Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, để cứu ngành cá tra đang “vỡ trận”, cần có chiến lược mới liên kết nông dân và doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, cần “dẹp loạn” đầu mối xuất khẩu.
Người nuôi cá tra chờ một chính sách sát sườn để vực dậy “con cá vàng” ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thuận Phước. |
Lung lay vì… mất niềm tin
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi cá tra năm 2013 đạt 5.200 ha, sản lượng khoảng 1,15 triệu tấn, giảm 17,5% về diện tích, 7,6% về sản lượng so năm 2012. Năm qua, được xem là năm tụt lùi của ngành cá tra, khi giá cá thấp trong một thời gian dài, người nuôi liên tục bị thua lỗ, “treo” ao. Mối liên kết giữa người nuôi và DN cũng lung lay, do không ít DN nợ tiền cá, chiếm dụng vốn của dân, trong khi vốn từ ngân hàng bị thắt chặt. Nguy cơ thiếu cá nguyên liệu chế biến của các nhà máy được dự báo có thể kéo dài đến hết quý I năm 2014.
“Ngành cá tra đang gặp nút thắt ở khâu vốn. Việc điều tiết sản lượng cũng cần tài chính, nhiều hay ít cũng do tiền mà ra, sau đó đi vào từng bước, chấn chỉnh những DN “3 yếu” về tài chính, không có vùng nuôi, rắc rối trong mua bán. Bây giờ ngành nào cũng có nợ xấu, nhưng nợ xấu bao nhiêu của từng ngành, ngân hàng nên làm rõ. Không ai hiểu DN bằng ngân hàng, họ phải biết cách trị bệnh, vì họ chính là bác sĩ”
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT,Tổng giám đốc Cty CP Thủy sản Hùng Vương.
|
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay, mối liên kết giữa nông dân với DN trong ngành cá tra thuộc dạng tiến bộ nhất trong nông nghiệp. Theo ông, tới 60% sản lượng cá tra xuất khẩu của DN có sự liên kết, hoặc DN tự đầu tư ao nuôi. “Chỉ có điều, lỗ hổng trong quản lý cho vay của ngân hàng với lĩnh vực cá tra, tạo nợ xấu. Đặc biệt, sau vụ vỡ nợ của Cty CP Thủy sản Bình An, ngân hàng đã siết lại, DN không có tiền trả tiền cá cho người nuôi, còn người nuôi đòi tiền tươi, vì sợ xù nợ. Ai cũng cảnh giác, nên chuỗi bị lung lay”- ông Tám nói.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Thủy sản Hùng Vương, trong giai đoạn “tụt dốc” như hiện nay, kể cả giá cá nguyên liệu tới 29.000-30.000 đồng/kg, dân cũng khó có khả năng đầu tư, còn người có khả năng thì lưỡng lự. “Đơn giản là giờ giá cá đang cao, nhưng khi nuôi lớn để bán, sản lượng nhiều, giá lại thấp, người nuôi lại lỗ. Mấu chốt vẫn là chuyện liên kết nông dân với nhà máy”- ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng, có nhiều cách để tạo liên kết bền vững, nhưng tốt nhất là 2 bên hợp tác, chốt giá bán từ đầu để đảm bảo giá thành. Ông lý giải: “Tôi với anh hợp tác nuôi 200 tấn, tôi sẽ chốt giá trước với anh 100 tấn để đảm bảo giá thành, 100 tấn còn lại sẽ mua theo giá thị trường, lên tôi mua lên, xuống mua xuống thì người nông dân sẽ tránh được rủi ro. Như vậy, 50% người ta biết người ta lời, 50% còn lại, thị trường tốt người ta lời thêm, thị trường xấu người ta còn có cái người ta bù”.
Thu hẹp đầu mối xuất khẩu
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong hơn 230 đầu mối xuất khẩu cá tra, có 94 DN có nhà máy chế biến cá tra, chiếm 90% giá trị xuất khẩu toàn ngành. Số còn lại dù chiếm khoảng 10% kim ngạch, nhưng tới 140 đầu mối xuất khẩu, chỉ làm thương mại thuần túy, không có nhà máy chế biến. Vasep lo ngại, các DN trong số này có xu hướng cơ hội, lợi dụng những lỗ hổng quản lý nhà nước để phá giá, làm xấu hình ảnh cá tra Việt Nam.
“Những đơn vị này thường thu gom các nguồn cá kém chất lượng, thuê chế biến ở nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng chất phụ gia để giữ nước làm tăng trọng, chào bán với đối tác nước ngoài với giá thấp. Việc này khiến nhà nhập khẩu kinh doanh không lãi, giảm nhập khẩu cá tra, thậm chí ép giá cá xuống thấp, nên cần hạn chế đầu mối xuất khẩu”- lãnh đạo Vasep nói.
Để cứu ngành cá tra đang giai đoạn “vỡ trận”, Vasep cho biết cần kiểm soát qua hạn ngạch (quota) từng địa phương. Hằng năm, dựa theo dự báo thị trường xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, các bộ, hiệp hội liên quan thống nhất sản lượng cá tra năm sau và phân bổ cho từng tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh và hiệp hội thủy sản địa phương, sẽ phân bổ quota sản lượng nuôi cá tra cho từng trại nuôi được cấp phép, và chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát quota đó. Mỗi lô cá nuôi phải có hồ sơ xuất xứ hợp pháp, DN phải cung cấp hồ sơ xuất xứ cá tra nguyên liệu khi xuất khẩu.
Vasep cũng đề nghị thí điểm mở một đầu mối (tại Cảng Zeebrugge của Bỉ) dịch vụ xuất khẩu, phân phối nhằm “đánh” vào thị trường châu Âu. Việc này, giúp cá tra của Việt Nam xuất sang 28 nước EU giảm đáng kể chi phí vận chuyển. DN có thể bán hàng trực tiếp cho các chuỗi siêu thị, hãng bán lẻ lớn của EU, giá cá có thể tăng lên… đặc biệt, tránh việc các DN cá tra tranh nhau thị phần bằng cách giảm chất lượng để giảm giá cá.
theo TPO
Bình luận (0)