Thái Lan trong tháng Ba có những ngày nóng nhất năm nhưng hoa vẫn nở trên khắp các nẻo đường từ Bangkok đến Ayuthaya – kinh đô của nước Xiêm La xưa. Dưới nắng vàng óng ả, màu hoa vẫn rất dịu, sắc hồng phớt chen lẫn sắc tím phớt hiện rõ trên các phố phường, cả trên sông rạch.
Phế đô giữa nắng, gió và hoa
Một góc cung điện Bang Pa-in |
Từ Bangkok, ngược dòng Chao Phraya – dòng sông mẹ, sông thánh trong tâm linh người Thái – khoảng 70km về phía Bắc là đến Ayuthaya. Đoạn sông này là một tuyến du lịch hấp dẫn bởi dọc hai bên bờ sông có nhiều đền chùa cổ kính và đời sống sông nước của dân địa phương luôn làm du khách thích thú.
Giữa khung cảnh hiện đại sôi động và dấu ấn lịch sử vàng son của một triều đại chỉ cách nhau có gần ba giờ tàu du lịch. Từ Bangkok đến Ayuthaya có nhiều phương tiện vận chuyển như xe buýt, xe lửa giá rẻ nhưng chúng tôi đã chọn mua tour trọn gói của tàu du lịch River Sun Cruise để tìm hiểu thêm về du lịch sông nước Thái Lan. Giá vé 1.900 baht/người (gần 1 triệu đồng tiền Việt Nam, bao gồm ăn sáng, ăn trưa và vé tham quan) được đặt trước qua mạng.
Du khách có thể hình dung được không khí trang nghiêm của điểm đến ngay trên trang web của dịch vụ này: những dòng chữ ghi rõ du khách không được mặc quần short và áo không tay. Đúng bảy giờ rưỡi sáng tàu khởi hành, ra khỏi trung tâm thành phố là thấy những ngôi nhà sàn bằng gỗ và lá dừa theo kiến trúc Thái thấp thoáng hai bên bờ sông. Cái nắng dẫu có dần trở nên chói chang nhưng nhờ có rất nhiều cây xanh và hoa nở, lại có hơi nước mát rượi từ sông thổi tới khiến du khách không cảm thấy khó chịu.
Nhà kiểu Thái |
Hơn một giờ sau, chúng tôi lên một cù lao nhỏ tham quan Bang Pa-in, cung điện mùa hè của các vua Thái. Ban đầu, nơi đây chỉ là một ngôi đền nhỏ, qua thời gian được các đời vua trang trí, tô điểm thêm, bây giờ Bang Pa-in trở thành một điểm du lịch hấp dẫn: một quần thể mang nhiều kiểu kiến trúc của Thái Lan, Trung Quốc, châu Âu với một vườn hoa rất xinh đẹp.
Ayuthaya hiện đại |
Khoảng 10 giờ rưỡi, chúng tôi đặt chân lên Ayuthaya – vùng đất được bao bọc bởi ba con sông Chao Phraya, Lop Buri và Pasak, bao gồm công viên lịch sử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và một thành phố nhỏ khá hiện đại có một chiếc cầu dây văng thanh thoát.
Trên những con đường rợp bóng cây cổ thụ dẫn vào thành cổ, gần như chỉ thấy du khách cưỡi voi đủng đỉnh đi dạo bên cạnh một số khác đang đạp xe chầm chậm, thỉnh thoảng thấy các nhà sư đầu trần khoác áo cà sa vàng lặng lẽ đi giữa trời nắng chang chang. Gió từ ba mặt sông và vô số hồ nước thổi lên lồng lộng ngày đêm. Những tán cây hoa sứ hoa màu trắng, hồng hoa nở kín cành, hoa điệp nở tím rịm thật bình yên.
Đền đài bên sông |
Quần thể đền tháp phần lớn bị tróc hết, vữa lộ ra màu gạch nung đỏ trong nắng nhiệt đới vẫn thu hút được cái nhìn của khách tham quan. Tuy một số bảo tàng, chùa chiền, đền tháp đã bị hư hại nhiều nhưng vẫn có thể hình dung những kiến trúc này đã từng đẹp tinh tế, rực rỡ nhờ những trang trí hết sức cầu kỳ.
Năm 1350, dưới thời vua Ramathibodi, Ayuthaya trở thành kinh đô của Xiêm La (Siam). Gần biển và nằm giữa một đồng bằng phì nhiêu nên Ayuthaya phát triển mạnh về nông nghiệp và thương mại. Trong 400 năm phát triển, ảnh hưởng của Ayuathaya đã từng bao trùm cả Angkor, Miến Điện và ngược lại, cũng tiếp nhận tinh hoa kiến trúc, nghệ thuật, văn chương của các dân tộc xung quanh để trở thành trung tâm văn hóa rất rực rỡ và là thành phố chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các nền văn hóa tôn giáo khác nhau trên thế giới.
Uy tín của giới tu hành Xiêm La thời đó lớn đến mức Sri Lanka có lần đã mời một phái đoàn sư tăng từ Ayuthaya sang nước mình để chấn chỉnh đạo pháp.
Một thời vương giả
Đầu thế kỷ XVII, những thương gia phương Tây đầu tiên đặt chân lên Ayuthaya đã phải ngạc nhiên trước sự phồn thịnh của kinh đô này. Ngay lập tức, họ nhận ra Xiêm La có thể là cửa ngõ dẫn tới việc buôn bán với Trung Quốc nên Ayuthaya nhanh chóng trở thành cảng chuyển tiếp giữa châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Sự thịnh vượng của người dân Thái khi đó cũng thu hút nhiều thuyền buôn mang hàng xa xỉ như lụa, đồ gốm… từ các nước đến tấp nập. Dẫu sùng đạo Phật nhưng các vua Thái Lan khá cởi mở với văn hóa và tôn giáo phương Tây, các giáo sĩ Dòng Tên người Pháp đã đến triều đình tại Ayuthaya vào năm 1665 và được phép xây nhà thờ.
Một đầu tượng Phật được rễ cây bao phủ |
Tương truyền, nhà vua cũng học tiếng Latin và các ngoại ngữ. Cảm tình của nhà vua Thái Lan khiến cho các giáo sĩ tưởng rằng nhà vua muốn cải theo đạo Thiên Chúa. Sau này, một vị vua Xiêm La tuyên bố dân tộc ông rất ngưỡng mộ và cố gắng lĩnh hội những tiến bộ khoa học – kỹ thuật của phương Tây, tuy nhiên phương Tây muốn truyền bá đức tin mới cho người dân Thái thì… chỉ phí thời gian!
Sự tự tin vào bản sắc văn hóa của các đời vua Thái quả không sai. Sau nhiều thế kỷ truyền giáo, số người Thái theo đạo Tin Lành vẫn không đáng kể. Riêng cộng đồng người Hoa ở Thái có mức độ hòa nhập vào quê hương mới cao nhất. Đa số người Hoa thế hệ thứ hai, thứ ba ở Thái đều đổi sang họ Thái, chỉ dùng một ngôn ngữ Thái và cũng rất sùng kính đức vua.
Những thương gia đến từ châu Âu thời đó đã so sánh kinh đô Ayuthaya đẹp như thành phố Venice của nước Ý và đã ca tụng đây là thành phố đẹp nhất, giàu có nhất vùng Viễn Đông. Sự vương giả của kinh đô nhờ ở các dinh thự hoàng gia cùng hàng trăm đền chùa lộng lẫy. Chuyện kể rằng đời sống trong kinh thành một triệu dân này rất náo nhiệt. Lễ hội diễn ra hàng tháng, ngoài hoa đèn, các nhà quý tộc tài trợ những khoản tiền lớn để đốt pháo, ca hát, thi thố tài năng. Từ nhà vua đến giới nhà giàu, thậm chí có cả phụ nữ cũng cưỡi voi đi xem hội.
Chiều chiều, người dân kinh đô từ quý phái đến thường dân đều xuống sông tắm, tạo nên cảnh tượng rất vui nhộn. Năm 1767, Ayuthaya bị người Miến Điện xâm lược và tàn phá. Khi giành lại được độc lập, vị tướng đã chiến thắng quân xâm lược lên ngôi vua và dời kinh đô về Bangkok ngày nay. Từ đó, Ayuthaya dần trở nên hoang phế.
Những ngọn tháp hoang phế |
Tượng Phật giữa đổ nát |
Ba giờ tham quan một kinh đô đã có hơn bốn thế kỷ tồn tại quả là “cưỡi ngựa xem hoa”. Đọng lại trong chúng tôi là cảm giác choáng ngợp trước quy mô và số lượng đền đài, tượng Phật cùng trình độ thẩm mỹ của người Xiêm La xưa. Ấn tượng thứ hai là cách làm du lịch khôn khéo của người Thái.
Khi chiêm ngưỡng bức tượng Phật nằm khổng lồ cao 8m và dài khoảng 30m tại chùa Lokaya Sutha, có thể thấy rõ đôi bàn chân Phật được thếp vàng bằng những lá vàng mạ nhỏ xíu có bán ở các cửa hàng lưu niệm. Người thuyết minh cho hay người Thái Lan tin rằng dán lá vàng lên tượng Phật thì sẽ được Đức Phật phù hộ.
Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Thái Lan |
Hình ảnh này này làm tôi chợt nhớ tại một ngôi chùa tại Bangkok, nơi có tượng Phật được nói là rất thiêng, ai bị đau ở chỗ nào trên người thì mua một lá vàng dán lên đúng vị trí đó trên tượng Đức Phật, nỗi đau sẽ được Phật gánh hộ. Đây có thể là một cách làm ăn rất khéo của người Thái, song vẫn rất nhiều du khách tin và mua. Tôi để ý thấy vị trí trái tim của Phật là nơi lá vàng dán nhiều hơn hẳn. Không biết có phải trong đời người, nỗi đau tinh thần nhiều hơn nỗi đau thể xác mà trên đất Thái, chùa chiền có nhiều hơn bệnh viện?
Giữa nhiều cung điện, đền đài tráng lệ đã hoang tàn, một ngôi đền nhỏ vẫn còn nguyên vẹn nằm trong vườn hoa, được chăm sóc cẩn thận bên bờ sông đã thu hút được sự chú ý của chúng tôi. Thì ra đây là nơi lưu giữ tro của một hoàng hậu nổi tiếng trong lịch sử Thái Lan.
Năm 1549, vua Xiêm La vừa mới lên ngôi liền bị quân Miến Điện tràn xuống đánh úp. Vị hoàng hậu trẻ khi đó là Suriyothai đã cải trang thành tướng nam, cưỡi voi ra trận cứu chồng đang bị vây hãm. Tài thao lược của hoàng hậu đã đẩy lùi cuộc xâm lăng của quân Miến Điện và cứu được đức vua, nhưng Suriyothai bị tử thương ngay giữa chiến trận.
Một hình ảnh nổi tiếng về Ayuthaya là trong hoàng hôn đỏ ối, những chóp nhọn đền đài còn sót lại in trên nền trời, thấp thoáng như vẽ nên giữa không trung khát vọng thoát bỏ thực tại để vươn tới vùng không gian bao la – cũng như cái tên của nó, Ayuthaya trong tiếng Phạn nghĩa là bất khả chiến bại – đó chỉ là giấc mơ của những vương triều.
Theo CẨM TÚ
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Bình luận (0)