Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Liên kết phát triển du lịch duyên hải miền trung

Tạp Chí Giáo Dục

Trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với hơn 1.000 km bờ biển, duyên hải miền trung là dải đất tiềm ẩn nhiều tài nguyên tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch. Song, vấn đề đặt ra là làm thế nào khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này, tạo nên những giá trị vừa mang tính gắn kết, vừa độc đáo để phát triển du lịch vùng?
Nha Trang – điểm đến thu hút đông du khách của vùng duyên hải miền trung.  

Trong chín nội dung về vấn đề liên kết vùng được ký tại Hội thảo khoa học "Liên kết phát triển các tỉnh duyên hải miền trung" diễn ra giữa tháng 7 vừa qua tại Ðà Nẵng, nhận thức được thế mạnh phát triển du lịch vùng, lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền trung đã xác định liên kết du lịch là nội dung đầu tiên cần thực hiện. Vùng duyên hải này có hơn 200 đảo lớn, nhỏ cùng nhiều vũng, vịnh, hàng chục bãi tắm được xếp vào hạng đẹp nhất cả nước và khu vực, tiêu biểu như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Thuận An, Lăng Cô, Mỹ Khê, Cửa Ðại, Tam Thanh, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Quy Nhơn, Tuy Hòa, Bãi Môn – Mũi Ðiện, Nha Trang, Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Mũi  Né – Hòn Rơm, Mũi Kê Gà, v.v. Bên cạnh sự đa dạng về di sản văn hóa, sinh thái môi trường, duyên hải miền trung còn là địa bàn có vị trí quan trọng trên bản đồ Việt Nam và có tiềm lực để phát triển nhiều loại hình du lịch như nghỉ mát tắm biển, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thể thao giải trí, đồng thời phát triển du lịch tàu biển và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị). Chính vì thế, thời gian qua, du lịch khu vực này đã có những bước tiến dài và trở thành khu vực tăng trưởng nhanh của ngành du lịch Việt Nam. Theo số liệu từ Niên giám thống kê Việt Nam, trong năm 2010, toàn vùng đón 2,6 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2010 là 9,5%/năm; đón 7,3 triệu lượt khách nội địa, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2010 là 14,8%/năm. Năm 2010, thu nhập du lịch của các tỉnh trong vùng là 6.164 tỷ đồng, tăng 2,87 lần so với năm 2005, chiếm hơn 6% thu nhập du lịch của cả nước.
Tuy nhiên, so với tiềm năng to lớn để phát triển, những bước tiến du lịch của duyên hải miền trung vẫn chưa thật sự xứng tầm. Du lịch vùng vẫn thiếu những sản phẩm du lịch biển, đảo mang đặc trưng của từng địa phương. Hơn nữa, du lịch của các tỉnh trong vùng vẫn phát triển theo hướng "mạnh ai nấy làm", không có tính gắn kết, thiếu các tuyến, tua du lịch kết nối các điểm du lịch trong vùng. Vì thế, việc phát triển du lịch mới chỉ dừng ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ. Theo Niên giám thống kê các tỉnh năm 2010, độ dài lưu trú trung bình tại các tỉnh trong vùng đối với khách quốc tế là 1,9 ngày, với khách nội địa là hai ngày; trong khi bình quân chung cho cả nước là 3 đến 3,5 ngày (khách nội địa) và 4 đến 4,5 ngày (khách quốc tế). Ðiều này chứng tỏ các loại hình và sản phẩm du lịch vùng duyên hải miền trung vẫn còn khai thác ở mức độ đơn điệu, chưa đa dạng để thu hút khách lưu lại dài ngày, hệ thống dịch vụ du lịch đi kèm, nhất là các dịch vụ vui chơi giải trí còn chưa phát triển.
Một trong những vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần gắn kết du lịch các tỉnh duyên hải miền trung nhằm tạo ra sản phẩm mang tính đồng bộ, độc đáo, phát huy được tiềm năng du lịch vùng. Trong buổi tọa đàm về "Phát triển du lịch vùng duyên hải miền trung" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 14-11 vừa qua, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nhấn mạnh năm vấn đề then chốt để phát triển du lịch duyên hải miền trung. Trước hết, các tỉnh trong vùng cần nhận định được những nét khác biệt và nổi trội về du lịch của khu vực; từ đó xác định tập trung đầu tư sản phẩm du lịch chủ đạo nào của từng tỉnh để tránh trùng lặp, dàn trải; trên cơ sở đó triển khai xúc tiến, quảng bá du lịch; đề ra những chính sách để liên kết phát triển du lịch; cách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Ðề cập những sản phẩm mang tính đặc trưng của từng tỉnh, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, vấn đề mấu chốt đầu tiên của du lịch duyên hải miền trung là phải phát triển sản phẩm gắn liền với thị trường. Tỉnh nào cũng có tài nguyên biển nhưng cần xác định sản phẩm du lịch biển nào là trọng tâm. Chẳng hạn, với khu du lịch Bà Nà và bán đảo Sơn Trà, Ðà Nẵng có thể phát triển du lịch nghỉ mát kết hợp nghỉ dưỡng và du lịch hội nghị, hội thảo; Nha Trang có thể chú trọng tổ chức các sự kiện lớn để thu hút du lịch; du lịch Quảng Nam nên theo hướng kết hợp tài nguyên biển với các di sản…
Liên kết chính là phương châm cho sự phát triển du lịch trong giai đoạn tới nhằm đón đầu xu hướng thế giới dịch chuyển nguồn khách du lịch từ châu Âu sang châu Á. Các tỉnh cần quan tâm đến vai trò được hưởng lợi từ sản phẩm du lịch của cộng đồng dân cư để tạo ra sự bền vững trong phát triển du lịch; tiến hành thành lập một quỹ xúc tiến du lịch chung dưới sự điều phối của Ban chỉ đạo phát triển du lịch miền trung. Ðồng tình với quan điểm này, nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận định: Bản chất của du lịch là phải liên kết, nhưng cái khó của liên kết du lịch vùng duyên hải miền trung là còn thiếu một "nhạc trưởng để điều hành". Tổng Giám đốc Công ty Du lịch APEC Việt Nam Nguyễn Văn Trấn cho biết: "Nhất thiết phải có sự quy hoạch và định hướng phát triển du lịch miền trung, bởi hiện nay sản phẩm du lịch ở các tỉnh còn được khai thác na ná giống nhau, chưa phát huy được thế mạnh riêng". Theo Giám đốc Công ty Vitours Ðà Nẵng Cao Trí Dũng, du lịch duyên hải miền trung cần kết hợp giá trị tài nguyên biển với giá trị văn hóa làng nghề và phát triển loại hình du lịch "Homestay" (du khách ở và sinh hoạt chung nhà với người dân bản xứ) để khách du lịch thấy rõ nét độc đáo trong từng tỉnh. Du lịch duyên hải miền trung cũng cần tranh thủ mùa mưa – mùa thấp điểm ít khách du lịch Ðông Bắc Á, Bắc Âu để thu hút thêm khách nội địa và du khách ở các nước lân cận như Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia, Nhật Bản, Hàn Quốc,…  Ðể phát triển du lịch duyên hải miền trung, Giám đốc Công ty Hanoitourist Lưu Ðức Kế, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách đào tạo và đãi ngộ xứng đáng với nguồn nhân lực làm du lịch chất lượng cao, đồng thời cần có những ưu tiên về thuế đối với các công cụ phục vụ du lịch. Theo TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền trung, các tỉnh cần có sự đầu tư thỏa đáng để đối mặt với thực trạng thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, công tác quy hoạch yếu, ý thức cộng đồng chưa cao.
Ðể đạt được mục tiêu phát triển du lịch duyên hải miền trung, các chính sách liên kết phát triển du lịch phải được tiến hành rộng khắp, quyết liệt. Ðược biết, website quảng bá tiềm năng và sự liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền trung bằng hai ngôn ngữ Việt – Anh sẽ chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ra mắt tại Hội thảo Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền trung, tổ chức ngày 19-12 tới tại Phú Yên.
Theo TRANG PHAN
(nhandan)

Bình luận (0)