Y tế - Văn hóaThư giãn

Cơ hội lắm, thách thức nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa đặc biệt nở rộ như các cuộc thi ca hát nhưng cánh cửa của điện ảnh đang dần rộng mở hơn với những người yêu thích và đam mê nghệ thuật thứ 7 qua các cuộc thi, đặc biệt là thi làm phim ngắn.

Những cuộc thi không chỉ dành cho người hoạt động chuyên nghiệp mà còn là người bán chuyên nghiệp hay chỉ mới tập tễnh bước những bước đi đầu tiên vào "thánh địa" của điện ảnh. Theo đó, những cơ hội mở ra nhiều hơn nhưng sau những cơ hội, đôi khi là cả sự may mắn luôn là những thách thức có khi không dễ vượt qua.

Không đợi chờ vài năm một lần hay chỉ gói gọn ở những cuộc thi mang tầm vùng, miền, khu vực nhất định nào đó hoặc rộng hơn nữa là quy mô toàn quốc như chục năm về trước, những cuộc thi làm phim ngắn được tổ chức mỗi năm ngày càng nhiều hơn. Trong đó, nhiều cuộc thi bước đầu mang tầm khu vực và thế giới. Với những người mới chân ướt chân ráo thử sức với điện ảnh, phim ngắn là một lợi thế: gọn gàng cả về cơ sở vật chất, đội ngũ lẫn thời gian, tiền bạc mà vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu. Với những sân chơi mang tầm khu vực và thế giới, cơ hội còn rộng mở hơn khi phim được giao lưu, giới thiệu cùng với phim ngắn đến từ các quốc gia khác nhau, trong đó có những quốc gia nổi tiếng về ngành công nghiệp điện ảnh. Còn nhớ, cách đây khoảng 5 năm, tiệc phim ngắn Yxine còn đặc biệt mới mẻ. Không phải do các hội, đoàn thể hay cơ quan quản lý nhà nước tổ chức, tiệc phim ngắn Yxine là chương trình tiệc phim trực tuyến dành cho phim ngắn của Diễn đàn điện ảnh Yxine.com nhằm giới thiệu những tác phẩm của các nhà làm phim mới và sáng tạo đến khán giả, đồng thời là địa chỉ để những người Việt làm phim cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học tập lẫn nhau. Tuy nhiên, từ diễn đàn mạng, những cánh cửa đến với đời sống thực tế bắt đầu mở. Phim không chỉ được công chiếu trong nước mà còn chiếu ở nước ngoài. Hạng mục giải thưởng quốc tế cũng hình thành. Không những thế, năm 2014, những dự án phim xuất sắc còn có cơ hội tiếp cận với các nhà sản xuất. Đó đây, những tên tuổi đạo diễn trẻ từ Yxine đã dần tiếp cận và nắm bắt cơ hội làm phim dài.
Thi làm phim trong 48 giờ – sân chơi nhiều thử thách dành cho số đông yêu thích điện ảnh.
Xuất hiện muộn hơn nhưng có sự tham gia của đông đảo bạn trẻ cả nước trong 3 năm gần đây phải kể đến cuộc thi làm phim trong 48 giờ do Cloud 9 và HKFILM tại Việt Nam đồng tổ chức. Diễn ra vào tháng 10/2014, "Làm phim 48 giờ" có sự tham gia của hơn 1.000 bạn trẻ hai miền Nam, Bắc. Nằm trong khuôn khổ của WD 48 Hour Film Project – dự án làm phim được đồng thời tổ chức tại 120 quốc gia, vùng lãnh thổ với sự tham gia của hơn 60.000 nhà làm phim trẻ đến từ châu Á, châu Úc, châu Âu, vùng Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ. Thực hiện theo format chung cho hàng loạt quốc gia khác nhau trên thế giới, cùng thời điểm "Làm phim 48 giờ" diễn ra tại Việt Nam, cuộc thi cũng được tổ chức tại hàng loạt quốc gia khác. Ở đó, các nhóm làm phim buộc phải bốc thăm chủ đề, hoàn thành tất cả mọi công đoạn để hoàn thiện cho được 1 tác phẩm trong đúng 48 giờ đồng hồ. Ngoài giải thưởng khá cao so với mặt bằng chung cho giải thưởng phim ngắn hiện nay (100 triệu đồng cho giải nhất), "Làm phim 48 giờ" thu hút sự quan tâm đặc biệt hơn bởi cuộc thi mở ra cơ hội cho người làm phim tiếp cận những nền điện ảnh phát triển của thế giới thông qua hình thức gửi phim đến Hollywood tham dự Liên hoan phim quốc tế “Filmapolooza”, công chiếu trên 100 quốc gia khác nhau dành cho phim đoạt giải nhất của cuộc thi tại Việt Nam, thậm chí là tham dự Liên hoan phim quốc tế Cannes danh giá vào năm 2015 nếu phim đoạt giải tại Liên hoan phim quốc tế “Filmapolooza”.
Vươn ra biển lớn cũng đồng nghĩa với việc phải vượt qua những rào cản cố hữu, thậm chí ăn sâu bám rễ trong nếp sống. Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ rằng có những thách thức mà người tham gia các sân chơi có tính quốc tế buộc phải vượt qua chính bản thân mình. Tại cuộc thi "Làm phim 48 giờ", tính đoàn kết, thống nhất để làm việc nhóm có hiệu quả là một trong những thách thức như thế. Người Việt được đánh giá là thông minh, sáng tạo, học hỏi nhanh nhưng tinh thần làm việc nhóm không cao, nếu không muốn nói là rất yếu. Đây là một trong những nhược điểm lớn khi hòa nhập làm việc trong môi trường quốc tế. Chỉ riêng với thi làm phim 48 giờ, nhóm dự thi chỉ có đúng khoảng thời gian ấy để làm tất cả các công việc từ kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, chọn bối cảnh… Sự ngặt nghèo về mặt thời gian không cho phép bất kỳ nhóm nào có đủ thời giờ giải quyết những rào cản tự thân từ chính các thành viên trong nhóm như thế.
Thực tế, việc tổ chức ngày càng nhiều các cuộc thi làm phim, đặc biệt là phim ngắn vô cùng cần thiết là ý kiến chung của các đạo diễn bởi đây là sân  chơi, là cơ hội cho những người yêu thích điện ảnh cọ xát, giao lưu, học hỏi. Tuy nhiên, tổ chức nhiều nhưng cũng cần phải được kiểm soát, đặc biệt là đội ngũ giám khảo. Nếu giám khảo không vững sẽ rất dễ dẫn đến sự loạn chuẩn. Với những cuộc thi hướng ra tầm khu vực và thế giới, nếu không có bản lĩnh vững vàng, người Việt trẻ làm phim rất dễ đánh mất mình. Như mọi dòng sông hướng về biển lớn nhưng nếu không giữ được bản sắc riêng, ra biển lớn cũng không có nghĩa gì. Hơn nữa, thế giới họ đi tìm những gì độc đáo, những bản sắc riêng trên những chuẩn chung về mặt kỹ thuật. Nếu chỉ chăm chăm bắt chước họ cũng sẽ sớm bị "loại khỏi cuộc chơi" bởi không ai cần người khác "sao y bản chính" của chính họ. Chỉ có điều, những lỗi này rất hay gặp phải với số đông. Nhiều bạn trẻ cứ chăm chăm tìm đến những đề tài đao to búa lớn mà quên mất những gì rất gần gũi nhưng khác biệt của chính mình và cộng đồng.
Theo CAND

 

Bình luận (0)