Chỉ tay vào hàng dài xe tải chất đầy dưa hấu đang nằm trong bãi xe của Khu Kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh nói: “Những xe này đều đã xong thủ tục hải quan nhưng có đưa kịp hàng sang được Pò Chài (Trung Quốc) hay không lại phụ thuộc vào phía bên kia".
"Nếu thuận lợi, xe nằm bãi đến ngày thứ hai sẽ sang được", ông Nghĩa nói.
Năm nay, sự quái gở của thời tiết như bồi thêm một đòn nặng vào những chuyến buôn dưa hấu từ miền trong sang Trung Quốc. Nằm dài dưới cái nắng trên 30 độ C mấy ngày trời, không ít chủ hàng phải bất lực nhìn dưa hấu “khóc ròng” chín nẫu rồi chảy nước trên thùng xe.
Dưa hấu phơi nắng đến nẫu và chảy nước ở cửa khẩu Tân Thanh
Chưa đến hẹn đã ùn tắc
Những năm trước, “cái hẹn” ùn tắc xe dưa hấu đến vào hai đợt: 20 ngày trước Tết Nguyên đán và từ cuối tháng 3 dương lịch sau Tết Nguyên đán. Đó là thời điểm dưa hấu ở các tỉnh miền trong vào vụ thu hoạch, dưa ùn ùn đổ lên cửa khẩu tìm đường sang biên giới. Năm nay, mới đầu tháng 3 xe chở dưa đã lũ lượt kéo nhau về Tân Thanh chờ sang Pò Chài.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, mỗi ngày trung bình 300 xe hàng với khoảng 4.000 tấn nông sản làm thủ tục xuất hàng qua biên giới. Ông Trần Văn Nghĩa cho biết: “Trung bình mỗi ngày có khoảng 130 – 140 xe hàng sang được biên giới, con số 200 xe một ngày đối với chúng tôi là con số lý tưởng. Cách đây hai ngày, có lẽ là ngày đẹp trời, thuận buồm xuôi gió số xe xuất hàng thành công lên đến 260 xe. Nếu ngày nào cũng được vậy thì tốt quá”.
Tính ra trung bình mỗi ngày chưa đến phân nửa số xe cần xuất hàng “vượt ải” thành công, xe chưa kịp đi đành phải nằm lại. Trong khi đó, xe hàng mới cứ ùn ùn dắt nhau qua trạm Pác Luống. Xe hàng cũ chưa qua, xe hàng mới đã kéo đến chuyện ùn tắc là không thể tránh khỏi. Sức chứa của bãi xe hàng Tân Thanh cho dù đã được nâng cấp, mở rộng cũng chỉ đạt cỡ 100 xe hàng lớn nhỏ. Có thời điểm các nhân viên ở Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh phải xoay xở hết cỡ như trò chơi xếp hình mới “nhồi” được kịch kim 106 xe vào bãi. Số còn lại phải nằm xếp hàng từ cổng bãi xe ra đến đường lớn.
Vào những lúc cao điểm đoạn đường từ cổng khu kinh tế cửa khẩu xe nông sản phải xếp làm hai hàng, còn ngoài đường lớn dẫn vào, hàng xe dắt díu nhau đến gần trạm soát vé Pác Luống. Như đợt áp Tết Nguyên đán, các bác tài phải ăn chực, nằm chờ trên đường cái hai ngày trời mới vào được đến cổng khu kinh tế cửa khẩu để… đợi tiếp. Lúc ấy, dịch vụ cung cấp đồ ăn nhanh bằng quang gánh của phụ nữ địa phương lại được dịp vào mùa.
Còn hiện tại, cái nóng như thiêu như đốt thêm hành hạ các bác tài khốn khổ sau chặng đường hàng nghìn kilômét. Tài xế xe 77H0527 than vãn: “Thời gian nằm chờ không được tính thêm tiền. Trời nóng chúng tôi cũng không rời xe được bởi sểnh một lát là bị rút xăng như chơi”. Trong lúc chờ đợi, có tài vắt vẻo trên chiếc võng mắc ở đuôi xe, có nhóm lại tụ tập trên cabin đánh bài giải khuây bởi “nhanh cũng phải hôm sau mới sang đến nơi”.
Xe chở dưa hấu nằm dài ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) |
Một nghìn một quả!
Đó là mức giá chủ hàng phải ngậm đắng bán tháo ở bên kia biên giới đối với loại dưa đã xuống mã do phải xếp hàng chờ đợi trong nắng nóng. Chị Vũ Thị Nguyệt, một chủ hàng ở Lạng Sơn đã có hơn 6 năm đánh loại hàng này than thở: “Hôm nào được giá, dưa cũng chỉ bán được 1 tệ/kg, cách đây một tuần có hôm em phải bán 3 – 6 hào/kg. Đấy là với dưa đẹp, cuống còn xanh, còn dưa chín, xấu phải bán đổ đống có 1 nghìn đồng đến 2 nghìn đồng một quả”. Mức giá đó vừa được phát ra, tôi tưởng mình nghe nhầm nên phải hỏi lại chị Nguyệt
Chị giải thích: “Không bán được cũng phải quay đầu xe về, đằng nào cũng mất, vớt vát được ít nào hay ít đấy. Với cái nóng thế này, một xe dưa 30 tấn may mắn thì chỉ có 5 – 6 tấn bị hỏng. Có hôm xe dưa bị chảy nước, phải quay đầu cả xe, về Lạng Sơn bán đổ bán tháo, coi như mất trắng. Khốn khổ vì nóng, anh ạ”.
Chị giải thích: “Không bán được cũng phải quay đầu xe về, đằng nào cũng mất, vớt vát được ít nào hay ít đấy. Với cái nóng thế này, một xe dưa 30 tấn may mắn thì chỉ có 5 – 6 tấn bị hỏng. Có hôm xe dưa bị chảy nước, phải quay đầu cả xe, về Lạng Sơn bán đổ bán tháo, coi như mất trắng. Khốn khổ vì nóng, anh ạ”.
Thời gian vận chuyển dưa từ các tỉnh miền Trung ra đến Lạng Sơn mất hai ngày hai đêm, trong những ngày ùn tắc, trung bình xe hàng mất thêm ba ngày để qua được cửa khẩu. Với thời tiết như hiện nay, dưa càng nhanh hỏng, khách buôn bên kia biên giới càng được thể ép giá vì lý do còn mất vài ngày vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Xe dưa càng đổ về nhiều, giá dưa càng tụt xuống thê thảm hơn.
Nguyệt chẹp miệng tiếc rẻ: “Trước tết dưa mua từ gốc 3.000 – 4.000 đồng/kg mang sang còn bán được 3 – 3,2 tệ/kg (NDT), giờ chả biết thế nào mà lần, không khác gì đánh bạc với giời”.
Nguyệt chẹp miệng tiếc rẻ: “Trước tết dưa mua từ gốc 3.000 – 4.000 đồng/kg mang sang còn bán được 3 – 3,2 tệ/kg (NDT), giờ chả biết thế nào mà lần, không khác gì đánh bạc với giời”.
Dò hỏi mức giá mua, bán, chi phí vận chuyển, tôi làm phép tính nhanh về lợi nhuận của dân buôn dưa trong thời điểm hiện tại. Nguyệt bảo đang gom hàng từ gốc với giá 700 – 1.000 đồng/kg, vị chi một tấn dưa dao động 700 nghìn đến 1 triệu đồng. Cước vận chuyển hiện đang dao động 1 – 1,1 triệu đồng/tấn hàng. Nghĩa là 1 tấn dưa sẽ chịu 1 triệu đồng tiền hàng và 1,1 triệu đồng tiền cước vận chuyển, tổng cộng khoảng 2,2 triệu đồng. Cho là chủ hàng bán được giá 1 nhân dân tệ/kg (tỉ giá ngày 5.3 tại Lạng Sơn là 2.840 VND đổi 1 NDT), 1 tấn dưa sẽ thu về hơn 2,8 triệu đồng, “lời” khoảng 600 nghìn đồng/tấn.
Nhưng đó là cách tính trong điều kiện lý tưởng. Thực tế thời tiết và việc phải xếp hàng đã “vặt” đi một phần doanh thu đáng kể, chưa kể có thể chủ hàng còn phải chi một số chi phí lặt vặt khác. Nắng nóng như hiện nay, tỉ lệ hao hụt trung bình của một xe dưa có thể lên đến 20 – 30%, nặng thì gần như mất trắng. Bài toán lợi nhuận buộc chủ hàng phải ép giá xuống nông dân, thậm chí tài xế cũng phải chịu chung số phận, phần thiệt rõ ràng thuộc về người nông dân, chủ hàng của Việt Nam.
Chợ dưa hấu thải loại
Nhiều du khách đến Tân Thanh thời gian này không khỏi ngạc nhiên khi thấy ở cổng Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh mọc lên một cái “chợ” dưa hấu nho nhỏ. Hàng chục xe dưa hấu sau khi giao hàng bên Pò Chài về nằm tạm tại đây để giải quyết nốt hàng tồn không bán được. Tài xế xe 76K5427 làu bàu: “Không bán để cho thối xe à. Không bán thì dọc đường cũng bị người ta mót mất. Gọi là bán nhưng khác gì cho, đưa 50 nghìn rồi cứ lên xe mà nhặt”. Số tiền thu về chỉ để nhà xe ăn một bữa trưa bình dân, kèm theo điều kiện “dọn sạch dưa trên xe, kể cả quả vỡ, quả thối”. Trên xe, đám người vừa chung tiền đưa nhà xe đang lùng sục trong đống rơm để lựa những quả dưa còn sót lại.
Những quả dưa còn lành lặn được bày bán ngay trên vỉa hè. Một phụ nữ đang lấy ngón tay cái vạch chữ P lên những quả dưa tròn to để đánh dấu mời chào: “Mua dưa đi, 15 nghìn đồng một quả”. Quả dưa to như vậy, mua ở Hà Nội phải tròm trèm trăm nghìn. Những quả bị giập, không bán được vứt lăn lóc dưới đường, trên hè hoặc được đập ra ăn tại chỗ.
Chuyện ùn tắc nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh gần như là câu chuyện “đến hẹn lại lên”.
Bãi xe đã rộng hơn, thủ tục thông quan được làm nhanh chóng hơn nhưng ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc. Ông Ngọc lý giải một phần nguyên nhân: “Hầu hết các xe dưa hấu không có hợp đồng mua bán. Nghĩa là sang đến chợ Pò Chài mới tìm mối bán hàng”.
Không tìm được mối mua, xe hàng buộc phải chờ, càng chờ đợi hàng càng mất giá. Thêm nữa, xe cũ chưa về, phía bên kia hết bãi cũng không cho xe sang tiếp. Chi cục Hải quan Tân Thanh đã không ít lần khuyến cáo các chủ hàng khi tình trạng ùn tắc xuất hiện. Nhưng dường như Tân Thanh sang Pò Chài vẫn là con đường được các chủ hàng nông sản “ưa thích” để đưa hàng sang Trung Quốc. Vì thế, điệp khúc “ùn tắc, mất giá” ở cửa khẩu Tân Thanh sẽ còn tái diễn trong những vụ mùa tiếp theo.
Theo Lao Động
Bình luận (0)