Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tăng 2,38%, CPI tháng 5/2011 tại TP.HCM giảm tốc

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại TP.HCM tháng 5/2011 chỉ còn tăng 2,38% so với tháng trước, mức thấp hơn so với cách đây một tháng, theo số liệu vừa được cơ quan thống kê công bố.

Tuy nhiên, so sánh trong khoảng 24 tháng gần đây, mức tăng này vẫn thuộc loại rất cao, cho thấy sức ép lạm phát vẫn còn duy trì và chưa bị triệt tiêu hoàn toàn.

So với tháng 12 năm 2010, chỉ số giá tháng này tại đầu tầu kinh tế phía Nam đã tăng gần 11%; so với cùng kỳ đã tăng trên 16%, đều đạt mức hai con số.
Tăng giá điện, gas, xăng dầu… tiếp tục thể hiện trên các chỉ số CPI nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tháng này tại TP.HCM, tạo mức tăng khá cao cho các nhóm giao thông (2,77%), nhà ở và vật liệu xây dựng (2,9%)… Tuy nhiên, vẫn có những điểm khác biệt trong bức tranh toàn cảnh chỉ số giá tháng này của TP.HCM.
Giá thực phẩm tại TP.HCM vẫn tăng rất cao trong tháng 5.
Thứ nhất, giá gạo tiếp tục chịu tác động từ việc doanh nghiệp xuất khẩu tăng mua cho các hợp đồng đã ký; các loại thịt, hải sản tăng giá do thiếu nguồn cung trước nhu cầu vẫn lớn… đã đẩy chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng rất cao.
Bất chấp các chương trình bình ổn lấy nhóm hàng này làm trọng tâm, việc giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao khiến CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5 tăng tới 3,77%, là nguyên chính đẩy chỉ số giá tháng này còn treo cao tại TP.HCM.
Thứ hai, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất, tới 4,29% là một đột biến khác so với những tháng trước. Áp lực lạm phát khiến nhiều loại dịch vụ y tế tại TP.HCM đã điều chỉnh mức phí tăng rất cao trong tháng này.
Thứ ba, quan điểm trọng ăn, chơi của người phương Nam đã không còn thể hiện trong tháng này, dù là trùng thời điểm nghỉ lễ dài 30/4 và 1/5. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chỉ tăng nhẹ 0,28%.
Có lẽ, khó khăn trong tiêu dùng đã khiến những thói quen của người Sài thành buộc thay đổi, khiến chi phí cơ hội đẩy cầu tiêu dùng tăng ở các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu hơn.
Ở các nhóm còn lại, chỉ số giá may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,57%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,89% cũng thuộc các nhóm tăng cao mà nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ tăng giá thế giới và điều chỉnh tỷ giá trong nước.
Với kết quả này, mức CPI chung cả nước tháng này đứng trước khả năng có thể tăng hơn 2% so với tháng trước, như một số dự báo của các chuyên gia gần đây.
Nguồn VNECONOMY

Bình luận (0)