Từ Vĩnh Long qua phà Hậu Giang là đến đất Cần Thơ. Giữa rừng tràm đước cồn Ấu của dòng sông Hậu là bạt ngàn màu hoa trái xanh mướt, níu chân người của khu du lịch Phù Sa (Cái Răng, Cần Thơ)
Qua cồn Ấu thăm… Phù Sa
Anh xe ôm cười ngỏn ngoẻn khi chúng tôi hỏi đường từ bến tàu du lịch Ninh Kiều sang KDL Phù Sa: “Ráng chờ đi ghe miễn phí, thuê ca-nô chi cho tốn tiền”, rồi chỉ tay về phía mấy cái ghế đá đối diện bến tàu kêu nhóm tôi ngồi nhìn ngó ghe xuồng tấp nập dưới bến. Bên kia sông Hậu là xóm chài Cần Thơ với những chiếc ghe câu mỏng manh đang bủa lưới. Xa xa là cầu Cần Thơ dây văng đẹp mắt sắp hoàn thành, chỉ chờ ngày thông xe. Lát sau, thuyền của KDL Phù Sa qua tới. Thuyền lớn chở được 30-50 người nên đi khá êm, không bị chòng chành khi gặp luồng nước rẽ đôi mỗi lần sà lan đi qua.
Đến KDL Phù Sa vui chơi 1 ngày, bạn sẽ có cảm giác như trẻ lại rất nhiều tuổi
Ảnh: Việt Cường
Lối vào KDL Phù Sa là những hàng cọ dầu rợp bóng mát. Quanh vùng cây cối xanh mát, trĩu quả do được phù sa sông Hậu tưới tắm quanh năm. Mít, vú sữa, rồi mận, bưởi cứ lúc lỉu trên cây nhìn vô cùng thích mắt. Bên kia chuồng thú, trên cây là chị khỉ mẹ bồng khỉ con ôm ấp tỏ vẻ sợ người lạ…Nhiều du khách mỏi chân khát nước liền ghé quán hàng của một chị trung niên gần đó, người kêu ly dừa nước nhâm nhi, người thì ăn sương sáo sương sa, gọi trái dừa tươi ngọt mát lịm…rồi thư thả ngắm trời mây trên nhịp võng đu đưa, nghe hồn sảng khoái.
Thú vị câu sấu
Hồ câu cá sấu ở KDL này khá rộng, thiết kế đẹp mắt với một nhà vòm mái ngói, có cầu dẫn. Cá sấu to nhỏ đủ loại đầy hồ. Cần câu sấu nhằm mục đích giải trí nên không có lưỡi, chỉ là cây tre khô to nhỏ, một đầu gắn sợi dây cước có cột miếng phổi bò thả xuống để chọc sấu nhe răng, há mõm thậm chí nhảy lên để cướp mồi. Câu sấu phải nhử sao cho sấu đớp hụt thì mới khoái vì được chọc tức cá dữ mà mồi còn nguyên. Ai câu tài, sấu nhảy lên khỏi mặt nước đớp chục lần vẫn chưa ăn được mồi. Người câu dở, vừa thả cần thì mồi đã nằm gọn trong miệng sấu. Trò này dễ chơi lại vui nên cả trẻ em lẫn người lớn tuổi đều rất thích.
Món ngon chính hiệu miệt vườn
Mặt trời chính ngọ, nắng chang. Bụng chợt đánh lô tô khi "đánh hơi" được mùi thơm bốc ra từ các gian hàng trong khu ẩm thực. Món ăn chủ đạo nơi này là món đồng quê dân dã, nổi bật là ốc bươu nướng tiêu, cá lóc nướng trui, chuột đồng nướng muối ớt, bò nướng ống tre, bánh xèo Phù Sa…Nước giải khát có thốt nốt, hột é, chè bưởi…. Món ăn chơi thì phải kể đến gỏi xoài khô sặc, cóc ổi xoài ngâm,…toàn món khoái khẩu cho phe tóc dài. Ngoài ra còn có lò bánh cuốn nghi ngút khói. Đây là loại bánh tráng mỏng bằng bột gạo có nhân đậu xanh dừa. Rồi còn thêm lò bánh kẹp bông lan nóng hổi thơm nức mùi hột gà hấp dẫn vô cùng…Ở đây món nào cũng đậm đà, mang hương vị vùng miền đặc trưng. Khi đã căng bụng, cả nhóm tôi mới "ngộ" được nội dung câu ca dao: “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó, lòng không muốn về”.
Tát đìa bắt cá
Chiều bớt nắng, cả nhóm thử tài tát đìa bắt cá ở vũng trâu. Trong vũng là vài chú trâu tượng đang say sưa ngâm mình dưới bùn…tắm nắng. Cả nhóm cử những người khỏe mạnh nhất làm nhiệm vụ tát nước bằng chiếc gàu sòng. Những người còn lại cả già trẻ lớn bé, quần xắn ngang đùi lội bùn hì hục chụp cá bằng nơm, lùa cá bằng lưới… Từng con cá to nhỏ quẫy mình trong lưới: chép, lóc, trê, rô… đủ loại lại thêm cả đám tép bạc tanh tách búng mình. Thoạt nghe qua trò chơi có vẻ dễ nhưng cũng nhiều nhóm tát mãi mà nước vũng vẫn còn đầy, cá bắt được không là bao nên nản chí. Chỉ nhóm nào nhẫn nại và quyết tâm mới hoàn tất trò chơi và thu về được nhiều cá. Bởi cực công, vất vả nên khi thưởng thức những con cá do chính tay mình bắt tại chỗ, cả nhóm ai cũng thấy ngon miệng hơn nhiều lần so với ăn cá ở nhà hàng.
Tắm sông, nhảy cầu
Lỡ bắt cá lấm lem bùn sình, cả nhóm ra phía mạn sông ở một góc Phù Sa để tha hồ ngụp lặn. Tắm sông mà nhớ quá cái thời thơ trẻ từng cởi truồng, lội sình bắt cá mò cua, đầu trần dang nắng cả trưa, khổ thân má phải ới a gọi tìm… Mé sông này còn có sẵn một cầu tuột rất cao, leo lên cầu nhảy tõm xuống, rồi nghịch nước, ai cũng thấy mình trẻ lại đến kỳ lạ.
Minh Anh /TNO
Bình luận (0)