Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhạc kịch Cây sáo thần ghi dấu ngoạn mục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hai đêm công diễn vở nhạc kịch Cây sáo thần vào ngày 8 và 9-11 tại sân khấu Nhà hát TP HCM, khán phòng không còn chỗ trống.
Đến với công chúng TP HCM lần này, vở Cây sáo thần của thiên tài âm nhạc Mozart, do các nghệ sĩ quốc tế và Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM trình diễn, đã thật sự “cháy vé”.
Một cảnh trong vở nhạc kịch Cây sáo thần Ảnh: DUY TÂN
Để có thể thu hút khách đông bất ngờ như thế, yếu tố đầu tiên là những đoạn đối thoại trong vở diễn đã được Việt hóa nên khán giả hiểu sâu hơn về vở diễn đặc thù văn hóa châu Âu này (toàn bộ lời hát sử dụng bản tiếng Anh). Tất cả các nghệ sĩ Na Uy, Hàn Quốc tham gia vở diễn đều phải tập nói tiếng Việt. Nghệ sĩ Hàn Quốc Cho Hae Ryong có quá trình sống lâu ở Việt Nam nên không mấy khó khăn; còn đối với giọng nam cao Magnus Staveland (Na Uy) và giọng nam trầm Derek Anthony (Na Uy) thì việc tập luyện những đoạn đối thoại dài bằng tiếng Việt thực sự là một thách thức lớn.
Nghệ sĩ – biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, với vai trò trợ lý của đạo diễn David Hermann, cho biết điều khó khăn nhất chính là ở chỗ Việt hóa cho vừa đủ. Nghệ sĩ Việt trong vở diễn đã chứng tỏ sức bật lớn khi làm việc cùng một dàn nghệ sĩ quốc tế mà đẳng cấp của họ đã được khẳng định. Một trong những gương mặt ấn tượng xuất hiện rực rỡ tại vở diễn là giọng nữ cao Đào Thị Tố Loan, vai Nữ hoàng đêm – một vai diễn rất khó, thể hiện nội tâm đa chiều. Tố Loan đang mang thai ở tháng thứ sáu và vai Nữ hoàng đêm đòi hỏi khá nhiều công lực trong phần diễn chứ không chỉ là giọng hát. Tố Loan cho thấy nội lực cực kỳ mạnh mẽ trong giọng hát của cô.
Toàn bộ trang phục đều được làm từ chất liệu thiên nhiên của Việt Nam và Pháp như xơ dừa, lụa tơ tằm… Và điều quan trọng là phải cài được yếu tố dân tộc trong đó, như phần đuôi của chiếc váy đen mà Nữ hoàng đêm mặc là phần thể hiện chiếc áo dài Việt Nam nhưng không ảnh hưởng đến gốc châu Âu của tổng thể vở diễn. Cuối cùng, tất cả các nhân vật đều trở nên lộng lẫy, đẹp như trong mơ. Giấc mơ đó không chỉ trở thành hiện thực trên sân khấu mà còn đọng lại trong cảm xúc của khán giả. Trong sổ cảm nhận đặt trước cửa nhà hát, rất nhiều người đã dừng lại và ghi: “Tuyệt vời!”, “Một trải nghiệm cực kỳ xúc động!”, “Dấu ấn đậm nét đối với sân khấu nhạc kịch”.
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM, cho biết nhà hát hy vọng năm tới sẽ tiếp tục công diễn kiệt tác của thiên tài âm nhạc Mozart với phiên bản hoàn toàn do các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn. Ông cũng rất xúc động với những chia sẻ của khán giả lần này bởi điều đó đã khẳng định rằng chẳng phải khán giả Việt không biết thưởng thức những tác phẩm đỉnh cao.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)