Y tế - Văn hóaThư giãn

Nghề đội lốt thú

Tạp Chí Giáo Dục

Thỉnh thoảng đi trên đường, người ta vẫn hay bắt gặp tại các nhà hàng, quán ăn, công viên, siêu thị, hội chợ… có những hình nộm là những con vật dễ thương, ngộ nghĩnh như chuột Mickey, mèo máy Đôrêmon, gà trống Ginola, vịt Donald, gấu Misa, Tôn Ngộ Không, các ông Phúc-Lộc-Thọ… đứng vẫy vẫy tay chào khách hàng, hay nô đùa cùng khách “nhí”.

Đó chính là những người chuyên hóa trang, “đội lốt thú” để góp vui cho thiên hạ, một cái nghề xem ra còn khá lạ với nhiều người.

Nghề… không được ngồi
 
Anh Nguyễn Văn Hà – nhà ở đường Trần Huy Liệu (Quận Phú Nhuận), hiện đang đóng vai… chuột túi mỗi ngày tại nhà hàng Kangaroo Ánh Sao trên đường Trường Chinh (Quận Tân Bình), có thâm niên hơn 6 năm chuyên đóng vai… thú vật nơi các nhà hàng, siêu thị… ở Sài Gòn – khẳng định cái nghề “người đội lốt thú” này quan trọng là… không được ngồi, và phải biết chịu đựng. Nói chung là chịu đựng “hằm bà lằng” đủ mọi thứ có thể xảy đến với mình khi đóng vai… thú vật.
 
Đầu tiên là phải chịu đựng đội trên người một “bộ đồ thú” với những lớp vải nỉ dày và bông gòn nặng ít nhất cũng cỡ chừng 6 – 7kg. Trời nắng chang chang, nóng hầm hập, cùng với vô số là bụi bặm đường phố, vẫn phải “căng” mình ra mà đứng, mà múa may trước “bàn dân thiên hạ”. Thỉnh thoảng, lại còn phải nhảy múa, chụp hình lưu niệm với khách mà người muốn lả hơi vì mệt. Hơn 6 năm theo nghề, anh Hà từng hóa trang đóng đủ thứ vai… thú vật. Nào là chuột, chó, lợn, gà, khỉ…tùy theo mỗi chiến dịch “tiếp thị” sản phẩm của các nhà hàng, trung tâm thương mại…
 
Mỗi ngày, cứ từ 9giờ30 sáng đến tận 11, 12 giờ đêm, “người thú” đón và tiễn khách tại trước cửa nhà hàng, thỉnh thoảng lại múa “minh họa” cho không khí thêm sôi động. Cái khó của công việc này là “người thú” không được phép ngồi. Chỉ cần ngồi là bị chủ phạt trừ lương ngay lập tức. Đã vậy, đứng cũng phải sao cho đúng “thế”, đi cũng phải đúng kiểu và cả… múa may cũng phải sao cho thiệt “độc” như những con thú trong các bộ phim hoạt hình.
 
Hiện nay, ngoài các công ty quảng cáo, tổ chức sự kiện, luôn có một lực lượng nhân viên chuyên hóa trang, đóng vai “người thú” cho các nhà hàng, hội chợ… thuê, thì nhiều quán ăn, siêu thị… cũng tự thuê riêng 1, 2 người “thú” trả lương để thu hút khách hàng. Công việc đóng vai “người thú” đã trở thành một cái nghề hẳn hoi của nhiều người.
 
Từ những sinh viên mới ra trường chưa có việc làm đến các hoạt náo viên, nghệ sĩ múa minh họa trên sân khấu đã qua thời vang bóng… đến cả dân tha phương, tứ xứ. N.T.D.H., nhân viên của công ty quảng cáo Thanh Thanh, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1), chuyên đóng vai vịt Donald cho các quán ăn, cho biết: Để có thể làm người thú, cô phải qua một lớp đào tạo cấp tốc 15 ngày của công ty về vũ điệu của một số con thú, nghệ thuật hoạt náo… cũng như cách chào và tiễn khách. Lương mỗi tháng của H. được công ty trả là 2 triệu đồng, thỉnh thoảng được nhà hàng, quán ăn hoặc khách cho thêm khi bày được nhiều trò vui như hoạt náo, múa, vẫy đuôi… thu hút khách.
 
Hiện nay, H. vừa được công ty giao đảm nhận hóa trang làm La La, nhân vật trong chương trình truyền hình của thiếu nhi, đứng trước cửa hàng đồ chơi trên đường Hùng Vương (Quận 6). 2 năm làm nghề người thú, H. kể, cô đã xỉu 3 lần vì người đang cảm sốt lại phải đứng cả ngày trong bộ đồ thú nặng trịch. Nhiều bạn đồng nghiệp của H. cũng là nhân viên “người thú” cho các công ty quảng cáo sau một thời gian chịu đựng, chịu không thấu cái cảnh làm “thú cưng” múa may mỗi ngày nên đã nghỉ việc.
 
Nỗi buồn… “người thú”
 
Thụy Vi, cô gái chuyên đóng vai chuột Mickey tại cửa hàng đồ chơi Sơn Ca trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Quận 3) kể rằng: Ai mới khoác trên mình bộ đồ “thú” cũng đều cảm thấy lúng ta, lúng túng vì sợ người khác nhận ra mình. “Nhưng rồi cũng quen, chẳng qua chỉ là tự mình mắc cỡ thôi chứ khó ai nhận ra được người thật bên trong bộ đồ lông thú kín mít này”.
 
Nỗi khổ nhất của “người thú” không chỉ là chuyện chịu đựng nóng nực, bụi bặm đã đành, mà còn thường xuyên bị trẻ con trêu trọc, thậm chí dùng que quẹt, dùng đá chọi vào người để ghẹo. Vi nói, lắm khi trẻ em tinh nghịch giựt tóc, kéo đuôi, véo mũi… “thú” nhưng vẫn phải vẫy đuôi mừng vì không được làm mất lòng khách. Vi nói: Nhiều khách đến cửa hàng yêu cầu “người thú” nhảy múa cho con họ vui, thì mình cũng phải làm theo. Vì một khi đã khoác lên người hình ảnh những con vật dễ thương trong phim hoạt hình thì không được làm “phản cảm” với những hình ảnh đó.
 
“Biết sao được. Công việc mà! Cởi bộ đồ thú ra là mệt rã rời, mồ hôi tuôn như tắm, nhưng ngày nào không hóa trang lại thấy nhớ nhớ…”.

VĨNH BÙ (TTO)

Bình luận (0)