Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Lu-xen, thành phố trên đỉnh An-pơ

Tạp Chí Giáo Dục

Một góc thành phố Lu-xen.

Nếu ai đã một lần đến thăm thành phố Lu-xen (Lucerne) nằm ở miền trung Thụy Sĩ, hẳn không thể quên cảnh đẹp và con người nơi đây. Với những ngôi nhà, khu phố cổ kính, hồ nước trong vắt và cơ hội đi tàu hỏa bánh xích lên đỉnh An-pơ ngắm băng hà vĩnh cửu, Lu-xen là một trong những điểm đến hấp dẫn ở châu Âu.
Lịch sử đa dạng và lâu đời

Chúng tôi đến thăm Lu-xen vào những ngày đầu hè 2009. Khắp nơi hoa nở rộ, cây cỏ xanh rờn. Nằm bên hồ Lu-xen nổi tiếng, thành phố Lu-xen xinh đẹp có một lịch sử phát triển lâu đời. 
Khoảng vào năm 700 sau Công nguyên, Lu-xen vẫn còn là một làng chài nhỏ nằm bên hồ Lu-xen. Cái tên Lu-xen xuất phát từ tên của một tu viện dòng tu Bê-nê-đích ở đây. Năm 840, tên Lu-xen được nhắc tới đầu tiên trong các văn bản cổ. Với việc mở con đèo Gô-tha (Gothaus) vượt dãy An-pơ, làng chài nhỏ dần dần phát triển và trở thành một địa điểm giao thương quan trọng giữa vùng Thượng Ranh của Ðức và vùng Lôm-bác-đi ở phía bắc I-ta-li-a. Sự kiện khai trương tuyến đường sắt Gô-tha, xây dựng các tuyến đường vượt núi và phát triển hệ thống giao thông đường thủy trên hồ Lu-xen đã biến Lu-xen trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Ngày nay, Lu-xen là một trong những thành phố thu hút đông khách du lịch nhất tại Thụy Sĩ. 
Ðiểm đến đầu tiên của chúng tôi khi tới thăm thành phố Lu-xen là cầu Sa-pen (Chapel), cây cầu gỗ cổ nhất châu Âu vắt qua sông Rơi (Reuss) xây dựng vào khoảng năm 1333. Cầu Sa-pen nổi tiếng không những vì tuổi đời mà còn bởi những kiệt tác nghệ thuật. Trên cầu, các bức tranh của họa sĩ nổi tiếng Hen-rích Va-man (Heinrich Wagmann) mô tả lịch sử Lu-xen và cuộc đời của hai vị thánh bảo trợ cho thành phố là thánh Lê-ô-đơ-ga (Leodegar) và thánh Mô-ri-di-út (Maurizius). Trong một bức tranh trên cầu Sa-pen mô tả năm trong số chín tháp canh hiện còn nguyên vẹn của bức tường thành bao quanh thành phố Lu-xen cổ xưa. Bên cạnh cầu, tháp Va-xơ-tum (Wasserturm) tám cạnh từng được sử dụng làm nơi giam giữ các tù binh thời Trung cổ cũng là một điểm tham quan độc đáo. Giờ đây, cầu Sa-pen và tháp Va-xơ-tum trở thành biểu tượng độc đáo của thành phố. 
Qua cầu Sa-pen, chúng tôi tới trung tâm phố cổ. Ði tham quan khu phố cổ ở Lu-xen, điều dễ nhận thấy nhất là cũng giống như các thành phố khác ở Thụy Sĩ, hầu như đường phố nào ở đây cũng có cửa hàng bán đồng hồ, "đặc sản" của quốc gia trên đỉnh An-pơ này. Ðồng hồ ở Lu-xen rất phong phú về chủng loại và giá cả. Nào là đồng hồ treo tường, đồng hồ cột to tướng, đồng hồ để bàn, đồng hồ đeo tay, đồng hồ quả quýt. Giá cả cũng rất đa dạng. Có đồng hồ chỉ khoảng 100 phrăng Thụy Sĩ (gần bằng 100 USD), nhưng cũng có đồng hồ đeo tay mạ vàng gắn kim cương và ngọc quý lên tới hơn 100 nghìn phrăng Thụy Sĩ. Riêng loại đồng hồ treo tường có hình dáng giống như quả lê được mọi người chú ý nhất vì đây là kiểu dáng đặc trưng của Thụy Sĩ. Giá của đồng hồ này cũng không hề rẻ chút nào, từ 1.500 tới 6.000 phrăng Thụy Sĩ, đắt gấp nhiều lần loại đồng hồ treo tường bằng gỗ hiệu Ô-đô của Pháp. Người bán hàng rất nhã nhặn và nhiệt tình giới thiệu cho khách xem hàng giờ mà không hề có biểu hiện cáu giận hay sốt ruột. 
Rời các cửa hàng đồng hồ, chúng tôi đi dạo trong trung tâm phố cổ. Có thể nói rằng, trung tâm phố cổ ở Lu-xen là một bảo tàng lớn các kiểu dáng kiến trúc. Những con phố cổ lát đá dành cho người đi bộ thảnh thơi ngắm các công trình nghệ thuật đặc sắc. Những ngôi nhà xây dựng cách đây bốn, năm thế kỷ với lối trang trí tranh, tượng tuyệt đẹp làm say mê lòng người. Nhà thờ thánh Pi-e (Pierre) xây dựng từ năm 1178 với tháp chuông cao vút. Tháp đồng đồ Ra-tô (Rathaus) tọa lạc bên bờ sông Rơi đầu thế kỷ 17 với trang trí mái vòm bốn cạnh độc đáo là một trong những điểm thu hút rất đông khách du lịch. Tiếng chuông của tháp đồng hồ Ra-tô cần mẫn đánh thánh thót nhắc nhở mọi người về một Lu-xen cổ kính và tráng lệ vẫn luôn năng động và hòa nhịp cùng cuộc sống hiện đại. 
Nếu muốn tĩnh tâm và thư thái, chúng ta cùng tới thăm nhà thờ Hốp-kia (Hofkirke) xây dựng lần đầu tiên vào năm 735. Bị phá hủy sau một trận hỏa hoạn năm 1633, nhà thờ Hốp-kia vẫn còn giữ được hai tháp chuông cổ kính xây dựng theo phong cách Gô-tích. Bên trong nhà thờ, những tác phẩm nghệ thuật như tranh tường, tranh trên trần và các phù điêu được các họa sĩ, nhà điêu khắc thể hiện vô cùng tinh xảo. Dàn nhạc nhà thờ với những nhạc cụ truyền thống và các nghệ sĩ tài ba chuyên biểu diễn tại các buổi lễ lớn và lễ hội âm nhạc hằng năm trở thành niềm tự hào của thành phố. 
Thả bộ dọc hồ Lu-xen, những nghệ sĩ đường phố tóc bạc trắng, đôi má đỏ hây mặc trang phục truyền thống chơi các nhạc cụ cổ của Thụy Sĩ thật thú vị. Những nhạc cụ tay quay phát ra nhiều bản nhạc du dương hay rộn rã. Chúng tôi cùng nhau đứng bên các nghệ sĩ đường phố để nhún nhảy theo điệu nhạc vui nhộn. 
Hành trình lên đỉnh núi băng hà 
Ðể ngắm những đỉnh núi băng hà vĩnh cửu, từ trung tâm thành phố, chúng tôi lên tàu thủy đi dọc hồ Lu-xen. Nước hồ trong xanh có thể nhìn rõ cả đáy. Trên mặt hồ, những con thiên nga trắng muốt đang đùa giỡn cùng sóng nước. Với chiều dài 38 km và rộng 114 km2, hồ Lu-xen là một trong những hồ nổi tiếng nhất Thụy Sĩ. Chung quanh hồ là hàng chục khu nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới bởi khí hậu ưu đãi và chất lượng phục vụ tuyệt vời. Những lâu đài nhỏ thấp thoáng sau rừng cây, những sườn đồi xanh mướt điểm một vài chú bò nhẩn nha gặm cỏ, những cây hoa rừng rực rỡ khoe mầu sắc, những đỉnh núi xa xa trắng xóa băng tuyết thoắt ẩn thoắt hiện sau làn mây. 
Trên đường, chúng tôi đi qua một biểu tượng khác của thành phố Lu-xen là tượng sư tử đá do nhà điêu khắc người Ðan Mạnh Thô-van-xen (Thorwaldsen) tạc vào một vách đá in bóng xuống nước. Biểu tượng sư tử đá nằm để tưởng nhớ tới 800 sĩ quan và binh sĩ Thụy Sĩ trong đội lính gác của hoàng đế Pháp bảo vệ vườn hoa Tuy-lơ-ri hy sinh trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. 
Bồng bềnh gần một giờ đồng hồ trên hồ, chúng tôi cập bờ và thả bộ theo con dốc tới nhà ga để đi cáp treo lên núi. Khoang cáp treo khá rộng có sức chứa gần 20 người. Cáp treo bồng bềnh trong mây trắng. Hết đường cáp treo, tới đoạn cao nhất và khó nhất để lên đỉnh núi Ri-gi (Rigi), phải đi bằng tàu hỏa bánh xích. Cả con tàu đông kín khách du lịch. Có đến gần nửa toa tàu là du khách châu Á. Tàu hú còi rồi chầm chậm bò lên đỉnh núi dốc. Hai bên đường, những cây thông vẫn còn phủ đầy băng. Những ngôi nhà nghỉ mát bên đường có cảm giác như bị nghiêng. Từng đi nhiều loại tàu hỏa, từ tàu chở hàng Hà Nội – Lào Cai, tàu Thống Nhất, rồi tàu siêu tốc TGV của Pháp, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đi tàu bánh xích leo núi của Thụy Sĩ. Cảm giác sờ sợ xen lẫn tò mò xuất hiện. Cuối cùng, chúng tôi cũng lên đến nhà ga cuối trên đỉnh Ri-gi. Trước nhà ga, biển báo chỉ độ cao 1.752 m. Băng trắng xóa chất đống trên sân ga. Từ nhà ga, leo thêm một đoạn nữa là tới đỉnh núi Ri-gi cao 1.800 m. Thật may, đúng lúc này trời bừng sáng, nắng vàng rực rỡ. Các đỉnh núi băng hà vĩnh cửu sáng rực dưới ánh mặt trời. Theo giải thích của anh bạn đi cùng, Ri-gi là từ xuất phát từ tiếng La-tinh Regina Montium, nghĩa là "Hoàng hậu của các ngọn núi". Quả thật, đỉnh núi Ri-gi xứng đáng với tên gọi đó. Từ trên đỉnh Ri-gi, chúng tôi có thể quan sát bốn phương tám hướng. Các ngọn núi băng hà vĩnh cửu phủ trắng xóa trập trùng bồng bềnh trong mây. Hình ảnh ấy, chúng tôi chỉ thấy qua các bộ phim hay xem trên ti-vi. Giờ đây, chúng tôi đã có mặt ở trên đỉnh An-pơ. Các thành viên trong đoàn đua nhau chụp những khoảnh khắc khó quên. 
Sau những giờ phút thảnh thơi trên nóc nhà châu Âu, tiếng còi tàu lanh lảnh gọi mọi người. Ðã đến giờ trở về. Chúng tôi tranh thủ vào cửa hàng lưu niệm mua chiếc chuông đồng đeo bằng chiếc nơ mầu sặc sỡ có in chữ Ri-gi và biểu tượng quốc kỳ Thụy Sĩ. Tạm biệt đỉnh núi Ri-gi, tạm biệt Lu-xen, nhưng tất cả chúng tôi đều có những bức ảnh, những giờ phút thật đáng nhớ trên đỉnh An-pơ và về một thành phố Lu-xen thơ mộng. 
PHƯƠNG ANH (HNM)
 

 

 

Bình luận (0)