Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Mênh mang hồ Cấm Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Núi (ơ) núi, thuyền (ơ) thuyền, mây (ơ) mây, nước (ơ) nước/ Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi/ Ai đắp đập, ai phá núi/ Cho hồ nước đầy làm mặt gương soi/ Non xanh mà nước biếc

Hồ Cấm Sơn nhìn từ trên cao, xung quanh hồ là các bản làng của người dân tộc Nùng, Sán Chỉ, Dao – Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng
Bài hát Hồ trên núi thân quen, gần gũi với nhiều người được nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác năm 1971, nhưng ít người biết để viết ca khúc ấy, tác giả đã lấy cảm hứng từ một chuyến đi thực tế đến hồ Cấm Sơn thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Từ thị trấn Chũ ngược theo đường 297 qua đèo Váng, đến Tân Sơn đi khoảng 5km, theo con đường đất đỏ bụi mù với những khúc cua tay áo liên tiếp, men theo những bản làng người Nùng, người Sán Chỉ, người Dao… với những ngôi nhà đất nâu óng màu thời gian du khách sẽ đến hồ Cấm Sơn.
Ngay khi chưa nhìn thấy mặt hồ, ta đã có thể cảm nhận sự dịu mát lan tỏa từ hồ nước mênh mang ấy.
Dòng Cấm Sơn xuất phát từ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đến Lục Ngạn bị chặn lại thành hồ. Với diện tích khoảng 2.650ha, chiều dài khoảng 25km, bề ngang nơi rộng nhất khoảng 7km, hồ Cấm Sơn là máy điều hòa không khí khổng lồ cho miền sơn cước Lục Ngạn. Nhờ có hồ mà khí hậu trong vùng quanh năm ôn hòa, dịu mát, đồng thời hồ còn cung cấp nguồn nước tưới chính cho sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang.
Anh Hoàng Văn Viên – người nhiều năm mưu sinh trên mặt hồ Cấm Sơn, am hiểu từng ngõ ngách trên núi, dưới hồ, biết cả những câu chuyện dân gian của đồng bào dân tộc nơi đây – đã hướng dẫn chúng tôi dạo chơi một vòng quanh hồ bằng thuyền.
Anh Viên cho biết năm nay do ít mưa nên nước hồ thấp hơn nhiều so với những năm trước, nhưng hồ vẫn giữ được vẻ đẹp cố hữu giữa cảnh bao la của núi rừng, mây nước.
Cũng theo anh, người dân sống quanh hồ Cấm Sơn đến nay vẫn truyền tụng những câu chuyện huyền thoại, ly kỳ về sự tích núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng, núi Kỉn, làng Mấn, đảo Lăn Lóc… – những địa danh du khách sẽ khó quên dù chỉ một lần đến với vùng này.

Những rặng vải Lục Ngạn tươi tốt quanh hồ – Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng

Thời gian thích hợp nhất để chiêm ngưỡng cảnh sắc, không gian mặt hồ Cấm Sơn trong xanh soi bóng núi rừng và hoa cỏ là buổi sớm mai và lúc chiều tà. Mặt hồ khi đó gợn sóng lấp lánh trong nắng sớm hay ánh tà dương, thấp thoáng vài chiếc thuyền nan khua nhẹ mái chèo, lòng lữ khách chợt nao nao một nỗi niềm bâng khuâng xa vắng…

Lòng hồ Cấm Sơn bao la cho cá tôm nhiều, vào những đêm trở trời những chiếc vó của đồng bào dân tộc nơi đây có thể bắt được vài trăm ký cá một mẻ, có con nặng đến 40-50kg. Cá tôm tươi ngon còn là yếu tố không thể thiếu khi đi du lịch Cấm Sơn.

Chính sự hoang sơ, vắng vẻ, bình dị và tĩnh lặng của miền sơn cước Cấm Sơn đã lôi cuốn ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến đây, đặc biệt là những ai ưa thích du lịch sinh thái. Khu du lịch Cấm Sơn đã và đang được đầu tư với quy mô lớn, hứa hẹn tương lai không xa sẽ là một trong những địa chỉ du lịch và nghỉ dưỡng hấp dẫn ở miền Bắc nước ta.
Lau lách ven hồ

Con thuyền nan trên mặt hồ sớm mai – Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng

Tôm hồ Cấm Sơn tươi rói vừa đánh bắt, sẵn sàng phục vụ bữa ăn của du khách

 

NGUYỄN VĂN HƯỞNG / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)