Nghe tiếng Bản Đôn, tên tuổi cụ Ama Kông đã lâu nhưng dù nhiều lần tới Buôn Ma Thuột công tác mà tôi chẳng thể nào thăm thú Bản Đôn. Rồi cơ hội cũng đến khi vài người bạn ở TPHCM rủ tôi cùng “Ta ba lô” cao nguyên, bằng xe đò, xe buýt trong 2 ngày cuối tuần.
Thăm Ama Kông
Tối thứ sáu, chúng tôi bắt chuyến xe đò đi Buôn Ma Thuột lúc 10 giờ đêm và nó chạy nhanh tới mức chưa tới 5 giờ sáng, nó đã tới thành phố thủ phủ Tây Nguyên. Lịch trình của chúng tôi là ngồi cà phê, ăn sáng chờ xe buýt. Chuyến xe buýt thứ nhất vút qua vì anh em đang mãi mê tám bên ly cà phê Ban Mê. Cơ hội rồi cũng đến sau 30 phút chờ đợi cho chuyến xe thứ 2.
Vừa câu cá, vừa ngắm cảnh ở thác Dray Sap-Ảnh: Hồng Văn
Tưởng chừng như xe buýt ở TPHCM nhưng té ra, xe buýt ở đây chỉ khác xe đò nêm chặt khách thời bao cấp mỗi dòng chữ "xe buýt tuyến". Kẻ đứng, người ngồi, nhưng cái thú là được ngắm những anh chàng người dân tộc trên xe với tay xách nách mang, nào là ống tre nứa, mớ cây giống cà phê…
Từ Buôn Ma Thuột vào Bản Đôn khoảng 40 km và mất chừng 40 phút xe buýt. Đến nơi, chúng tôi tìm mãi không thấy bóng dáng chú voi con một thời được nhắc như hình tượng của nơi đây, như trong lời bài hát nào đó, rằng “chú voi con quê ở Bản Đôn”. Hoá ra người ta đang thay thế các chú voi con bằng những ông voi cụ để đưa khách tham quan. Nghe đâu những con voi này đã từng được khai thác triệt để, ngày chở khách, tối kéo gỗ và một vài ông không chịu nổi đành đi tìm sự bình yên nơi âm địa.
Tìm mãi không thấy biển chỉ dẫn vào khu du lịch Bản Đôn, chúng tôi quyết định đi bộ theo voi chở khách trên đường nhựa. Không có hình bóng của một khu du lịch, vừa đi chúng tôi phải vừa ngó nghiêng những chiếc nhà sàn hai bên, lại vừa cảnh giới những đống phân voi ngổn ngang giữa đường. Chúng tôi tự giải thích cho chính mình rằng nơi đây cũng là một quần thể du lịch mà chẳng qua lần đầu ghé hoặc đi không có hướng dẫn viên nên không biết đường.
Được chừng 200 mét, một ngôi nhà sàn hiện ra với chiếc cầu thang cách điệu theo kiểu tân thời. Nhiều nơi ở Tây Nguyên vẫn còn phong tục mẫu hệ, vì vậy thông thường cầu thang nhà sàn hai bên đường được khắc hoạ hai bầu vú của phụ nữ ngay trên đầu nhưng nơi đây thì khác. Vậy mà người ta đặt ngay trước cổng một cái biển " Ngôi nhà sàn cổ", phải mua vé vào tham quan.
Chụp ảnh lưu niệm cùng cụ Ama Kông
Tò mò bước vào trong, hóa ra đây là nơi cụ Ama Kông săn voi nổi danh cư ngụ. Sau khi chúng tôi ngắm nghía một lát những vật dụng săn voi, săn trâu, những bức ảnh thành tích săn voi của cụ, cụ cũng ra tiếp khách, không phải theo đề nghị của chúng tôi mà của khách du lịch đi theo đoàn.
Tay run run, chân bước chậm chạp và phải có người dìu, chứng tỏ cụ đã quá già. Năm nay 99 tuổi, cụ không nhớ được nhiều, nếu hỏi thì phải nói thật to may ra cụ nghe thấy để trả lời vì cụ đã lãng tai. Không biết cái tuổi gần đất xa trời làm mất trí nhớ hay cụ muốn quên đi những gì người ta đang làm bên ngoài – tranh nhau kiếm lợi bằng tên thuốc gia truyền Ama Kông, bán đầy rẫy ở ven hai bên đường vào khu du lịch Bản Đôn.
Cụ kể đã từng tặng 3 con voi săn được cho vua của các nước láng giềng và vua Bảo Đại ngày trước. Những ngày đi theo Cách mạng, đau ốm không có thuốc thang chữa bệnh, phải tự tìm tòi những chiếc lá trong rừng và ngày qua ngày chúng trở thành bài thuốc gia truyền của cụ.
Vừa chia tay người vợ trẻ nhất được vài tháng, cụ trở về sống với cô con gái của vợ đầu theo phong tục, chúng tôi không kịp hỏi 22 người con của cụ giờ ở đâu khi nhìn thấy cụ cầm điều thuốc lá trên tay run lẩy bẩy. Với sức trẻ của một chàng trai miền núi, sống trong môi trường không bị ô nhiễm như bây giờ, Ama Kông ngày xưa dẻo dai, cường tráng cùng với phong tục mẫu hệ thì cái chuyện có nhiều vợ và 22 người con cũng không phải xưa nay hiếm. Chỉ biết một điều, rượu mang tên cụ ở bên ngoài mấy cái cửa hàng bán với giá 50.000 đồng/lít.
Chúng tôi hỏi cụ bây giờ còn sức cho chuyện "ấy" không, cụ lắc đầu như muốn nói đừng tin, không có loại rượu nào có lợi cho sức khoẻ.
Bên dòng sông Sê Rê Pôk chảy ngược về đất Campuchia, chúng tôi thưởng thức món cá lăng nổi tiếng từ sông Sê Rê Pôk cùng cơm lam trong khu du lịch Bản Đôn, làm vài ngụm rượu thuốc Ama Kông và mong sao người ta không quên đi những con người tạo nên danh tiếng của Bản Đôn.
Đi tìm Trinh Nữ
Chiều tối chúng tôi về lại Buôn Ma Thuột cũng bằng xe buýt, nghỉ ngơi một đêm để ngày mai đi tìm thác Trinh Nữ như lời giới thiệu của bạn bè và trên mạng internet. Theo hướng về TPHCM trên quốc lộ 14, cách Buôn Ma Thuột chừng 30 km, qua chiếc cầu có tên gọi Cầu 14, tấm biển chỉ dẫn bên trái đưa chúng tôi đến với dòng Sê Rê Pôk chảy ngược.
Một góc dòng thác Trinh Nữ-Ảnh: Hồng Văn
Nếu như mọi dòng sông ở Việt Nam đều đổ về biển cả phía Đông thì Sê Rê Pôk tồn tại như một thách thức của tạo hoá. Có lẽ không phải cái gì “xuôi” cũng tốt, dòng Sê Rê Pôk mang lại cho Buôn Ma Thuột đặc sản cá lăng, loài cá chuyên đi ngược thác ghềnh nên thịt trắng, chắc, thơm ngon và những cảnh quan hùng vĩ trước khi đổ sang Campuchia.
Nằm giữa ranh giới tỉnh Đak Nông và Đak Lak, thác Trinh Nữ không hiền hoà như chúng tôi tưởng, nước chảy xiết, không biết có bao nhiêu thiếu nữ trượt chân vì tình, chỉ biết rằng nơi đây hàng năm đều có người rời xa trần thế vì tắm thác, người câu cá bên thác kể lại. Những chỏm đá bị bào mòn theo thời gian hoà quyện cùng khóm cây cổ thụ như muốn xoá đi sự giận dỗi của Trinh Nữ.
Khu du lịch thác Trinh Nữ, dù đã xuống cấp nhưng nhìn qua cũng biết nó từng được đầu tư khá tốt để phục vụ du khách nhưng những cái nhà rông đầy bụi, mối mọt gặm nhắm, hàng nhà chòi lá bên thác cũng mòn theo thời gian để cho tự nhiên huỷ hoại. Chúng tôi dường như là những du khách đầu tiên của ngày hôm ấy.
Mấy chú chó chào đón chúng tôi bằng tiếng sủa và cái quẩy đuôi như lâu ngày mới có người thăm hỏi. Từ vị trí trên cao nhìn xuống, thác Trinh Nữ thật đẹp khi có sự tô điểm của thiên nhiên xung quanh. Khu vực trong khu du lịch chỉ lèo tèo vài người phục vụ và những con chó tiếp đón chúng tôi bằng tiếng sủa khi mới đến.
Một cô bán hàng lưu niệm, một chị vệ sinh và một thanh niên bảo vệ kiêm bán vé vào cổng, có lẽ đâu đó vẫn còn một vài người lặng lẽ câu cá bên sông. Ánh mắt và tiếng sủa duy nhất của những chú chó ban nãy là ấn tượng duy nhất về sự chào đón du khách nơi đây. Có lẽ Trinh Nữ đã ngủ quên chưa chịu thức dậy chào đón du khách.
Dòng sông Sê Rê Pôk cuồn cuộn chảy về phái Tây, trên dòng chảy của nó hình thành nhiều thác ghềnh và người ta làm những chiếc cầu treo băng qua sông, qua thác cho khách du lịch tham quan-Ảnh: Hồng Văn
Thác Dray Sap cách Trinh Nữ chừng 15 km, nơi chàng trai hoá mình thành cây cổ thụ chờ đợi người yêu sau khi quái vật đột nhiên xuất hiện trong một đêm trăng sáng, đẩy chàng trai ra xa và bắt luôn cô người yêu. Thác có vẻ đông khách hơn bên Trinh Nữ.
Không như Trinh Nữ, Dray Sap, còn gọi là thác khói bởi dòng nước tung lên như khói sương, trông có vẻ hiền hoà. Một con suối chảy qua vẫn còn đó đoạn cây rừng bị đổ ngâm mình theo thời gian. Thỉnh thoảng, một vài con cá lang thang tìm chỗ trú. Vẫn còn đó một vài đôi trai gái ngồi trên những chỏm đá vừa câu cá vừa ngả đầu vào nhau.
Chiếc cầu treo lâu ngày gỉ sét đung đưa như muốn cảnh báo du khách cẩn thận. Tới sát nơi thác đổ, cùng chúng tôi là những nhóm khách gia đình, thỉnh thoảng có vài ba vị khách Tây ba lô. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người bảo vệ. Có lẽ người ta muốn tạo ra cho nó sự hoang sơ đến đáng sợ. Nghĩ đến dòng thác có một ngày vưon mình như quái vật, chảy xiết sau mưa lũ mà thầm mong sao những đôi trai gái ngồi ngắm thác không có ngày xa cách.
Quá trưa, bước lên nhà hàng duy nhất tại đây, cô phục vụ giới thiệu món lẩu cá lăng. Có lẽ lên xuống một buổi sáng tới hai cái thác nên dù món lẫu của nhà hàng nấu có vẻ rất tệ mà chúng tôi ăn vẫn cảm thấy ngon.
Tạm biệt dòng Sê Rê Pôk chảy ngược với món cá lăng uống cùng rượu Ama Kông, rồi một ngày chúng tôi sẽ trở lại thăm dòng sông, vì còn nhiều thác ghềnh mà chúng tôi chưa khám phá.
Theo TBKTSG
Bình luận (0)