Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Giảm giá tour kích cầu du lịch: Khó vì túi tiền hay thói ích kỷ

Tạp Chí Giáo Dục

Khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh từ tháng 9/2008 (ảnh TT)

Cách đây cả tháng, nhiều DN lữ hành, khách sạn đã ngồi lại với nhau nhất trí giảm giá phòng, giá tour để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Song, đến nay, tình hình không sáng sủa hơn. Vướng mắc đã nảy sinh trong hành trình tìm tiếng nói chung để có thể đưa ra các tour du lịch giảm giá.

 

Khó vì túi tiền

 

Công ty Du lịch Hương Giang tại Hà Nội đã làm việc với một số khách sạn để giảm 50% giá hợp đồng thuê phòng từ đầu tháng 11. Trên thực tế, một số DN lữ hành và khách sạn đã bắt tay nhau để giảm giá, tự cứu lấy bản thân trong bối cảnh nguồn khách vào Việt Nam suy giảm, chứ chẳng đợi Bộ VH-TT – DL (ở đây là Tổng cục Du lịch) kêu gọi.

 

Giám đốc Kinh doanh Khách sạn Sheraton, ông Trần Mạnh Hà, cho biết, khách sạn đã "bắt tay" với một vài DN chuyên đón khách từ Hàn Quốc và Tây Âu. Ban đầu, sự hợp tác này mới chỉ là ngắn hạn (2 tháng) và thử nghiệm.

 

Kết quả, dòng khách từ các thị trường này đến Sheraton chưa có bất kỳ sự thay đổi rõ rệt nào. Tất nhiên, một phần do thời điểm giảm giá trùng với Noel và năm mới nên khách ít đi du lịch.

 

Giá vận chuyển và khách sạn là hai yếu tố quan trọng nhất góp phần làm giảm giá tour du lịch. Nhân viên kinh doanh một khách sạn nói rằng, các DN lữ hành, khách sạn từ lâu đã tự thoả thuận và có sự giảm giá ngầm với nhau. Tuy vậy, để giảm đến 30-50% như Tổng cục đề xuất thì rất khó trong bối cảnh chi phí đầu vào vẫn đội cao như hiện nay (giá điện, cước viễn thông, các loại thuế).

 

Bà Lê Thị Bích Thuỷ, Giám đốc Khách sạn Hoà Bình, cũng băn khoăn về con số trên. Mặc dù khách sạn đã chủ động giảm giá cho các DN lữ hành, nhưng giảm tới 30-50% là điều DN phải tính toán.

 

"Đây không chỉ là chuyện lỗ lãi của DN mà trong chi phí đầu vào có yếu tố tiền lương. Từ 1/1/2009, với chính sách tiền lương mới tăng 30%, chúng tôi đang rất lo lắng bởi không có nguồn quỹ nào khác để chi trả ngoài việc tạo ra lợi nhuận. Chính vì thế chúng tôi đã mất nhiều lao động giỏi", bà Thuỷ phân trần.

 

Một đại diện khách sạn 5 sao khác nói thêm, khách sạn còn có chỉ tiêu tăng trưởng của tập đoàn mẹ ở nước ngoài. Nếu giảm giá mà kinh doanh không thua lỗ thì có thể dẫn đến giải tán.

 

Trao đổi với PV, ông Trần Mạnh Hà cho rằng, cần nhìn lại toàn bộ bức tranh du lịch năm 2009 của Việt Nam. Bối cảnh thế giới tăng trưởng du lịch âm hoặc lượng khách bằng 0, Tổng cục Du lịch cần ước xem liệu có bao nhiêu khách đến Việt Nam, liệu có tăng được 5%?

 

Ông Hà lý giải, nếu khách quốc tế đến không tăng thì chính sách giảm giá không đem lại nhiều tác dụng mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu của các khách sạn.

 

Không hiểu còn vì lấn bấn thiệt hơn, lỗ lãi hay quá bận rộn mà ngoài Sheraton hầu như không có khách sạn 5 sao nào tham dự cuộc họp của Tổng cục Du lịch để triển khai các giải pháp cấp bách thu hút khách sáng 24/12, tại Hà Nội. Sau giờ giải lao, cũng chỉ còn vài khách sạn 3 sao tham dự.

 

Và vì ích kỷ!

 

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Du lịch Thái Lan ngày 22/12 khiến nhiều khách sạn, DN lữ hành Việt Nam "choáng". Thái tiếp tục tung ra chương trình "Một giá cho tất cả các điểm đến", với mức hấp dẫn chưa từng thấy từ 28/2-30/6/2009. 24 khách sạn hàng đầu cam kết một giá chỉ 2.000 bath/đêm/khách (khoảng 50 USD), gồm cả đưa đón, ăn sáng và chiêu đãi vài bữa tối.

 

Chính phủ nước này chi 10-20 triệu bath riêng cho trang web quảng bá chiến dịch siêu khuyến mãi này.

 

Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), nhắc lại sự chuyên nghiệp của Thái Lan trong việc hút khách du lịch.

 

Ngoài sự chuyên nghiệp của họ, bản thân ông cũng không hiểu là làm thế nào họ chia sẻ lợi nhuận với nhau? Theo ông, có lẽ trên hết là họ có sự chân thành và đồng thuận lớn.

 

Với Việt Nam, nhiều khi các bên đã ký hàng chục bản giao ước mà không thực hiện được. Ông Bình nhận xét, các DN trong nước khó phối kết hợp, khó thành thật với nhau, hay khôn lỏi mà không nghĩ đến cái chung, vì mục tiêu lâu dài. Chính vì thế, sự liên kết sẵn sàng bị phá bỏ.

 

Vì lẽ đó, Giám đốc Công ty du lịch Hương Giang lập luận: con số khách du lịch 2009 đến Việt Nam không quan trọng bằng việc các DN có ngồi được với nhau để "chung một ngôn ngữ, chung một hành động".

 

Ông Lưu Nhân Vinh, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội, thừa nhận, nếu các DN lữ hành, khách sạn không trung thực với nhau thì chương trình giảm giá khó mà làm được.

 

Ông kiến nghị, chiến dịch giảm giá này của Việt Nam cũng cần có tên cụ thể, có ban chỉ đạo rõ ràng. Trong số các CLB thị trường mà Tổng cục đề xuất (gồm Pháp và Tây Âu; Nhật Bản; ASEAN, Australia và New Zealand; Trung Quốc), phải có người giám sát thực hiện.

 

Cũng tránh tình trạng lữ hành chào giá rồi, đến khi đặt chỗ, khách sạn lại nói không còn, làm mất uy tín của Việt Nam. "Việc giảm giá ta cũng đã từng làm rồi nhưng chưa đồng bộ. Đợt này nếu làm không tốt sẽ không hiệu quả, thậm chí, còn có tác dụng ngược", ông Vinh lo lắng.

 

Đại diện Công ty Du lịch Hương Giang cho rằng, trong số các CLB thị trường trên, chỉ cần có sự tham gia của 5-6 DN lữ hành hàng đầu, tâm huyến, thâu tóm 60% thị trường đó. Nếu nhiều quá sẽ bị loãng.

 

Theo ông Vũ Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Indochina Charm, nên thống kê và thống nhất số lượng sản phẩm tour và mức giảm giá. Không phải DN nào cũng đàm phán được với các khách sạn để giảm giá tới 50% nếu không giao cho DN lữ hành hàng đầu, có uy tín như Vietravel, Hương Giang, Saigontourist… đảm nhiệm.

 

Các DN này ra quyết định thống nhất một mức giá, tránh tình trạng các DN mạnh ai nấy làm. Từ đó, ấn định ngày đón hành khách theo tour, đặt chỗ khách sạn, với tần suất khoảng 1-2 ngày/tháng. Các DN khác tham gia với vai trò là đại lý.

 

Một chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh sản xuất đình đốn hiện nay, Chính phủ cần có giải pháp cấp bách bởi du lịch là cứu cánh. Do vậy, việc trích 20-30 triệu USD trong gói 1 tỷ USD kích cầu cho du lịch là rất cần thiết.

 

Trước mắt, Tổng cục Du lịch kiến nghị Chính phủ giảm thuế VAT từ 10% hiện nay xuống còn 5% cho các DN lữ hành, khách sạn, vận chuyển, dịch vụ mua sắm, nhà hàng đăng ký tham gia chương trình khuyến mại; hoãn nộp phí VAT cho các khách sạn 6 tháng năm 2009.


Đồng thời, Chính phủ cần phê duyệt Quy chế quản lý phương tiện vận chuyển của khách mang vào Việt Nam du lịch; cho phép thí điểm 1 năm DN liên doanh được đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài, 1 năm người nước ngoài làm HDV tại Việt Nam; miễn thuế nhập khẩu xe 24 chỗ ngồi chở lên cho du lịch… Ngoài ra, cần hoàn thiện đề án hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách tại cửa khẩu quốc tế và giảm thuế nhập xăng dầu từ 40% xuống 20%.

 

Trong Dự thảo Chương trình Hành động của ngành du lịch nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và thúc đẩy du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch vừa quyết định lựa chọn một số DN lữ hành quốc tế lớn, xây dựng gấp các tour du lịch khuyến mại điển hình nhằm thu hút khách mạnh mẽ từ các thị trường chính của Việt Nam.

 

Thời gian khuyến mãi bắt đầu từ 1/1/2009. Trong đó, các khách sạn cam kết giảm giá 30-50% so với giá hợp đồng đã ký với các DN lữ hành từ tháng 1 đến 9/2009; hàng không giảm 30-50% giá vé cho các tour này.

 

Sau đó, Tổng cục sẽ công bố chiến dịch khuyến mãi trên toàn quốc, tổ chức quảng bá mạnh mẽ trên Internet, qua một website riêng kết nối đến trang web của các DN lữ hành, khách sạn tham gia. Tháng 3/2009 sẽ triển khai đợt 2 của chiến dịch. Đồng thời, kích cầu du lịch nội địa qua chính sách giảm giá.

 

Ngoài 5 CLB thị trường trên, tháng 3/2009, Tổng cục Du lịch sẽ thành lập tiếp các DLB thị trường Hàn Quốc, Bắc Mỹ, Nga, Australia, Đài Loan, Bắc Âu, mỗi thị trường hình thành các tour du lịch giảm giá riêng. Mỗi DN lữ hành đăng ký 1-2 tour giảm giá.

 

 

Theo VNN

Bình luận (0)