Y tế - Văn hóaThư giãn

Đường đi của cuốn từ điển ngây ngô

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mấy hôm nay, có báo mạng “khai quật” lại một chuyện tưởng đã chìm vào quên lãng nhưng vẫn tạo được sự ồn ào.

 

 Đó là việc trưng ra cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh của Vũ Chất mà ở một số trang có cách giải thích từ ngữ chưa thật đúng nghĩa, thậm chí ngô nghê, thí dụ: Thơ ngây = ngây thơ, Bế mạc = hết dứt buổi hát, Bia = tấm đá có khắc tên ngày giờ người chết dựng trước mả… (ở trang bìa, trang lót và gáy sách đều có logo và tên của NXB Trẻ).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “tiền thân” của cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh là cuốn Việt Nam tự điển (cũng do Vũ Chất biên soạn) xuất bản theo Giấy phép số 597/BTT/PHNT ngày 20.2.1971. 30 năm sau, Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa liên kết xuất bản với NXB Thanh Niên để ấn hành Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh (vào tháng 10.2000 – chỉ thay tựa sách, vẫn giữ nguyên nội dung và tên người biên soạn). Một năm sau, Thành Nghĩa lại liên kết với NXB Trẻ để ấn hành cuốn này (“in 1.000 cuốn, khổ 8 x 13 cm. Số đăng ký kế hoạch xuất bản 15/67 do Cục Xuất bản cấp ngày 4.1.2001 và giấy trích ngang KHXB số 106/2001”). Khi phát hiện nội dung có những sai sót, Giám đốc NXB Trẻ lúc đó là ông Lê Hoàng đã yêu cầu thu hồi sách. Do vậy hiện nay hầu như không còn cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh nào của NXB Trẻ ấn hành xuất hiện trên thị trường.
Đến nay cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh vẫn còn lưu hành trên thị trường – có thể là do kẻ xấu đã lợi dụng bản in do Thành Nghĩa liên kết với NXB Thanh Niên để in lại (luộc sách), bởi tuy sách ghi nộp lưu chiểu năm 2000 nhưng qua 14 năm mà sách vẫn còn rất mới. Vào thời điểm năm 2000, chưa có luật buộc các bên liên kết phải ghi rõ tên đơn vị liên kết vào sách nên đã tạo điều kiện cho kẻ xấu tha hồ “giấu mặt luộc sách”. Đến năm 2013, khi luật này (ghi tên đơn vị liên kết xuất bản vào ấn phẩm) thì đã “nhận dạng” được thêm một liên minh mới đứng tên cũng tiếp tục ấn hành cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh, đó là Nhà sách Minh Lâm liên kết với NXB Hồng Đức (Hà Nội).
Nhiều chuyên gia về từ điển đang cố tìm hiểu tác giả Vũ Chất là ai, còn sống hay đã mất nhưng vẫn chưa có thông tin cụ thể. Có ý kiến cho rằng “soạn giả” Vũ Chất này cũng có thể “san sẻ” một số từ vựng từ cuốn Tự điển Việt Nam của Thanh Nghị đã xuất bản cách đây rất lâu. Cuốn của ông Thanh Nghị giải thích một từ bao gồm nhiều nghĩa khác nhau nhưng có thể ông Vũ Chất đã tự ý lược bỏ, chỉ giữ lại vài nghĩa đơn giản hoặc tự mình diễn dịch khiến cho người đọc… té ghế!
Theo TNO

 


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)