Phim truyền hình đang ngày càng tiệm cận đến tác phẩm văn học trước thực tế kịch bản phim ngày một khan hiếm. Không chỉ tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng, các cây bút trẻ cũng có nhiều cơ hội tiếp cận với điện ảnh hơn khi nhiều tác phẩm của họ đang được chú ý chuyển thể thành phim.
Cơ hội cho văn học trẻ
Từ ngày 10/10, Hãng phim TFS cho lên sóng bộ phim Hoa bay (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Chu Thanh Hương, ĐD – NSƯT Xuân Sơn, phát sóng lúc 17g30 các ngày thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV9). Phim khai thác đề tài buôn bán phụ nữ với những cảnh rừng núi hùng vĩ và hoang sơ ở các tỉnh phía Bắc. Một loạt tác phẩm từ Cuộc vận động Văn học tuổi 20 lần V (NXB Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức) cũng vừa được kênh truyền hình Today TV mua bản quyền chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình – điều chưa từng có tiền lệ trong sân chơi văn chương dành cho các cây bút trẻ từ hàng chục năm qua.
Sự đa dạng thể loại chính là cơ hội để tác phẩm của họ “lọt vào mắt xanh” của các nhà làm phim. Nếu như trước đây từng có góc nhìn khá nặng nề rằng “làm phim kiểu gì với những cuốn sách văn chương ăn xổi, tản mạn hay kêu gào cảm xúc, cái tôi nhỏ bé” thì ở thời điểm này, chính những cây bút trẻ đã khẳng định được vị trí bằng tác phẩm đáng tự hào. UREM – Người đang mơ (Phạm Bá Diệp), Người ngủ thuê (Nhật Phi), Hạt hòa bình (Minh Moon), Lý Hàng Khơi (Đoàn Phương Nam), Đối cực (Trần Đức Tĩnh), Charao mùa trăng (Nguyễn Thị Khánh Liên)… là những tác phẩm hoàn toàn có khả năng chinh phục độc giả, khán giả.
Không chỉ tiểu thuyết, truyện dài được chú trọng làm phim, truyện ngắn cũng đang được "để mắt". Trước khi tập truyện ngắn Con cu li nhỏ tội nghiệp (tác giả Văn Vũ Song Toàn, thuộc Tủ sách 8X của NXB Văn hóa Văn nghệ) phát hành, truyện ngắn cùng tựa đề cũng đã được mua bản quyền làm phim. Hai phim ngắn Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò và Một con đĩ yêu nghề đình đám trên mạng thời gian qua cũng chính là những câu chuyện chuyển thể từ truyện ngắn của những người viết trẻ.
Bà Phạm Thị Dung – Giám đốc Công ty Kiết Tường cho biết, mỗi khi đọc được truyện ngắn hay, bà rất muốn cho chuyển thể ngay để làm phim một tập. Đó cũng là cơ hội để những đạo diễn (ĐD) trẻ thử sức sáng tạo. Dấu ấn của những bộ phim Cải ơi, Con khỉ mồ côi, Con gà trống, Chữ người tử tù… đã minh chứng cho sự thành công của những phim chuyển thể từ truyện ngắn.
Hương ga – phim chuyển thể được chờ đợi ra rạp vào cuối tháng 10
Chờ sức bật từ màn ảnh rộng
ĐD Cường Ngô nói: “Văn học Việt Nam ra thế giới bằng đôi chân trần, nhưng điện ảnh sẽ rút ngắn được cả thời gian và khoảng cách”. Có lẽ đúng như thế, một số tác phẩm văn học khi được chuyển thể thành phim đã có được sự cộng hưởng lan tỏa giá trị và hiên ngang bước ra thế giới. Màn ảnh rộng từng chứng kiến những cuộc kết hợp thành công giữa văn học – điện ảnh: Chuyện của Pao, Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Long thành cầm giả ca, Cánh đồng bất tận…; phim truyền hình có Đất phương Nam, Lục Vân Tiên, Ngõ lỗ thủng, Dưới cờ đại nghĩa, các phim chuyển thể từ tác phẩm nhà văn Hồ Biểu Chánh: Chúa tàu Kim Quy, Tình án, Ngọn cỏ gió đùa, Cay đắng mùi đời…
Nhà văn Nguyễn Đình Tú nhận định, văn học chính là cái kho vô tận cho điện ảnh khai thác. NSƯT Ngọc Hiệp cũng từng nói, khi kịch bản hay ngày càng khan hiếm thì văn học chính là điểm tựa.
Dự án phim điện ảnh Quyên (ĐD Nguyễn Phan Quang Bình, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ) vừa chính thức khởi quay sau nhiều năm chuẩn bị. Diễn viên Trần Bảo Sơn cho biết, anh đang chuẩn bị lên đường cùng đoàn phim đến những nước Đông Âu cho bối cảnh quan trọng của bộ phim này.
Cuối tháng 10, bộ phim Hương ga (chuyển thể từ tiểu thuyết Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú) cũng sẽ ra rạp. Đây là dự án điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học thứ hai của ĐD Cường Ngô – sau loạt phim ngắn Ngọc Viễn Đông được đánh giá cao. Phiên bản là một trong những tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Nguyễn Đình Tú, sức sống tự thân của tác phẩm đã là điểm tựa đủ để Hương ga trở thành một trong những phim được kỳ vọng vào mùa phim cuối năm nay.
Không riêng ĐD Cường Ngô, ĐD Victor Vũ cũng đang khiến dư luận quan tâm khi thực hiện bộ phim chuyển thể từ tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trước đó, anh từng thành công với bộ phim lịch sử cổ trang Thiên mệnh anh hùng (kịch bản phóng tác từ tiểu thuyết Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn).
Victor Vũ luôn kiệm lời trước những dự án của mình, nhưng với uy tín đã tạo dựng được từ những tác phẩm điện ảnh giá trị, ĐD này luôn khiến công chúng an tâm và chờ đợi. Cuộc bắt tay làm phim giữa tác phẩm của nhà văn best-seller Nguyễn Nhật Ánh và ĐD ăn khách Victor Vũ hứa hẹn sẽ mang đến phong vị lạ cho màn ảnh rộng 2015.
Văn học đã dọn sẵn chất liệu, thể loại, nội dung và sự đa chiều của cuộc sống, thân phận con người; chỉ chờ “cánh cửa mở” và lựa chọn tâm đắc của nhà làm phim để các nhân vật được bước lên màn ảnh.
theo PNO
Bình luận (0)