Y tế - Văn hóaThư giãn

Thư giản: Ban nhạc gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi là nhạc sĩ, nổi tiếng từ lúc mới 19 tuổi với chùm ca khúc vận động kế hoạch hóa gia đình. Vợ tôi là ca sĩ, năm 17 tuổi cũng nổi đình đám nhờ hát quá hay ca khúc “hot” của tôi. Chúng tôi kết nhau từ ấy, xây tổ ấm tràn trề âm nhạc và mơ mộng, quyết cho ra đời một ban nhạc gia đình.

Hai vợ chồng lên kế hoạch đẻ liền tù tì, bất luận trai gái, miễn là lũ nhóc mang gien di truyền của cha mẹ vốn là ca sĩ, nhạc sĩ lẫy lừng. Đứa con gái đầu lòng mới sinh ra, không khóc oa oa như bao trẻ khác, mà ré lên “đồ mi fá, đồ mi fá”. Đứa con gái thứ hai vừa lọt lòng đã múa tay điệu nghệ như kéo đàn violon. Đứa con trai thứ ba chào đời một năm sau đó, tay chân vung lên như đánh trống. Đứa thứ tư tay móc móc liên tục như muốn “chuyên trị” cây guitar bass. Chưa thỏa, vợ tôi còn đòi thêm một đứa chuyên trách guitar solo cho đủ cặp, đủ ban. Khi có đủ năm nhạc công tương lai, gia tài vốn liếng của hai vợ chồng dành dụm bao năm, cùng những khoản “viện trợ” của thân quyến hai họ lần lượt tan biến theo tháng ngày đầu tư cho ban nhạc gia đình. Tôi từ một nhạc sĩ vang lừng, phải tranh thủ đi bán báo dạo, “chạy sô” quảng cáo cho các nhà máy, xí nghiệp “èo uột” vì thua lỗ… để ca ngợi thành tích, tô hồng uy tín và chất lượng sản phẩm của họ mà ăn tiền thù lao sáng tác. Vợ tôi từ một ca sĩ sáng chói trên sân khấu, nay phải bán vé số, mai hát đám cưới, khóc đám tang, kiếm thêm thu nhập lo cho năm cái tàu há mồm. Bao nhiêu khốn khó đổ ập xuống gia đình tôi cùng với sự ra đời của từng đứa con. Nhưng đã quyết định đầu tư cho ban nhạc gia đình tương lai, vợ chồng tôi vẫn ráng kiếm thêm một đứa thổi kèn, một đứa đánh organ-piano cho đủ ban nhạc hùng hậu.

Cuộc sống khó khăn đến nỗi tôi phải lăn xả vào chợ búa hàng ngày, làm phu khuân vác, làm cò mồi cho cửa hàng… quên hết cả nhạc, quên âm điệu tiết tấu, tay cứng đơ khi ôm lấy cây đàn. Vật giá leo thang, vợ tôi cũng đầu tắt mặt tối với gánh rau, gánh cá… ngày càng cãi lộn “hay”, chứ hát thì khàn khàn như vịt cồ ngỗng đực kêu la… Vợ chồng tôi buồn lắm, nhưng tự an ủi mình, hi sinh để thế hệ con cái nối nghiệp, mai này ban nhạc gia đình nổi tiếng lại kiếm khối tiền. Bữa nọ, từ chợ về nhà, hai vợ chồng tôi bơ phờ, rồi sững sờ khi nghe đám con đang hòa âm phối khí đồng ca nhạc phẩm mới toanh:

– Cha cha cha… cơm áo gạo tiền… má má má… học hành vui chơi… cha cha cha… chát bụp bụp… ò í e… cơm áo gạo tiền…

Xúc động quá, vợ tôi lăn đùng ra xỉu, còn tôi hồn vía như ở trên mây.

CHÁT BÙM BUM

Bình luận (0)