Cửu Trại Câu đẹp cả bốn mùa trong năm. Mùa xuân, những cánh hoa đào thắm tô điểm cho cánh rừng nguyên sinh, bay phất phơ trên làn nước biếc. Mùa hạ, bầu trời trong xanh phản chiếu xuống "tấm gương soi" phẳng lặng.
Khi Cửu Trại Câu vào Thu, những thảm lá đỏ, lá vàng tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Trời Đông, màu trắng của tuyết và những bông hoa lất phất bay trong chiều u tịch, cùng những cành lau nghiêng mình trong cơn gió lạnh.
Người ta thường ghé thăm Cửu Trại Câu vào những ngày cuối thu, khi thảm lá vàng, lá đỏ đã rực rỡ trên khắp mảnh đất Tứ Xuyên.
Từ Hà Nội, chúng tôi đến Nam Ninh và bay thẳng đến Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Từ đây, liên tiếp ngày nào cũng có những dòng xe cộ chở khách đến với Cửu Trại Câu-"thiên đường nơi hạ giới”.
Thông tin thêm:
Giá vé vào cửa tại Cửu Trại Câu khoảng 270 NDT, trong đó có 80 tệ tiền xe buýt. Với sinh viên quốc tế, giá vé được giảm 50 tệ. Từ tháng 11 – tháng 3 là thời điểm mùa đông lạnh giá và ít khách, giá vé giảm còn 160 NDT/vé (bao gồm 80 tệ tiền vé xe buýt). Vé xem chương trình ca múa nhạc buổi tối khoảng 180 NDT. Thời điểm đẹp nhất trong năm của Cửu Trại Câu là tháng 9 và 10 dương lịch, khi trời vẫn chưa quá lạnh, xanh trong, nước hồ trong suốt và cây cối chuyển màu lá. |
Cửu Trại Câu thuộc huyện Cửu Trại, phía Bắc tỉnh Tứ Xuyên, với diện tích hơn 6 vạn ha, ở độ cao khoảng 2.500m so với mực nước biển. Do ở đây có 9 ngôi làng của người Tạng nên có tên là Cửu Trại. Từ lâu, mảnh đất này đã nổi tiếng bởi “nhan sắc” mỹ miều của thiên nhiên tươi đẹp. Với những hồ nước xanh biếc, thác nước, bãi cát, những cảnh rừng nguyên sinh, đỉnh núi tuyết và bãi đá hoa cương, Cửu Trại Câu được gọi là vùng đất “biển hồ” với 108 hồ ao lớn nhỏ, trong xanh, phẳng lặng. Trong một khe núi dài hơn 5km có tới 108 hồ nước tạo thành một chuỗi ngọc lấp lánh. Xung quanh là các dãy núi tuyết trắng xóa, xen giữa là những dòng nước biếc tạo nên một khu thắng cảnh như trong truyện cổ tích.
Nước ở Cửu Trại Câu trong vắt, xanh thăm thẳm, nhìn tới tận đáy hồ cách 30m. Mặt nước lấp lánh dưới ánh mặt trời khiến khung cảnh hai bên hồ càng thêm lung linh, huyền ảo. Mỗi hồ có một vẻ đẹp riêng và được tự nhiên sắp đặt thành những cảnh đẹp tuyệt mỹ, trong đó có những hồ nổi bật như Công Chúa, Lưu Mao, Hỏa Hoa, Quý Tiết, Ngũ Hoa, Gấu Trúc, Tiễn Trúc… Tất cả được bao bọc bởi những cánh rừng cổ thụ với nhiều loại cây quý hiếm và nhiều loài động vật đáng yêu. Giữa những cánh rừng đã chuyển sang sắc vàng rực rỡ, ta có thể đi xuyên tận sâu trong rừng, ngắm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những thân rêu xanh mướt uyển chuyển trong làn nước và gặp rất nhiều loài động vật như sóc, thỏ, gõ kiến hay gấu trúc chạy nhảy tung tăng trong rừng. Có người đến với Cửu Trại Câu vì mê đắm cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ và quyến rũ, và cũng có kẻ thăm nơi này vì những cánh rừng trúc bạt ngàn cong mình trong gió. Song tất cả đều không thể bỏ qua hồ nước đẹp đã từng được ghi hình trong phim Anh hùng và Tân Thần điêu đại hiệp.
Thụ Chính là thác hùng vĩ nhất trong khoảng 17 thác nước tại Cửu Trại Câu. Xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, thi thoảng du khách lại nghe tiếng ầm ào của những thác nước đẹp mê hồn, tung bọt trắng xóa.
Khung cảnh nên thơ, hữu tình đã khiến Cửu Trại Câu trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Trung Quốc trong nhiều năm qua. Nếu bạn muốn ngắm nhìn một Cửu Trại Câu vắng khách, hãy đến vào những ngày thường, vừa có thể thưởng ngoạn cảnh sắc lại vừa không bị chen chân với đám đông. Khu Cửu Trại Câu gồm ba thung lũng chính: Nhật Tắc Câu, Tắc Tra Câu và Thụ Chính Câu. Trước khi đến, bạn hãy nghiên cứu để có thể chọn điểm đi phù hợp với sức của mình vì toàn bộ khu vực quá rộng lớn.
Cổng ra vào Cửu Trại luôn có xe cộ đón và trả khách. Từ đây, bạn lựa chọn tuyến đường để lên xe buýt và dừng lại đúng điểm cần đến. Những chiếc xe tiện lợi này được bố trí chạy liên tục từ 7g sáng đến tối muộn cho khách du lịch trong khu vực tham quan. Đặc biệt vào buổi tối có rất nhiều chương trình ca múa nhạc và những gian hàng lưu niệm đủ loại. Bạn có thể ngủ lại trong Cửu Trại Câu tại những ngôi nhà đơn giản của người dân tộc Tạng.
Năm 1992, Cửu Trại Câu được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Và đến năm 1997, khu phong cảnh Cửu Trại Câu được đưa vào danh sách các khu bảo tồn đa dạng sinh học thế giới.
Bài, ảnh: Lam Linh/Thanh Niên
Bình luận (0)