Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Từ chiếc bàn đổi tiền đến 19.700 tỷ đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Các cán bộ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Lào Cai đang giải quyết thủ tục

Nói đến thanh toán biên mậu nhiều người nghĩ ngay đến việc… đổi tiền tại các cửa khẩu. Ấy thế nhưng ít có cán bộ chi nhánh NHNN – PTNT nào ở Lào Cai không nhớ tới những khó khăn của buổi đầu với chiếc "bàn thu đổi ngoại tệ cửa khẩu" với con số 10 triệu đồng/ngày trong năm 1993. Và con số đó ngày một nhiều thêm qua năm tháng.
Công tác thanh toán biên mậu đã được NHNN – PTNN Việt Nam triển khai đầu tiên từ năm 1993. Tuy lúc đó mọi hoạt động nghiệp vụ mới mang tính sơ khai song những hoạt động đó được đánh giá là những thực tế từ cơ sở để hình thành nhiều văn bản quan trọng trong hệ thống các quy định về thanh toán biên mậu và thanh toán quốc tế hiện nay. Năm 2008, doanh số thanh toán XNK của các chi nhánh thuộc NHNN – PTNN Việt Nam đã lên tới hơn 19.700 tỷ đồng. Các dịch vụ về thanh toán biên mậu của NHNN – PTNT Việt Nam cũng được giới doanh nghiệp đánh giá là đã hỗ trợ rất đắc lực cho các doanh nghiệp kinh doanh XNK qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là giao thương Việt – Trung.
Chiếc bàn đổi tiền
Nhắc tới "thanh toán biên mậu" ít có cán bộ chi nhánh NHNN – PTNT nào ở Lào Cai không nhớ tới những khó khăn của buổi đầu tái lập tỉnh Lào Cai năm 1991 và chiếc bàn đổi tiền lúc đó được gọi là "bàn thu đổi ngoại tệ cửa khẩu", bước sơ khởi của công tác thanh toán biên mậu hiện nay. Có lẽ NHNN – PTNN Việt Nam cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên có mặt tại Lào Cai.
Bà Nguyễn Thị Thanh – Phó Giám đốc NHNN – PTNT thành phố Lào Cai cho biết, năm 1991 tái lập tỉnh Lào Cai thì tới 1993, tình hình qua lại làm ăn của bà con hai bên biên giới và các thương nhân từ miền xuôi lên đã bắt đầu sầm uất tấp nập. Cây cầu nối hai bờ sông chưa được xây dựng lại do đó con đường thông thương lúc ấy trở thành đường thuỷ. Hàng ngày các thương nhân và bà con hai bên qua lại buôn bán với nhau bằng thuyền và tiền mặt được chuyển qua sông trong những vỏ thùng bia. Trước tình hình đó, NHNN – PTNT chi nhánh Lào Cai đã mạnh dạn lập một bàn thu đổi ngoại tệ ngay tại cửa khẩu để phục vụ các nhu cầu thanh toán và khách du lịch đồng thời cũng nhằm mục đích nghiên cứu để triển khai một dịch vụ thanh toán mới mà hiện nay gọi là thanh toán biên mậu. Những ngày đầu mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ thu đổi được từ 10 – 20 triệu đồng.
15 năm và con số 19.700 tỷ đồng trong năm 2008 chưa đủ để đánh giá về sự phát triển của dịch vụ thanh toán biên mậu. Nhưng đây chính là dấu mốc quan trọng của ngân hàng NN và PTNT .
Năm 1994, NHNN – PTNT chi nhánh Lào Cai ký hợp tác với NH NN tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chính thức đặt nền móng đầu tiên cho công tác thanh toán biên mậu. Tuy nhiên, phải tới 1995, NH nhà nước mới chính thức cấp phép cho hoạt động thanh toán biên mậu của NHNN – PTNT Việt Nam – và đây chính là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam triển khai hoạt động thanh toán biên mậu.
Tuy vậy khó khăn cũng mới chỉ bắt đầu, do là loại hình dịch vụ mới nên hệ thống văn bản quy định cũng như hạ tầng cơ sở vật chất còn thiếu thốn rất nhiều. Hiện nay trong thanh toán biên mậu, các chi nhánh của NHNN – PTNN Việt Nam đã áp dụng tới 8 hình thức thanh toán nhưng vào thời điểm 1995 chỉ có hai hình thức là thanh toán qua hối phiếu và thư chuyển tiền. Cứ 9 giờ sáng, thay phiên nhau, 1 ngày cán bộ ngân hàng bên Trung Quốc "thồ" chứng từ sang Việt Nam thì hôm sau, cán bộ ngân hàng bên Việt Nam lại "thồ" chứng từ sang Trung Quốc. Bởi lao động thủ công là chính nên lúc ấy để tránh bị làm giả chứng từ, ông Ngô Văn Sơn – phó giám đốc chi nhánh NHNN – PTNT Lào Cai cho biết, còn phải tự tạo ra các ký hiệu mật trên các chứng từ chứ chưa có các phương tiện in hiện đại như bây giờ.
Việc đưa tiếng Anh vào chứng từ thanh toán (dùng 3 ngôn ngữ Việt – Trung – Anh) được coi là một bước hoàn thiện quan trọng và thể hiện tính quốc tế cao trong giao dịch thanh toán biên mậu. Tiếp đó từ thực tế hoạt động nhiều kiến nghị đã được gửi tới ngân hàng trung ương, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng cơ chế chính sách quản lý trong lĩnh vực thanh toán biên mậu nói chung.
Đến 19.700 tỷ đồng
Nếu những ngày đầu khởi động hoạt động thanh toán biên mậu với chiếc "bàn đổi tiền" mỗi ngày chỉ đạt doanh số 10 triệu đồng tức là khoảng 3 – 4 trăm triệu đồng/năm thì tới năm 2008, tổng doanh số thanh toán XNK qua biên giới của toàn hệ thống NHNN – PTNT Việt Nam đạt 19.700 tỷ đồng, tăng trưởng 37,95% so với 2007. Đây là một con số ấn tượng với mức tăng trưởng bình quân rất nhanh qua các năm. Đặc biệt đối với chi nhánh Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và chi nhánh Móng Cái (Quảng Ninh), doanh thu từ dịch vụ thanh toán biên mậu đã chiếm tới  35 – 42% tổng thu dịch vụ. Cũng trong năm 2008, các phương thức thanh toán như tín dụng chứng từ, nhờ thu, bảo lãnh và thanh toán qua mạng Internet Banking giữa 4 tỉnh biên giới với các ngân hàng Trung Quốc thay thế cơ chế thanh toán bằng chứng từ trao tay, hạch toán thủ công, chuyển điện thanh toán thông qua SWIFT chi phí cao đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp khách hàng. Phương pháp mới áp dụng công nghệ tin học đã giúp rút ngắn thời gian thanh toán từ 20 phút trước đây xuống còn 3 phút, vừa đảm bảo chính xác vừa đơn giản việc luân chuyển chứng từ.
Ông Đỗ Xuân Bái – GĐ công ty XNK Lào Cai – doanh nghiệp XNK có kim ngạch XNK khoảng 50 tỷ VND mỗi năm với Trung Quốc và đã mở tài khoản tại chi nhánh NHNN – PTNN Lào Cai hàng chục năm nay cho biết: việc áp dụng công nghệ mới trong thanh toán nói trên đã giúp cho việc thanh toán của công ty rất thuận lợi và nhanh chóng. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi hiện chỉ tính riêng tại NHNN – PTNT thành phố Lào Cai đã có tới gần 300 doanh nghiệp trên cả nước thường xuyên sử dụng dịch vụ thanh toán XNK do NH cung cấp cho các hoạt động kinh doanh với các đối tác Trung Quốc.  Các giao dịch thanh toán qua NHNN – PTNT chi nhánh tỉnh Lào Cai cũng chiếm tới 38% tổng kim ngạch buôn bán qua cửa khẩu Lào Cai và NHNN – PTNT thành phố Lào Cai chiếm tới 70% tổng doanh số thanh toán XNK qua NHNN – PTNT Lào Cai của các NH thương mại trên địa bàn với mức tăng trưởng bình quân 35% mỗi năm.
Tuy nhiên, nói tới thanh toán biên mậu không thể không nhắc tới chi nhánh NHNN – PTNT Móng Cái (Quảng Ninh). Tỉnh Quảng Ninh có hơn 100 km đường biên giới với tỉnh Quảng Tây – Trung quốc. Trong đó, Móng Cái là cửa khẩu có qui mô giao thương lớn nhất. Ngoài ra phía nam tỉnh Quảng Ninh giáp với hai tỉnh Hải Dương và Hải Phòng, với hệ thống giao thông rất thuận lợi nối liền với các tỉnh rộng lớn ở miền bắc, miền trung và miền nam Việt Nam. Đặc biệt tuyến đường biển từ Hạ Long tới Trà Cổ, tiếp giáp với Trung Quốc đã hình thành một tuyến các cảng biển quan trọng tạo điều kiện cho giao thương hàng hoá thuận lợi.
Ngày 22/7/1996, NHNN – PTNT Việt Nam đã  ký hợp tác thương mại với NH NN Trung Quốc và giao cho chi nhánh của các ngân hàng này ở hai tỉnh biên giới Quảng Ninh của Việt Nam và Quảng Tây của Trung Quốc tổ chức thực hiện các nghiêp vụ thanh toán biên mậu. Nghiệp vụ này được chính thức khai trương ngày 20/12/1996. Tới 1999, hai bên tiếp tục ký thoả thuận về sửa đổi một số nghiệp vụ kỹ thuật trong các phương tiện thanh toán, bỏ việc ký hậu và nâng thời hạn hiệu lực của chứng từ thanh toán từ 13 ngày lên 30 ngày. Năm 2004 hoạt động thanh toán lại được cải tiến bằng việc bổ sung các hình thức thanh toán quốc tế dùng cho thanh toán biên mậu thông qua mạng SWIFT bằng VND đối với khách hàng là phía Việt Nam và bằng Nhân dân tệ (CNY) đối với khách hàng là phía Trung Quốc. Cho tới 2008, với việc ứng dụng Internet Banking đã khiến dịch vụ thánh toán biên mậu càng trở nên thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp tham gia XNK qua các cửa khẩu biên giới đường bộ. NHNN – PTNT Việt Nam cũng đã ký hợp tác và triển khai các hoạt động thanh toán biên mậu với cả ba quốc gia có biên giới  đường bộ tiếp giáp với Việt Nam là Trung Quốc, Lào và Campuchia. 
Tới nay, thanh toán biên mậu qua NH nói chung đã thực sự đảm bảo an toàn, tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và thương nhân, giúp tăng cường quản lý nhà nước về XNK, quản lý tiền tệ biên giới và tăng thu ngân sách. Hoạt động trên cũng góp phần ổn định tỷ giá tiền tệ tại các cửa khẩu biên giới và mở ra một nghiệp vụ kinh doanh hiệu quả đối với hệ thống NH.
Đặng Hào (dddn)
 

Bình luận (0)