Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất siêu: đáng mừng nhưng vẫn phải lo

Tạp Chí Giáo Dục

Chín tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất siêu 134 triệu USD, tuy nhiên chủ yếu dựa vào giảm nhập, không phải do năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế được cải thiện.

Năm 2011, quy mô xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD song vẫn nhập siêu. Tuy nhiên, Việt Nam đã xuất siêu 134 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay. Sự đảo chiều trong cán cân thương mại, từ nhập siêu sang xuất siêu thường đem lại lợi ích kinh tế nhiều hơn nhưng đối với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, diễn biến này lại đáng lo.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2012 ước đạt khoảng 74,1 tỷ USD, tăng tới 19% so với cùng kỳ năm trước và tính bình quân mỗi tháng đạt khoảng 9,261 tỷ USD. Đã có 16 mặt hàng lọt vào nhóm xuất khẩu một tỷ USD, 24 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD. Dẫn đầu là mặt hàng dệt may đạt 9,8 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,4 tỷ USD, dầu thô rớt xuống hàng thứ ba với kim ngạch 5,5 tỷ USD,… Về nhập khẩu, kim ngạch chung 8 tháng chỉ đạt 73,96 tỷ USD và đây là nguyên nhân quan trọng khiến cán cân thương mại của Việt Nam đảo chiều từ nhập siêu sang xuất siêu.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 giảm 5,7% so với tháng 8, chỉ đạt khoảng 9,7 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm khoảng 4,5%, đạt 9,8 tỷ USD. Tính chung 9 tháng, Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 134 triệu USD.

Đáng lưu ý là sự tăng trưởng xuất khẩu rất cao, như 241% đối với sản phẩm máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, tăng 136% đối với điện thoại các loại hay tăng 83,8% đối với máy vi tính, sản phẩm điện tử,… Điều này cho thấy các ngành gia công đang có lợi thế. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu nhờ vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vì có những thuận lợi về cả vốn đầu vào và thị trường đầu ra do công ty mẹ chi phối. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước giảm cả nhập khẩu và xuất khẩu, đặc biệt là nhập khẩu giảm tới 7%.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu chỉ nhìn ở con số thì xuất siêu như thời điểm hiện tại là đáng mừng. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là gia công nên nhập khẩu liên tục giảm cũng báo hiệu khả năng sắp vào chu kỳ xuất khẩu giảm.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, nhận định nhập siêu đang giảm do khả năng hấp thụ đầu vào của nền kinh tế giảm quá mạnh. Điều này đồng nghĩa với sản xuất gặp khó khăn nghiêm trọng và tăng trưởng không mấy lạc quan.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng các thông tin kinh tế hiện nay đang có nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn quý III, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhích lên 4,9%, tăng trưởng xuất khẩu cũng vẫn cao, nhập siêu giảm nhưng nhìn vào các chỉ số khác như hàng tồn kho, nợ xấu thì lại phản ánh kinh tế rất khó khăn. Việc nhập khẩu không tăng một mặt có tác dụng làm giảm thâm hụt ngoại tệ nhưng mặt khác cho thấy sản xuất và xuất khẩu sẽ bị thu hẹp do "đầu vào" là nguyên vật liệu nhập khẩu giảm mạnh.

Các chuyên gia kinh tế đã tổng kết từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam chỉ có duy nhất năm 1992 xuất siêu, còn lại đều ở trong tình trạng nhập siêu với diễn biến ngày càng trầm trọng. Từ năm 2005, kinh tế Việt Nam rơi vào chu kỳ suy giảm đến nay vẫn chưa kết thúc. Cùng với đó, tổng cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng suy giảm mạnh do kinh tế thế giới khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đột ngột xuất siêu thì không phải tín hiệu đáng mừng. Vì xuất siêu chủ yếu dựa vào giảm nhập, không phải do năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế được cải thiện. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phải nhập gần như 100% nguyên, nhiên vật liệu cho làm hàng xuất khẩu và máy móc phục vụ đổi mới công nghệ.

(Theo Người lao động)

Bình luận (0)