Sau hai ngày họp tại Hà Nội (7 – 8/12), Hội nghị nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2010 đã kết thúc và ra thông cáo báo chí cho biết "các đối tác phát triển cam kết 7,9 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA để giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung vào các khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững".
"Hầu hết các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải cố gắng để xứng với tiềm năng của mình do chậm trong việc đạt tiến bộ đối với một loạt rào cản lâu năm ở khu vực đầu tư”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ Việt Nam (AmCham) nói.
"Việt Nam còn có "nguy cơ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, không thoát ra khỏi mô hình kinh tế dựa trên lao động rẻ và phương pháp sản xuất công nghệ thấp " – Ảnh minh họa |
Từng được đánh giá là một "con hổ châu Á" tiềm tàng hai thập kỷ trước đây, “những rào cản lâu năm” được nhiều nhà đầu tư nhận định là “có thể khiến Việt Nam bắt đầu bị tụt lại sau nhiều nước trong vùng”.
Các mối quan ngại này xuất phát từ những hiện tượng mới phát sinh của nền kinh tế Việt Nam. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến tháng 9 vừa qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã xuống đến mức chỉ còn bảo đảm được không đầy 2 tháng nhập khẩu. Dự trữ ngoại tệ thấp nằm trong một loạt các chỉ số đang đặt ra cho Việt Nam “những thách thức chính sách trước mắt”:
– Tình trạng lạm phát gia tăng: có thể sẽ lên mức hai con số trong năm nay.
– Tăng trưởng tín dụng quá cao vượt quá mục tiêu năm nay là 25%.
– Thâm hụt thương mại tăng lên mức 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn còn rất lớn (dù) ở mức dưới 7% của GDP.
– Đồng nội tệ Việt Nam bị áp lực mất giá liên tục. Trong thời gian qua, trong khi đơn vị tiền tệ của những nước khác ở Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia tăng giá cùng với mức tăng trưởng kinh tế, thì tiền đồng Việt Nam đã liên tục mất giá so với các ngoại tệ như USD, euro hay yen.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa trả lời báo chí với nhận định rằng “Không ai muốn giữ tiền đồng vì những chính sách không nhất quán của Chính phủ về tiền tệ”. Trong bối cảnh này, phục hồi sự tin cậy vào tiền đồng là rất cần thiết và là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó là tình trạng tài chính quá yếu kém của các tập đoàn nhà nước với những ví dụ điển hình là thua lỗ của Vinashin, Vinacomin. Ông Adam Sitkoff đặt vấn đề: "Nhà đầu tư đang đặt câu hỏi, tập đoàn nhà nước nào trong số tập đoàn được mở rộng quá đà sẽ sụp đổ tới đây, hoặc phải đưa nợ xấu vào bảng cân đối kế toán của họ".
Theo các nhà đầu tư nước ngoài, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ “tụt hậu”, từ cơ sở hạ tầng quá tải, lực lượng lao động thiếu trình độ, cho đến tệ nạn quan liêu…
Với tăng trưởng kinh tế bình quân vượt mức 7,1% từ năm 1990 đến năm 2009 (theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á), trong gần hai chục năm, Việt Nam đã nằm trong danh sách các nước châu Á phát triển nhanh nhất. Thế nhưng, theo các nhà quan sát, giấc mơ biến thành các “con rồng”, “con hổ” châu Á như Đài Loan, Singapore hay Hàn Quốc của Việt Nam vẫn còn xa.
Thậm chí, theo ông Matthias Duhn, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Việt Nam còn có "nguy cơ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, không thoát ra khỏi mô hình kinh tế dựa trên lao động rẻ và phương pháp sản xuất công nghệ thấp .
Eurocham ước tính Việt Nam cần từ khoảng 70 đến 80 tỷ USD đầu tư vào hệ thống đường sắt, đường bộ và cơ sở hạ tầng cảng biển trong vòng từ 5 đến 10 năm tới đây.
Bên cạnh đó, quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài là Việt Nam phải giảm hẳn vai trò các tập đoàn quốc doanh trong nền kinh tế.
Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam có thể mất tới 158 năm nữa mới bằng được Singapore về thu nhập trên đầu người; cần 95 năm để thu nhập bình quân của người dân theo kịp Thái Lan.
Với những con số so sánh như thế, Việt Nam đã từ lâu tụt hậu so với thế giới và những nước láng giềng.
Khủng hoảng kinh tế thế giới là yếu tố khách quan gây thêm khó khăn cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, những cảnh báo trên đặt trong bối cảnh chiến lược phát triển dài hạn của kinh tế Việt Nam.
Vấn đề của Việt Nam là bằng tốc độ nhanh nhất, tranh thủ mọi cơ hội để rút ngắn khoảng cách này. Vì vậy, đứng lại để sửa sai hoặc mất nhiều thời gian điều chỉnh những chính sách không đúng có nghĩa là tự đánh mất cơ hội để thoát khỏi “tụt hậu”.
ANH MINH / DNSG
Bình luận (0)