Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa hoàn tất báo cáo kiểm toán về “Trích lập quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu giai đoạn 2009- 2010”.
Theo đó, về lâu dài nếu để Quỹ BOG tại doanh nghiệp (DN) sẽ dễ bị lạm dụng.
Theo kết quả kiểm toán, số tiền phải trích lập Quỹ BOG qua 10 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối trong 2 năm là 5.554 tỷ 661 triệu đồng. Trong đó, năm 2009 tổng số Quỹ BOG phải trích lập tại 10 đầu mối là 970,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế 10 DN đầu mối đã trích là 1.006,8 tỷ đồng. Như vậy, số đã trích lớn hơn số phải trích về Quỹ BOG là 35, 973 tỷ đồng.
Năm 2010, số phải trích là 4.583 tỷ đồng, trong khi đó 10 DN đã trích là 4.561 tỷ đồng. Như vậy số phải trích bổ sung là gần 22,2 tỷ đồng. Tại mỗi DN, có số trích thừa (trích vượt), trích thiếu khác nhau. Ví dụ, năm 2010: Petrolimex trích thiếu 27, 1 tỷ đồng, trong khi Petec trích thừa 10,3 tỷ đồng…
Về sử dụng Quỹ BOG, kết quả kiểm tra xác định số quỹ mà 10 DN đầu mối sử dụng để bù đắp phần chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ là hơn 3.752 tỷ đồng. Số Quỹ BOG các DN đã sử dụng trong năm 2010 là 3.736 tỷ đồng, số cần bổ sung để bù đắp là 16,5 tỷ đồng, nhưng cũng có một số DN phải hoàn trả quỹ vì đã sử dụng nhiều hơn số được sử dụng.
Điều hành không nhất quán
Đánh giá chức năng giám sát Quỹ BOG của Bộ Tài chính, Công Thương, KTNN chỉ ra việc điều hành còn thiếu nhất quán, không rõ ràng. Ví dụ, theo công văn số 156 của Cục Quản lý giá hướng dẫn: “DN thực hiện trích Quỹ BOG đối với những chủng loại xăng dầu khi có điều kiện (có lãi) nhằm bình ổn giá trong nước khi thế giới tăng trở lại”.
Nên xảy ra tình trạng, có một số DN đã triển khai thực hiện trích Quỹ khi kết quả kinh doanh có lãi, một số DN lại không trích quỹ vì kết quả kinh doanh bị lỗ. Sau đó, Tổ giám sát liên bộ lại có công văn hướng dẫn chỉ đạo trích quỹ, dẫn đến lỗ vẫn trích, khiến DN lúng túng. Chưa kể, trong bối cảnh giá bán lẻ Nhà nước quyết thấp hơn giá cơ sở thì không có 300 đồng/lít của người tiêu dùng trong đó để trích, nên nhiều DN phải lấy vốn của mình để trích quỹ. Theo KTNN, trích khi lỗ đã dẫn đến làm tăng chi phí, tăng giá cơ sở, DN lỗ càng thêm lỗ, việc trích Quỹ BOG không còn ý nghĩa (và là nguyên nhân tạo nên quỹ ảo).
Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm là, căn cứ xác định giá cơ sở của DN, KTNN cho biết qua kiểm tra các số liệu, việc xác định giá này hoàn toàn phù hợp với diễn biến thế giới và ổn định kinh tế trong nước. Tuy nhiên, một số yếu tố trong cơ cấu giá thực tế phát sinh như chênh lệch tỷ giá, lãi vay trong và sau thời gian lưu thông chưa được quy định…
Theo KTNN, mô hình Quỹ BOG xăng dầu là cần thiết, nhưng tồn tại một số nhược điểm như dễ phát sinh rủi ro, không tách được số lãi do số dư Quỹ BOG khi chưa sử dụng mang lại. Bên cạnh, việc để Quỹ tại DN có những hạn chế về tính minh bạch, dễ bị doanh nghiệp lạm dụng để dùng vào mục đích khác, rủi ro đối với quỹ cao mà không có biện pháp phòng ngừa, không tách bạch được các khoản lãi từ Quỹ mang lại.
Khánh Huyền
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)