Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lập lờ thương hiệu – Lợi ít, hại nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

Với khí hậu mát mẻ quanh năm, thổ nhưỡng phù hợp cho các loại hoa, rau quả vùng ôn đới nên từ lâu các loại nông sản của TP Đà Lạt và vùng phụ cận như Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà nổi tiếng cả nước về chất lượng rau quả các loại, với sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Để khẳng định và giữ vững thương hiệu này, tỉnh Lâm Đồng đã đăng ký thương hiệu rau Đà Lạt và được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ chứng nhận, công bố vào cuối tháng 3-2012 tại TPHCM.

Nhưng không chỉ nổi tiếng với rau, hoa, quả các loại, Đà Lạt còn được biết đến với nhiều đặc sản được chế biến như mứt dâu tây, khoai lang dẻo, hồng khô, đào…, những sản phẩm thường được du khách mua về làm quà sau mỗi chuyến du lịch.

Mua cà rốt Đà Lạt bán tại siêu thị. Ảnh: Diễm Thy

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng từng nhận xét, Lâm Đồng là địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ cao với khoảng 2.500ha nhà kính ở Đà Lạt và vùng phụ cận, trở thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên cả nước. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên giống cây trồng sạch bệnh hơn, giúp chất lượng rau quả không chỉ tốt hơn, an toàn hơn mà còn rút ngắn thời gian trồng. Cải bó xôi là một ví dụ, nếu làm theo cách cũ cần đến 54 ngày nhưng áp dụng chuyên môn từng công đoạn, thời gian sản xuất, thu hoạch giảm xuống còn 35 ngày.

Tương tự, với hơn 2.000ha cà chua đang trồng, 100% diện tích ở đây đều sử dụng giống ghép nên sâu bệnh ít hơn, giảm thuốc trừ sâu, năng suất cao hơn và chất lượng đảm bảo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chính việc chuyên môn hóa từng công đoạn nên các cơ sở chuyên sản xuất cây giống phải cạnh tranh lẫn nhau bằng việc luôn tìm kiếm, khảo nghiệm giống mới để đáp ứng nhu cầu của nhà vườn nên chất lượng giống càng được nâng lên. Khoảng 100 cơ sở sản xuất giống trên giá thể và 43 cơ sở nuôi cấy mô là nơi cung cấp giống cho nhà vườn các nơi.

Nhờ đó, năm 2011, bình quân 1ha (trong số 40.000 ha đất trồng rau) tạo ra giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/năm, trong đó, với diện tích áp dụng nông nghiệp công nghệ cao con số này hơn 400 triệu đồng/ha/năm.

Thương hiệu và giá trị kinh tế của rau quả Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung đã được khẳng định trên thị trường và người tiêu dùng. Thế nhưng, với việc cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vừa kiểm tra 91/95 cơ sở sản xuất, chế biến và phát hiện những sai phạm về sản xuất và kinh doanh hàng đặc sản đã ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín thương hiệu rau quả Đà Lạt.

Điều đáng nói, sai phạm trong kinh doanh này phổ biến là tình trạng tráo nhãn hiệu, thay hàng từ Trung Quốc thành hàng đặc sản Đà Lạt. Gần 3 tấn mứt như khoai lang dẻo, khoai sâm, dâu tây, mơ cay, đào… kiểu này bị các cơ quan chức năng thu giữ và tiêu hủy.

Trước lo ngại về sự kém chất lượng và độc hại của nhiều loại hàng nông sản từ Trung Quốc thì thông tin này càng làm cho nhiều người không khỏi thất vọng và hoang mang. Thời gian qua, tình trạng hàng nông sản từ Trung Quốc “lập lờ” trồng tại Đà Lạt như khoai tây, cà rốt, dâu tây, bắp cải, mơ, hồng… xuất hiện tại Đà Lạt trước khi bán hay vận chuyển đi các địa phương khác đã làm người tiêu dùng mất dần sự tin tưởng thương hiệu rau quả Đà Lạt. Vì ham lợi trước mắt, không ít tư thương ở Đà Lạt lấy hàng Trung Quốc về tráo nhãn mác hoặc trộn lẫn với hàng tại chỗ để bán.

Vì vậy, việc lãnh đạo TP Đà Lạt lo ngại vấn nạn này sẽ tạo ra sự phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng cũng là điều tất nhiên. Nhưng nếu nhà quản lý và tự thân người dân tại chỗ không kịp thời chấn chỉnh hành vi gian lận thương mại thì hành động này sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc về sau. Cái lợi trước mắt không thể bù đắp nổi cái hại lâu dài khi người tiêu dùng mất dần niềm tin vào thương hiệu rau quả và các sản phẩm đặc sản Đà Lạt. Đó sẽ là điều rất đáng tiếc!

Công Phiên (SGGP)

Bình luận (0)