Rõ ràng, điều chỉnh tỷ giá cộng với hàng loạt biện pháp quản lý khác đã mang lại sự ổn định trước mắt cho thị trường. Tuy nhiên, điều này lại làm nảy sinh những thực tế mới có thể gây ra lo ngại trong dài hạn.
Ngày 15/6, tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã ở mức 20.618 VND/USD – giá USD ở mức thấp nhất trong vòng ba tháng qua từ khi cơ quan này điều tỷ giá để hạ nhiệt USD. VND đã lên giá một mức đáng kể.
Tình huống phát sinh
Chưa bao giờ, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các giải pháp chống đô-la hóa trong nền kinh tế một cách mạnh mẽ và quyết liệt như từ đầu năm 2011 đến nay. Sau quyết định điều chỉnh tỷ giá tăng cao đến hơn 9% vào đầu tháng 2/2011, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp thực hiện các điều chỉnh cả kỹ thuật và hành chính nhằm giảm các hiện tượng và tác động của đô la hóa trong nền kinh tế.
(Ảnh minh họa: ngoinhachung.net)
Đầu tiên phải kể đến việc huy động nhiều lực lượng vào cuộc để chấn chỉnh hoạt động giao dịch USD trái phép, dẹp thị trường chợ đen khá rầm rộ. Liền đó, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần yêu cầu tăng dữ trữ bắt buộc ngoại tệ lên mức khá cao; đồng thời, liên tiếp hạ lãi suất huy động USD xuống hiện nay chỉ còn 2% cho cá nhân và 0,5% cho các tổ chức. Mới đây nhất, một dạng "kết hối" đã được thực thi khi cơ quan nhà nước yêu cầu các DN nhà nước phải bán lại toàn bộ USD cho ngân hàng và khi cần được mua lại.
Tất cả những biện pháp này đã phát huy tác dụng khi thị trường chợ đen "xẹp hẳn", hoạt động giao dịch giảm, tỷ giá chợ đen trước đây cao hơn tỷ giá chính thức thì nay đã giảm bằng thậm chí thấp hơn tỷ giá ngân hàng. Sự chi phối của USD chợ đen đối với thị trường ngoại tệ đã bị xóa bỏ.
Bên cạnh đó, các biện pháp được xem là vừa khuyến khích, vừa cưỡng ép đã làm giảm sự găm giữ USD trong dân cư và tổ chức, giúp làm tăng nguồn cung USD trên thị trường. Những số liệu báo cáo cho thấy, tỷ lệ huy động USD đang giảm trong VND tăng lên tỷ lệ thuận với xu hướng bán USD để giữ tiền đồng của người dân.
Nguồn cung tăng khiến cho các ngân hàng dồi dào ngoại tệ, và như môt lẽ tất yếu, tỷ giá bước vào một giai đoạn điều chỉnh giảm kéo dài. Điều này khiến VND lên giá một cách đáng kể so với USD. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các biện pháp đều được nhận định và đúng hướng nên đã nhanh chóng tạo ra sự bình ổn được cho là sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm của tỷ giá. Điều đó làm giảm những tác động tiêu cực lên nền kinh tế; góp phần gia tăng niềm tin vào VND.
Có thể nói, cùng với hiệu quả bước đầu của chính sách tiền tệ thắt chặt chống lạm phát thì hiệu quả của chính sách đối với USD là điểm nhấn đáng kể của tiền tệ những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, thực tế trên đây cũng làm nảy sinh những tình huống mới. USD xuống thấp và được dự đoán là có sự ổn định khá dài, lãi USD thấp trong khi lãi suất VND lên cao đã khiến tín dụng USD tăng cao.
Các số liệu mới đây cho thấy, xu hướng DN chuyển sang vay ngoại tệ. Theo báo cáo của các TCTD, trong gần 5 tháng đầu năm 2011, thanh khoản bằng ngoại tệ của TCTD được đảm bảo, nhưng tín dụng bằng ngoại tệ tăng ở mức khá cao. Tính đến 23/5, lượng vốn ngoại tệ các ngân hàng cho vay với nền kinh tế tăng tới 18,9% trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng 2,59%.
Theo các chuyên gia ngân hàng, tín dụng ngoại tệ tăng cao sẽ gây sức ép lên hệ thống ngân hàng cả trong hiện tại cũng như tương lại khi đến kỳ trả nợ. Hơn nữa, tín dụng USD tăng cũng là biểu hiện chưa thành công trong việc chống đô la hóa. Bởi vì xét cho cùng, USD vẫn được ưu dùng và điều này trước sau gì cũng gây sức ép lên tỷ giá hối đoái của quốc gia.
Lo ngại trước tình hình này, Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa cảnh báo sự tăng trưởng tín dụng USD. Đây là hậu quả của lạm phát nhưng cũng là tình huống mới nảy sinh từ các chính sách tiền tệ trong năm nay mà việc xử lý dường như chưa lường hết.
Bên cạnh đó, USD giảm sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu và có lợi cho nhập khẩu. Đối với một nước đang chật vật chống nhập siêu thì điều này là một bất lợi. Hồi đầu năm, khi điều chỉnh tăng tỷ giá lý do được đưa ra là hỗ trợ xuất khẩu và chống nhập siêu. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay thì điều này liệu có bị ảnh hưởng.
Chưa có chứng minh nào về việc giảm tỷ giá gây tác động tăng nhập siêu ra sao. Tuy nhiên, với tốc độ nhập siêu tháng 5 là 1,4 tỷ USD, bằng xấp xỉ 22,7% kim ngạch xuất khẩu và là tỷ lệ nhập siêu cao nhất trong 5 tháng đầu năm. Nhập siêu 5 tháng đầu năm 2011 ước xấp xỉ 6,6 tỷ USD, bằng xấp xỉ 19% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 16%.
Và ước nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 khoảng 7,5 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu. Đây thực sự là một điều đáng suy nghĩ nếu USD tiếp tục hạ giá.
Bên cạnh đó, việc dùng các biện pháp để ép tăng nguồn cung USD và Ngân hàng Nhà nước tích cực mua vào USD để tăng dự trữ sẽ khiến một nguồn VND lớn được đẩy ra thị trường. Như vậy buộc phải có các chính sách linh hoạt để hút về nếu không muốn nó trở thành một tác nhân gây khó cho chính sách thắt chặt tiền tệ.
Lặp lại rủi ro?
Trong dự báo mới đây, nhiều tổ chức tài chính lớn đều tin rằng, USD sẽ ổn định và có xu hướng giảm trong thời gian tới. Một số chuyên gia có thái độ khá lạc quan khi cho rằng, tỷ giá hiện nay không có gì phải lo ngại. Nếu tỷ giá chưa xuống dưới 20.000 đồng/USD thì mọi việc vẫn ổn. Vùng tỷ giá hiện nay là an toàn và thuận lợi cho việc điều hành.
Tuy nhiên, trước tình hình hình, đại diện Hiệp hội Ngân hàng đã bày tỏ quan điểm không nên để giá USD giảm hơn nữa. Việc USD liên tục giảm giá như vậy đã kích thích nhu cầu vay USD của các doanh nghiệp, khiến tín dụng ngoại tệ tăng, trong khi tín dụng VND lại giảm.. Dường như, đại diện cho những người đang trực tiếp kinh doanh dù có thể hưởng lợi ít nhiều trong tình hình hiện nay lại tỏ ra lo ngại những biến động về tương lai.
Trong khi đó, những diễn biến mới đây về tỷ giá đã khiến không ít các tổ chức nước ngoài phải thận trọng hơn khi xem lại các lập luận của mình để điều chỉnh dự báo chuẩn xác hơn. Tuy nhiên, có một điểm chung là tất cả đều cho rằng, tỷ giá USD sẽ tăng vào cuối năm và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có thêm một đợt điều chỉnh tỷ giá theo xu hướng tăng.
Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng Standard Chartered, ngân hàng sẽ có một đợt điều chỉnh tỷ giá nhẹ vào cuối năm. Tỷ giá có thể sẽ tăng lên 21.800 đồng. Ông Tai Hui – Trưởng bộ phận nghiên cứu Đông Nam Á của Standard Chartered, nhấn manhh, điều này dựa trên các yếu tố lạm phát, giá cả tăng cao. Thâm hụt thương mại và rủi ro từ mất giá tiền đồng. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục chuyển tài sản qua USD để nắm giữ. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể sẽ tránh được nhờ những chính sách như thời gian qua.
Nhớ lại những lần trước, mỗi lần USD điều chỉnh đều gây ra những tác hại đáng kể cho các nhà đầu tư và kinh doanh. Một tình huống tương tự đã từng xảy ra trong năm 2010, sau đợt điều chỉnh mạnh vào đầu năm khiến tỷ giá tăng cào và giữu được bình ổn trong một thời gian dài 7 tháng. Tại thời điểm đó, cũng đã xuất hiện sự chênh lệch lãi suất VND và USD nên khiến tín dụng USD tăng cao.
Các DN vay nhiều USD rồi chuyển ra VND để có nguồn vốn giá rẻ và đặt cược rủi ro vào sự ổn định của USD trong dài hạn, bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia. Thực tế, đến cuối năm 2010 và đầu 2011, tỷ giá đã được điều chỉnh mạnh khiến những DN vay vôn USD chịu thiệt hại nặng. Đi kèm đó là những thiệt hại cho các nhà xuất nhập khẩu. Tất nhiên, cơ quan quản lý và nền kinh tế cũng gánh chịu những tác động không hề nhỏ.
Năm nay, tín dụng USD tăng cao và những dự báo tỷ giá tăng vẫn còn đó. Và đấy chính là một một nguy cơ rủi ro có thể lặp lại. Áp lực rủi ro đã từng xảy ra và đang tiếp tục tiềm ẩn trong tương lại. Chỉ khi nó xảy ra, DN khó khăn, nền kinh tế mất cân đối thì bài học mới thực sự được nhắc lại một cách ý nghĩa nhất.
Bên cạnh đó, với một chu kỳ trả nợ vào cuối năm nay và đầu năm tới. Cầu ngoại tệ trả nợ từ hoạt động vay ngoại tệ tăng mạnh từ đầu năm đến nay cũng là một yếu tố cần chú ý. Bởi vì, đó chính là thời điểm sự ổn định vốn dày công tạo dựng có thể trở nên mong manh và dễ bị phá vỡ.
Trong khi đó, với xu hướng nhập siêu đang gia tăng, thử thách đối với sự ổn định của tỷ giá USD/VND là mùa cao điểm thanh toán cuối năm. Nếu căng thẳng cung – cầu xảy ra, "quỹ" dự trữ ngoại hối có thể lại phải chia sẻ. Như thế, dự trữ mới cố gắng nâng lên đã đối mặt với nguy cơ bị suy giảm.
Trong khi đó, sự biến động tỷ giá tăng lên sẽ khiến cho giá cả thêm đắt đỏ khi rất nhiều hàng hóa và nguyên liệu phải nhập khẩu. Lạm phát sẽ bị ảnh hưởng, thêm một lần nữa nó sẽ gây khó khăn cho chống lạm phát và ổn định vĩ mỗ.
Ngoài ra, nếu có tình ép để tỷ giá giảm để thuận lợi trước, rồi buộc phải tăng mạnh thì điều đó lại một bất lợi nữa cho chính sách điều hành và niềm tin của người dân. Bởi vì, thị trường ngoại hối sẽ vẫn chưa có được sự ổn định và như thế, nhân tố đầu cơ và nắm giữ USD sẽ khó mà bị xóa bỏ.
Theo VEF
Bình luận (0)