đối với từng nhóm mặt hàng cụ thể. Điều đáng lo là EU áp dụng cơ chế “trưởng thành” đối với một loại hàng hóa hoặc nhóm hàng hưởng GSP mới. Nghĩa là nhóm hàng sẽ không được nhận ưu đãi thuế quan nếu thị phần vượt quá 17,5% và được cho là có tính cạnh tranh.

“Việc EU mở rộng và đưa nhiều sản phẩm vào mục “trưởng thành” làm cho nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ không được hưởng GSP. Vì vậy, thị phần hàng nhập từ Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều trong tổng nhập khẩu được hưởng GSP của EU và do đó rất dễ đạt tới ngưỡng “trưởng thành”” – ông Huy cho hay.

Một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn đạt ngưỡng “trưởng thành” gồm cà phê, thủy sản, giày dép… Thị phần xuất khẩu cà phê Việt Nam theo GSP hiện hành là 12%, nếu áp dụng GSP mới thì con số thị phần có thể hơn 21,68%. Còn thị phần xuất khẩu thủy sản vào EU theo GSP trong ba năm 2009 đến 2011 chiếm 9,8% sẽ tăng lên 19%. Giày dép Việt Nam vừa được EU cho hưởng lại GSP nhưng sau khi Trung Quốc không được hưởng GSP thì mức thị phần của nhóm này đạt 34% vượt ngưỡng và phải chịu thuế. Một số nhóm hàng như nhựa, dệt may đứng trước nguy cơ chạm ngưỡng “trưởng thành” khi doanh nghiệp các ngành này thấy được ưu đãi thuế đã gia tăng xuất khẩu.

Mặc dù vậy, theo ông Huy, GSP mới vẫn có những mặt lợi. Nếu Việt Nam tăng xuất khẩu thì những nước được EU ưu đãi thuế quan cũng sẽ tăng sản lượng xuất khẩu mặt hàng đó và mức thị phần vẫn giữ nguyên. Ngoài ra, khi EU thực hiện GSP mới, doanh nghiệp Việt Nam được tham gia một thị trường lành mạnh hơn và có thể đảm bảo được thị phần xuất khẩu của mình.

“Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ theo dõi thông tin số liệu của từng ngành hàng xuất khẩu vào EU, đặc biệt là mức thị phần tại thị trường này. Từ đó, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan có chính sách, chiến lược phát triển xuất khẩu hợp lý nhằm tận dụng được ưu đãi thuế của EU và các thị trường khác” – ông cho biết thêm.

CHINH NGUYÊN (PL)

Bình luận (0)