Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du lịch để chống khủng hoảng kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Sau những tháng mùa đông đóng băng đúng nghĩa, thị trường du lịch Bắc Âu đã bắt đầu hồi phục và còn hứa hẹn khởi sắc khi các hãng lữ hành tại đây đều hoan hỷ loan báo số tour bán ra được trong mùa Phục sinh 2009 tăng 20-22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Du lịch thời khủng hoảng

Hãng lữ hành Spies Rejser tại Đan Mạch cho biết lệ thường tháng Giêng là tháng bán được nhiều tour nhất trong năm (khách thường mua tour trước sáu tháng) nhưng năm nay do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, du khách chỉ bắt đầu mua tour hè từ cuối tháng Hai.

Những bãi biển tràn ngập ánh nắng ở Việt Nam rất hấp dẫn đối với du khách Bắc Âu – Ảnh: muadulich.com

Theo thống kê của Cơ quan Thống kê Đan Mạch thì từ đầu năm tới nay số người bị mất việc đã tăng 35%, nâng tỷ lệ người thất nghiệp lên 2,9% và sẽ còn tăng trong những tháng sắp tới. Tuy nhiên, theo khảo sát của TNS-Gallup ngày 9/5 thì trong 10 người Đan Mạch, chỉ có ba người tiết kiệm để dành trả nợ vay ngân hàng, hơn thế nữa 85% người được hỏi cho biết khủng hoảng kinh tế không ảnh hưởng đến kế hoạch nghỉ hè của họ.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo Berlingske Tidende về khuynh hướng tiêu dùng hiện nay, trưởng phòng kinh doanh của Star Tour, Stig Elling cho rằng trong thời khủng hoảng kinh tế người Đan Mạch thích dùng tiền vào việc du lịch, vui chơi giải trí hơn là những khoản đầu tư lâu dài như đổi xe hơi, tân trang nhà cửa hay mua cổ phiếu.

Còn theo hai người bạn của gia đình tôi, Poul và Kirsten Buch, mới du lịch Ý một tháng về nay lại sắp sửa đi Thái Lan thì càng vào những thời điểm khó khăn, chuyện giữ gìn sức khỏe và tinh thần lạc quan càng quan trọng hơn bao giờ hết nên du lịch là cách tốt nhất để chống khủng hoảng.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Người phương Bắc rất cần nắng, chi phí cho những chuyến du lịch đến Mallorca, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp… để bổ sung vitamin cho cơ thể tính ra còn rẻ hơn tắm nắng nhân tạo tại các solarium, đó là chưa kể đến việc kết hợp với mua sắm, chăm sóc sức khỏe. Thế nên nhiều người Đan Mạch lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp vẫn đi du lịch như thường.

Theo các hãng lữ hành thì những điểm đến được ưa chuộng trong mùa hè năm nay vẫn là Mallorca, Hy lạp, Maldives, Tây Ban Nha, Thái Lan, Ai Cập. Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria cũng là hai nước được nhiều du khách chọn lựa. Ai có khả năng tài chính dồi dào thì chọn Eurador và đảo Galapagos, khu bảo tồn Pantanal tại Brazil, Madagascar hay Myanmar.

Điều đáng lưu ý là số cột quảng cáo tour Việt Nam cho mùa du lịch hè 2009 trên các báo Đan Mạch giảm sút nhiều so với năm ngoái. Nếu hai năm trước đây các báo tràn ngập quảng cáo tour Việt Nam của hơn chục hãng lữ hành lớn nhỏ thì nay chỉ còn vài hãng như Albatros Travel, Stjernegaard Rejser, Top Tours và C&C.

Vào buổi tiền bạc khó kiếm thì giá tour là yếu tố quan trọng. Tôi nghe nói trong nước có kế hoạch giảm giá nhưng giá tour Việt Nam tại Đan Mạch vẫn ở mức như năm trước. Tour xuyên Việt 20 ngày của Albatros giá 21.990 kroner (khoảng 3.971 USD), tour 17 ngày của Stjernegaard giá 20.995 kr.

Trong khi đó các nước có nguồn thu lớn từ du lịch đều tìm mọi cách để giảm giá như hãng Marco Polo chuyên tổ chức tour Thái Lan, Malaysia cao cấp kết hợp với Thai Airways để giảm giá. Singapore Airlines có loại vé máy bay đi về trong khoảng thời gian 14 ngày, khởi hành trước 31/8 đến các thành phố lớn Đông Nam Á như Bangkok, Hà Nội, TP.HCM, Jakarta… chỉ có 4.798 kr. (khoảng 827 USD) rẻ từ 30% tới 40% so với giá vé trung bình năm ngoái.

Hơn thế nữa trong khi tour Việt Nam chỉ có một giá quanh năm thì các nước khác thường điều chỉnh giá theo mùa để thu hút khách, như tour Bắc Kinh – Trùng Khánh – Thượng Hải 14 ngày của Albatros Travel trong tháng 8, 9 – những tháng cao điểm của mùa du lịch hè giá 17.990 kr, nhưng khởi hành trong tháng 6 thì chỉ có 14.990 kr.

“Thượng đế” trong thời khủng hoảng

Trong lúc khó khăn nhiều nước đang ra sức cải thiện dịch vụ. Nắm được tâm lý các đôi uyên ương thích kết hợp du lịch với làm đám cưới theo phong cách lãng mạn hay “hương xa”, thành phố Verona (Ý) đưa ra dịch vụ tổ chức đám cưới tại lâu đài của dòng họ Capello – còn gọi là Capulet trong bi kịch Romeo & Juliet của thi hào Shakespeare, xây dựng từ thế kỷ XIV (nếu khách không… sợ xui).

Bali thì nâng dịch vụ tổ chức đám cưới thành một công nghiệp hẳn hoi với sự tham gia của hàng chục hãng lữ hành, công ty dịch vụ, resort. Từ việc thuê bao cả chuyến bay cho thân nhân, bè bạn đến dự đám cưới, cô dâu chú rể di chuyển bằng trực thăng, du thuyền hay cỡi voi, đến biểu diễn nghệ thuật các loại phục vụ quan khách, may áo cưới, mời luật sư, cha cố, mục sư… tất cả đều có đủ theo yêu cầu của khách.

Ngày 30/4 vừa qua tại thủ đô Copenhagen, Đại sứ quán các nước Việt Nam, Úc, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Nepal đã cùng tổ chức Asia Pacific. Đây là dịp để giới thiệu các nét văn hóa đặc trưng của khu vực với nước bạn. Gian hàng Việt Nam trưng bày đẹp, có phục vụ món ăn Việt Nam, thu hút rất nhiều quan khách vì ẩm thực Việt đang được ưa chuộng tại bắc Âu.

Họ cũng chú ý đến những brochure của Tổng cục Du lịch. Những brochure này in ấn khá đẹp nhưng đáng tiếc là chỉ mới dừng ở mức giới thiệu chung chung, không có nhiều giá trị tham khảo, như quảng cáo du lịch biển mà không nhắc đến các resort rất đẹp trong nước hay giới thiệu các lễ hội mà chỉ có ngày tháng theo âm lịch nên rất khó cho khách, kể cả Việt kiều, tính thời gian tham dự.

Các brochure của Trung Quốc, Thái Lan luôn có những chương trình tour cụ thể và chi tiết cùng thông tin về các hãng lữ hành trong nước để khách tiện tham khảo. Brochure giới thiệu du lịch Nhật Bản do Đại sứ quán Nhật tại Đan Mạch soạn thảo còn dẫn chứng bảng so sánh sức mua của đồng USD tại Đan mạch, Canada, Mỹ, Nhật… của tuần báo The Economist để chứng minh là du lịch Tokyo không đắt như nhiều người vẫn tưởng và giá sinh hoạt nơi đây còn rẻ hơn Copenhagen nhiều!

Theo QUẾ VIÊN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bình luận (0)