Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Đến cửa ngõ miền trung nước Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Thường các tour du lịch từ Việt Nam đến Mỹ chủ yếu khai thác hành trình từ đông sang tây. Tuy nhiên, nếu một lần du lịch ba lô, hãy thử đến khu vực miền trung nước Mỹ để khám phá những điều mới lạ.

Cầu vồng lớn nhất nước Mỹ

Sau khi đến sân bay Los Angeles, chúng tôi nối chuyến bay nội địa dài 5 giờ để đến với miền trung nước Mỹ. Gần đến St.Louis (Missouri), từ trên máy bay nhìn xuống, một kiến trúc hình vòng cung, lớn dần trong tầm mắt, sừng sững mờ ảo trong màn sương mù rồi vươn lên, sáng lấp lánh, nổi bật giữa những tòa nhà. Đó là Gateway Arch, người Việt sống ở đây gọi là cầu vồng – biểu tượng đặc trưng của miền trung – tây nước Mỹ, tượng trưng cho thời kỳ khai hoang St.Louis thời kỳ đầu.

Missouri – Ảnh: Lê Nga

Gateway Arch thuộc đài tưởng niệm tên “Jefferson National Expansion Memorial” (Đài tưởng niệm sự mở mang quốc gia của Jefferson). Nếu so sánh về chiều cao thì Gateway Arch cao đến 192 m, cao hơn tượng Nữ thần Tự do, nhà thờ Đức bà Rouen của Pháp hay nhà thờ lớn Koeln của Đức. Gateway Arch xây dựng năm 1963 và hoàn tất vào năm 1967, làm bằng thép với kinh phí 13 triệu USD. Bên trong Gateway Arch rỗng hoàn toàn, chỉ có hai cầu thang bộ, mỗi cái có 1.076 bậc được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đặc biệt, một hệ thống xe điện kết hợp với thang máy, dây cáp ở bên trong sẽ đưa du khách từ hai chân bắc – nam lên tới đỉnh mái vòm để ngắm toàn cảnh thành phố St.Louis, sông Mississippi và tiểu bang Illinois phía bên kia sông qua những ô cửa kính. Khó có thể tưởng tượng cách đây chừng ấy năm, con người có thể tạo ra một kiến trúc kiên cố dù trải qua bao biến động của thiên nhiên nhưng vẫn đẹp đến hút hồn.

Cửa ngõ miền viễn tây

St.Louis là thành phố lớn hạng nhì ở tiểu bang Missouri. Khu down town không có những tòa nhà cao chọc trời như New York, nhưng vẫn có một sức hút mãnh liệt với những kiến trúc cổ kính đan xen nhà thờ, các di tích và công viên. Có đến 105 công viên trải khắp thành phố nên không khí luôn trong lành và thoáng đãng.

Trong những ngày ở đây, chúng tôi nghe cư dân của St.Louis kể rằng năm 1673, hai nhà thám hiểm Pháp (Luois Jolliet và Jacques Marquette) đã khám phá khu lưu vực sông Mississipi. 5 năm sau, một người Pháp khác tên La Salle tuyên bố cả khu vực này thuộc Pháp và đặt tên là Louisiana. Từ năm 1699 trở đi, người Pháp bắt đầu đến đây sinh sống. Đến năm 1764, một thương nhân bán đồ da Pháp đến từ New Orleans xây dựng thành phố St.Louis và đặt tên dựa theo tên vua Pháp Louis 14. Một tài liệu cho biết, vùng đất lưu vực sông Mississipi đã nhiều lần đổi chủ và bị nhiều đế quốc thời đó chia nhau cai trị. Cuối cùng, Napoleon bán cả vùng đất này cho Tổng thống Mỹ, lúc đó là Jefferson với giá 25 triệu đô la. Có lẽ vì điều này mà ở St.Louis người ta dễ dàng tìm thấy nhiều công trình đặt tên Jefferson. Số đất mà Tổng thống Jefferson mua không chỉ ở Louisiana mà còn chạy dọc lên miền bắc, bao gồm khoảng 12 tiểu bang miền trung tây của Mỹ.

Đã đến St.Louis, đừng quên ghé Bảo tàng Nghệ thuật St.Louis, nằm trong công viên Forest. Trong bảo tàng có chừng 20 phòng trưng bày hàng trăm bức họa, tác phẩm điêu khắc theo từng chủ đề, châu lục. Điều gây chú ý nhất là chiếc mặt nạ Ai Cập cổ của quý bà Ka-Nefer-Nefer, mạ vàng, bọc vải lanh, đang gây nhiều tranh cãi. Có thông tin cho rằng, chiếc mặt nạ này được khai quật năm 1952 tại một trong những kim tự tháp ở Saqquara, cách thủ đô Cairo của Ai Cập khoảng 16 km về phía nam. Sau đó, nó mất tích vào năm 1966. Một nguồn tin khác cho hay, sau đó chiếc mặt nạ này được bảo tàng Mỹ mua lại với giá 499.000 USD từ một đại lý nghệ thuật New York. Bảo tàng Nghệ thuật St.Louis khẳng định họ có chiếc mặt nạ một cách hợp pháp và không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh chiếc mặt nạ mà họ đang sở hữu là di vật bị đánh cắp.

Lê Nga

Theo Thanh Niên

Bình luận (0)