Không rượu bia. Và tất nhiên cũng không quán bar. Chín giờ đêm ở khu trung tâm thành phố vắng lặng, chỉ vài chiếc xe phóng nhanh. Brunei như thế hình như sẽ không thể là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách.
Thế nhưng còn một Brunei khác, một đất nước xanh với những cánh rừng chạy dài dọc theo hệ thống đường cao tốc hiện đại, một đất nước với sắc màu Hồi giáo cổ kính, trầm mặc. Một Brunei như thế sao có thể bỏ qua?
Thánh đường Hồi giáo Jame Asr Hassanil Bolkiah lộng lẫy trong ánh đèn đêm – Ảnh: A.Đ. |
Sau một chuyến bay độ 1 giờ 30 phút từ sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi đặt chân xuống Brunei với những cảm giác ban đầu về một vùng đất thanh bình, êm đềm. Sân bay quốc tế nhỏ nhắn, không tấp nập khách, không có những cửa hàng hào nhoáng như thường thấy ở các sân bay quốc tế khác.
Cái cảm giác êm đềm này theo suốt chuyến đi và ngày càng rõ nét, ngay cả khi đến với thành phố dầu khí Seria – nơi lẽ ra phải “nóng bỏng” bởi những tháp khoan dầu và nhịp sống công nghiệp sôi động.
Seria cách thủ đô Bandar Seri Begawan khoảng 80km, xe phóng nhanh trên đường cao tốc nên chỉ mất non tiếng đồng hồ. Trên đường đến Seria, chúng tôi nghĩ đến những tháp khoan dầu vươn cao nên thật ngạc nhiên khi chỉ nhìn thấy những giàn máy khai thác dầu nằm rải rác trên bãi cỏ xanh, cạnh những rặng cây xanh bên những đụn cát trắng.
Những giàn máy với cái cần “gật gù” nhịp lên xuống, khẽ khàng không ồn ào, đơn giản và bình dị như những chú hươu cao cổ hiền lành. Và nối từ những chú “hươu cao cổ” đó là những ống dẫn dầu chạy men theo con lộ, xuyên qua những rặng cây dại, vươn qua những con rạch. Tất cả tạo nên một khung cảnh yên bình, thật “xanh” về một vùng đất khai thác dầu.
Tất nhiên Seria còn có khu lọc hóa dầu hiện đại, to lớn với dãy dài bồn chứa xăng, dầu và các loại thành phẩm chạy dài cả cây số và những cầu cảng vươn dài ra biển đón những tàu dầu lớn. Một đài kỷ niệm ghi dấu sự kiện quan trọng khi Brunei xuất khẩu 1 tỉ thùng dầu nằm trên bờ biển khá độc đáo với sáu cột lớn vòng xen nhau – mà theo anh hướng dẫn viên du lịch giải thích đó là hình ảnh các dòng dầu!
Hiện nay mỗi ngày Brunei xuất khoảng 180.000 thùng dầu. Ngành công nghiệp dầu khí góp phần chủ yếu cho tăng trưởng GDP của đất nước nhỏ bé này. Và thành phố Seria đã giới thiệu được những hình ảnh độc đáo về ngành công nghiệp dầu khí Brunei, ngành sản xuất đem đến hàng tỉ USD, sự giàu có cho vương quốc Hồi giáo này.
Những giàn máy bơm dầu dưới rặng cây xanh ở Seria – Ảnh: A.Đ. |
“Taxi nước”, phương tiện giao thông quen thuộc của nhiều người dân khu làng trên sông Kampung Ayer, phía xa là làng nổi trên sông
|
Một bé gái trên con đường gỗ dẫn vào làng nổi trên sông – Ảnh: A.Đ.
|
Trước khi đến Brunei, chúng tôi nghe nói về “thành phố vàng”, về những tòa nhà dát vàng thật! Điều này được chứng thực ngay khi bước chân vào khách sạn The Empire, khách sạn có trên 500 phòng, to lớn và tráng lệ. Vòm trần cao có hoa văn dát vàng, hàng cột đá trắng lớn với họa tiết dát vàng, rồi những hành lang rộng trải thảm sang trọng. Khu khách sạn nằm sát bờ biển, có sân golf, hồ bơi rộng đến 11.000m2 và cả một nhà hát.
Khách sạn là điểm chọn lựa của những thương nhân Thượng Hải, Hong Kong đến chơi golf, và của nhiều đoàn khách từ các nước trong khu vực. Khi đến thăm những ngôi thánh đường Hồi giáo ở thủ đô Bandar Seri Begawan, những ngôi thánh đường với mái nhà tròn quen thuộc nhưng thật tráng lệ, nguy nga, cũng thấy vàng được dát nhiều nơi. Những ngôi thánh đường này được giới thiệu là xây dựng với chi phí lên đến hàng tỉ USD. Có lẽ vì thế người ta gọi đây là “thành phố vàng”!
Tất cả sự hoành tráng, nguy nga đó quả thật đã làm choáng ngợp, nhưng đem đến sự thích thú thật sự cho chúng tôi chính là chuyến thăm khu làng trên sông Kampung Ayer. Từ bến sông ngay tại trung tâm thành phố (giống như bến Bạch Đằng của TP.HCM), chúng tôi được một chiếc “taxi nước” gắn máy cao tốc (water taxi, người dân ở đây gọi thế) chở phóng như bay về phía khu nhà sàn nằm dài theo bờ sông đối diện.
Ở một đất nước ít dân, đa số lại có xe hơi, du khách không nhiều nên chỉ có vài chục chiếc taxi trên bộ. Ngược lại “taxi nước” lại khá nhiều, phục vụ cư dân làng nổi và khách đến làng nổi.
Khu làng hiện ra với cột dẫn điện cắm dưới nước, những ngôi nhà nằm trên các dãy cọc bêtông và những con đường lát gỗ rộng 2m nối ngang dọc cũng nằm trên những cọc bêtông. Trong khu làng này có quán ăn, trường học và cả đồn công an. Chúng tôi được giới thiệu khu làng này thuộc vào loại làng cổ, trên 600 năm tuổi, hiện có khoảng 30.000 hộ dân.
Chiếc “taxi nước” rẽ vào một nhánh sông nhỏ và dừng lại trước một bến đỗ, chúng tôi bước lên, bắt đầu được “cận cảnh” cuộc sống cư dân khu làng độc đáo này. Dọc con đường gỗ là những ngôi nhà vách gỗ mái tôn trông tuềnh toàng nhưng đều có gắn máy lạnh và chảo ăngten truyền hình. Một vài căn nhà được chủ nhân chăm sóc kỹ lưỡng với những chậu hoa nhiều màu sắc trước cửa, tạo thành điểm nhấn thú vị cho ngôi làng trên sông.
Chúng tôi được hướng dẫn vào một ngôi nhà, bà chủ nhà với khăn trùm đầu đặc trưng tiếp đón, mời dùng vài món bánh dân tộc.
Đây là một điểm làm du lịch của người dân địa phương. Ngôi nhà của bà thật rộng, chỗ ở của một đại gia đình, bên cạnh nhà là một “gara” neo đậu… mấy chiếc thuyền. Anh hướng dẫn viên du lịch cho biết người dân nơi đây thích sống ở ngôi làng trên sông của họ và không hề muốn lên đất liền.
Chiều về, trên “con hẻm nhỏ” trên sông, những em nhỏ chạy nhảy nô đùa, người dân đi làm về từ bên kia sông, khung cảnh thanh bình, êm đềm. Chúng tôi ghi vội vào máy hình ảnh một bé gái nhỏ với khăn trùm đầu bước nhanh trên con đường gỗ, một ngôi nhà với những chậu hoa. Những hình ảnh này thật dung dị mà cũng thật khó quên về một đất nước Brunei êm đềm, tĩnh lặng.
AN ĐỖ / Tuoi Tre
Bình luận (0)