Tượng sư tử đá phía trước được cho là để bảo vệ thành |
Về An Nhơn (Bình Định), không chỉ được no mắt với những cánh đồng lúa xanh trải dài vô tận, no say với vị nồng nàn của rượu Bàu Đá, chúng tôi còn bị mê hoặc bởi nét rêu phong, cổ xưa đến kỳ bí của thành Hoàng Đế.
Tấm bảng chỉ dẫn vào tháp Cánh Tiên-thành Hoàng Đế nằm ngoài QL.1A, đoạn thị trấn Đập Đá, giúp chúng tôi dễ dàng đến ngôi thành cổ nhà Tây Sơn.
Uy nghiêm tử cấm thành
Thành Hoàng Đế nằm trên địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn (Bình Định) là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm 3 vòng thành: thành ngoại, thành nội và Tử cấm thành với 4 cạnh phân bố theo đúng 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Chu vi thành ngoại là 7.400m. Bên trong là Tử cấm thành có tổng diện tích 21.600m2, nằm ở trung tâm của thành Hoàng Đế.
|
Những tảng đá ong cổ xưa ở thành Hoàng Đế |
Hai chú voi bằng đá rêu phong phủ phục trước cổng thành xưa như chào đón du khách. Đôi thạch tượng đứng cách nhau hơn 20 mét, một hướng về đông, một hướng về tây trước cổng thành. Đó là dấu tích thành Đồ Bàn của vương quốc Chămpa được vua Thái Đức Nguyễn Nhạc giữ lại khi xây dựng thành. Ghé thăm cung điện, lầu bát giác, hòn giả sơn…của khu Tử cấm thành lừng danh một thời, du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng những cấm cung, cung điện uy nghiêm, sân chầu của vua quan thời Thái Đức Nguyễn Nhạc.
"Quyển sách cổ bị bỏ quên"
Thành Hoàng đế không lớn nhưng có nét đẹp riêng và đặc biệt là mang đậm kiến trúc Chămpa với đá ong địa phương được tận dụng làm tường khá kiên cố. Khu Tử cấm thành luôn rợp bóng cây xanh, có cả hồ bán nguyệt, hòn giả sơn…rất thơ mộng. Thấp thoáng sau tán cây cổ thụ nơi hòn giả sơn, tháp Cánh Tiên nghiêng mình e ấp đẹp tựa tranh vẽ. Trải qua sự tàn phá của thời gian, những cây cổ thụ với đủ loại: me, sung, bồ đề, khế…vẫn hiên ngang đứng đó như những chàng lính ngự lâm oai dũng bảo vệ cấm cung.
Lầu bát giác và mộ Võ Tánh |
Với tuổi đời hơn 200 năm, cổ thành Hoàng Đế được ví von như một quyển sách cổ bị bỏ quên, để rồi nếu vô tình chạm đến và mở ra, bạn sẽ bị chinh phục bởi nét đẹp của những trang dĩ vãng, những dòng lịch sử hết sức giá trị. Vì lòng hận thù cá nhân, Nguyễn Ánh đã san lấp thành và xây lăng mộ cho tướng bại trận của mình là Võ Tánh với lầu bát giác ngay trên đại điện.
Võ Tánh vốn là tướng của Nguyễn Ánh nhưng do đã trung dũng hy sinh và cầu quân nhà Tây Sơn tha cho binh sĩ mình được về với vợ con nên đã được nhân dân địa phương thờ cúng.
Không ai lý giải được vì sao cây me già trải qua hàng trăm mùa thay lá vẫn cao lớn, xanh tốt; bức tường thành đá ong cũ nát nhưng vẫn còn đong đầy nét độc đáo quyến rũ; cây sung hơn trăm năm tuổi vẫn luôn sai quả, trĩu cành; còn cái giếng vuông bằng đá ong đặc trưng của người dân địa phương luôn đầy nước mát lành…Những điều bí ẩn ấy đang đợi chờ những bước chân lữ khách cùng đến khám phá.
Mặc dù được coi là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, ghi lại những sự kiện bi tráng trong những năm tháng cuối cùng của phong trào anh hùng áo vải cờ đào đất võ, nhưng nơi này còn ít du khách đến thăm.
Cát Minh (TNO)
Bình luận (0)