Y tế - Văn hóaThư giãn

Võ Tòng thả hổ về rừng

Tạp Chí Giáo Dục

Võ Tòng về thăm anh mình là Võ Đại Lang ở huyện Thanh Hà. Hôm ấy, trời chập choạng tối, khi đi ngang qua núi Cảnh Dương thì Võ Tòng bất ngờ bị một cặp hổ chồm tới định “nhắm” anh làm miếng mồi ngon. Ai dè Võ Tòng “có nghề”, sau một hồi vật lộn, cuối cùng anh cũng thu phục được hai con hổ dữ. Những thợ săn núp ở gần đấy thấy vậy bủa ra, tung hô anh là dũng sĩ. Lúc đó, nghe mọi người bàn ý định giết hổ đem về làng thì Võ Tòng liền ngăn lại, bởi hổ là động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, với lại núi Cảnh Dương giờ chỉ còn hai con. Mọi người nhất trí để Võ Tòng mang hổ về nhà nuôi vì cho rằng anh mới là người thuần chủng “đôi vợ chồng hổ” tốt nhất.

Sau vài năm, “hai vợ chồng hổ” được Võ Tòng mang về lại sinh sôi thêm nhiều chú hổ con đáng yêu, mạnh khỏe. Với tinh thần yêu thiên nhiên, yêu động vật, Võ Tòng đã thuần chủng chúng ngoan hiền hơn. Thế nhưng để nuôi một đàn hổ lớn như vậy, công sức và tiền của mà Võ Tòng bỏ ra cũng không phải ít. Ngày nào anh cũng làm việc quần quật như “trâu đi cày”.

Đùng một phát, quan huyện Tây Môn Khánh lấy cớ Võ Tòng nuôi hổ với mục đích kinh doanh nên cho đòi tịch thu đàn hổ. Người dân trong vùng ai ai cũng bức xúc phản đối vì thừa biết dã tâm của Tây Môn Khánh sẽ không để yên cho đàn hổ.

Riêng với Võ Tòng, vì quá bất mãn trong chuyện này nên anh tuyên bố: “Hổ ngày xưa ở đâu, nay tôi trả về chỗ ấy”. Thế là Võ Tòng đem toàn bộ đàn hổ thả về rừng, tuy tốn nhiều công sức và kinh phí nhưng anh rất vui khi nhìn thấy chúng được an toàn, tự do khôn lớn trong môi trường thiên nhiên hoang dã.

Sau khi đàn hổ về rừng, hình như thiếu sự giáo huấn của Võ Tòng nên chúng ngày càng hung hãn hơn xưa, chẳng ai dám có ý định vào rừng săn bắt hổ. Mỗi lần mấy tên quan huyện hách dịch như Tây Môn Khánh đi công tác ngang qua đây cũng luôn phập phồng lo lắng vì sợ bị hổ ăn thịt.

Tây Môn Thanh (quận 6)

Bình luận (0)