Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu điện thoại vượt qua dầu thô

Tạp Chí Giáo Dục

Xuất khẩu của ngành điện tử hiện đang tăng cao, trong đó điện thoại di động đã vượt qua dầu thô để xếp thứ hai trong danh sách 10 hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong thời gian từ ngày 1-1 đến ngày 15-4-2012 đạt trên 3 tỉ đô la Mỹ, tăng 161,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, mặt hàng này xếp thứ hai trong 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đứng sau hàng dệt may. Ngoài ra, sản phẩm này cũng xuất siêu khi kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong gần bốn tháng đầu năm nay là trên 1 tỉ đô la Mỹ.

Giới thiệu sản phẩm tivi của Samsung tại TPHCM – Ảnh: Lê Hoàng.

Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ từ ngày 1-1 đến ngày 15-4-2012, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trước đây xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện thường đạt từ 300-400 triệu đô la Mỹ/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 7 năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã tăng vọt, đạt 1,3 tỉ đô la Mỹ, và liên tiếp trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai của Việt Nam kể từ tháng 9-2011 đến nay.

Thành tích này chủ yếu nhờ Công ty Samsung tại Việt Nam. Trong một cuộc họp tổng kết tình hình xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, cho biết năm ngoái doanh nghiệp này xuất khẩu trên 6 tỉ đô la Mỹ và năm nay trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Theo đó, với đà này, Samsung có thể xuất khẩu xấp xỉ 11-12 tỉ đô la trong năm nay.

Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho biết hiện nay xuất khẩu của ngành điện tử Việt Nam đang tăng nhanh. Trong đó, Samsung chiếm ưu thế (về mặt hàng điện thoại di động), ngoài ra Intel, Cannon, Compal, Foxconn… cũng đóng góp đáng kể.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có đóng góp cho thành tích xuất khẩu trên nhưng không đáng kể, chủ yếu là gia công cho các công ty nước ngoài, với các thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan và các nước ASEAN.

Theo ông Sơn, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trong ngành điện tử hiện khá nhiều, nhưng với tiềm lực tài chính và công nghệ hạn chế nên rất khó cạnh tranh. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài hiện đóng vai trò chủ chốt trong ngành điện tử Việt Nam, chiếm khoảng 80% thị phần trong nước và 95% kim ngạch xuất khẩu.

Hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam trong ngành đang gia công, lắp ráp sản phẩm dân dụng, chủ yếu là ti vi, đầu karaoke, tủ lạnh… với hình thức nhập linh kiện và lắp ráp để cung ứng cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa, vì không cạnh tranh được với các sản phẩm của nhiều hãng nước ngoài.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nội địa trong ngành đang chuyển hướng sang nghiên cứu và phát triển những sản phẩm khác như LED, năng lượng mặt trời, gió… và tìm những cơ hội kinh doanh khác. Chính phủ cũng đang có định hướng trong việc sản xuất sản phẩm trang thiết bị y tế (sản phẩm điện tử chuyên dụng), nên sẽ tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này.

Hiện nay, tại Việt Nam có gần 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử dân dụng và chuyên dụng.

(TBKTSG Online)
 

Bình luận (0)