Cuối tháng 8-2005, khi Chính phủ ban hành nghị định 110 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại VN thì số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bắt đầu tăng mạnh. Chỉ riêng tại TP.HCM, đến nay đã có hơn 30 DN hoạt động.
Chi nhánh Công ty TNHH Yahgo VN (số 28-34 đường 26, P.11, Q.6, TP.HCM) đã tạm ngưng hoạt động (ảnh chụp chiều 30-12) – Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Dù giá các loại sản phẩm kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp luôn cao một cách vô lý, nhưng người dân vẫn đổ xô mua chỉ vì nhiều DN đã cố tình quảng cáo sai sự thật. Sở Công thương TP.HCM cho rằng bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị trực tiếp đến người tiêu dùng. Việc quảng cáo chủ yếu bằng phương thức truyền miệng nên có xu hướng quảng cáo vượt quá tính năng, công dụng của sản phẩm để gây nhầm lẫn và dụ dỗ, đánh lừa người mua.
Đa cấp “n” tầng
Không thể can thiệp
Một cán bộ của ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM nói thực phẩm chức năng và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác không nằm trong danh mục hàng hóa phải quản lý giá, DN được quyền định giá theo quy định. Khi đã định giá thì phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Vị này cũng cho biết giá nhiều loại thực phẩm chức năng cao ngất và vô lý nhưng không thể… can thiệp.
|
Sáng 30-12, Sở Công thương TP.HCM chủ trì cuộc họp với một số đơn vị liên quan để xem xét xử lý những vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp đối với chi nhánh Công ty TNHH thương mại Yahgo VN (28-34 đường 26, P.11, Q.6, TP.HCM).
Theo thanh tra Sở Công thương TP, trong hai năm 2008-2009 các cơ quan chức năng đã phát hiện chi nhánh Công ty Yahgo VN có vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Chi nhánh này từng bị xử phạt nhiều lần với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng, nhưng đến lần kiểm tra mới nhất (ngày 17-12) thì đoàn kiểm tra liên ngành TP vẫn phát hiện đến 14 hành vi vi phạm. Đoàn kiểm tra đã tạm đình chỉ hoạt động chi nhánh này.
Ông Nguyễn Trung Dũng – cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (văn phòng phía Nam) – cũng xác nhận năm 2008 ông đã chủ trì đoàn kiểm tra liên bộ đối với Công ty Yahgo VN tại Hà Nội và thấy nhiều vi phạm, đặc biệt là có biểu hiện bán hàng đa cấp bất chính.
Ông Trần Vinh Nhung – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – kết luận chi nhánh Công ty Yahgo VN đã vi phạm có hệ thống, liên tục, kéo dài. Trong đó có nhiều vi phạm nằm trong điều khoản cấm là quảng cáo sản phẩm hàng hóa không đúng sự thật, vi phạm về nhãn hàng hóa. Sở Công thương TP đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch – đầu tư TP xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh Công ty Yagho VN tại TP, kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) điều tra xử lý tiếp về hành vi kinh doanh đa cấp bất chính. Ông Nhung cũng đề nghị Sở Công thương TP Hà Nội kiểm tra, xem xét lại việc cấp giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Yahgo VN.
Tại cuộc họp, thanh tra Sở Công thương TP cho rằng một trong những lý do khiến giá bán của hàng hóa kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp cao là do chi trả hoa hồng cho nhà phân phối theo phương pháp nhị phân, điều này nhiều nước trên thế giới đã cấm. Một số nước có quy định khống chế phát triển số tầng phân phối đa cấp ở mức 4-5 tầng, còn ở VN chưa có quy định nên doanh nghiệp có thể phát triển đến “n” tầng.
Bán giá cao gấp 40 lần
Công ty cổ phần Kim Đô (Q.10, TP.HCM) là một trong những DN bán hàng đa cấp, kinh doanh gần 20 mặt hàng thực phẩm chức năng được nhập khẩu từ Đài Loan. Qua tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, giá nhập khẩu của những mặt hàng này rất rẻ nhưng bán với giá chênh lệch 4-40 lần. Cụ thể, trà hoa nhân sâm LT (loại 32 gói) giá nhập 15 USD, giá bán 72 USD; trà đỗ trọng giá mua 20 USD/hộp, giá bán 88 USD/hộp; bột nhân sâm (150g) giá nhập 48 USD, giá bán đến 220 USD. Một chai nước bổ 30ml có giá nhập 6,2 USD nhưng bán đến 70 USD; bột xơ tiêu hóa có giá mua 0,16 USD/hộp/15 gói, bán ra 22,5 USD; viên đậu nành có giá nhập 1,5 USD/hộp/60 viên nhưng giá bán lên đến 60 USD (gấp 40 lần)…
Không chỉ có thực phẩm chức năng bị đẩy giá trên trời, mà các sản phẩm tiêu dùng cũng được một số DN bán hàng đa cấp đẩy giá cao chót vót để có chi phí trả thưởng, hoa hồng cho người phân phối. Trong đó, chi nhánh Công ty Yahgo VN ở Q.6 là ví dụ điển hình. Cụ thể, trên tờ khai hải quan thể hiện loại áo thun lót nam (hàng Đài Loan) có giá nhập vào VN là 1,5 USD/cái (chưa VAT, nếu tính giá USD là 19.500 đồng/USD thì giá mua chưa đến 30.000 đồng), nhưng giá bán ra cho người sử dụng lên đến 1,6 triệu đồng. Loại chăn hè (Malaysia) có giá nhập 3 USD/cái nhưng giá bán lên đến 5,4 triệu đồng.
Áo lót nam, nữ (Malaysia) có giá nhập 0,86 USD/cái nhưng giá bán là 800.000 đồng. Quần lót nam, nữ (Malaysia) có giá nhập 0,46 USD/cái nhưng giá bán là 800.000 đồng. Vỏ gối (Malaysia) có giá nhập là 2,35 USD/cái nhưng giá bán là 2,9 triệu đồng… Riêng vòng đeo tay bằng đá (Đài Loan) có giá nhập là 0,8 USD/cái nhưng giá bán là 1,3 triệu đồng; còn vòng đeo cổ giá nhập là 1 USD/cái, nhưng bán với giá 4 triệu đồng!
Qua điều tra còn cho thấy công ty không hề kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp nhưng giá bán một số loại thực phẩm chức năng cũng chênh lệch 200-400% so với giá mua vào (chưa VAT).
Chẳng hạn, Công ty TNHH kinh doanh dược phẩm Lan Khuê (Q.1, TP.HCM) mua của Công ty TNHH kinh doanh xuất nhập khẩu Tianjin Tasly (Trung Quốc) một chai viên nhân sâm Rh2 chỉ có 14,23 USD/chai (277.500 đồng), nhưng giá bán ra cho người sử dụng lên tới 850.000 đồng; viên King’s (loại thực phẩm chức năng dành cho đàn ông) có giá mua là 3,6 USD/chai/6 viên (70.200 đồng) nhưng giá bán là 370.000 đồng; viên Royal Jelly Softgel có giá nhập là 2,7 USD/chai/30 viên (52.700 đồng) nhưng giá bán ra là 180.000 đồng.
Công ty CP dược phẩm Đông Phương (Q.Tân Bình, TP.HCM), dù chưa có giấy phép bán hàng đa cấp nhưng vẫn hoạt động theo phương thức này và đã bị đình chỉ hoạt động, cũng từng bán 13 loại thực phẩm chức năng (nguồn gốc từ Mỹ) có giá chênh lệch với giá mua 300-400%.
LÊ THANH HÀ / TTO
Bình luận (0)