Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vườn dừa mẫu lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Từ tháng 8-2012 người dân xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đã tìm thấy hướng ra của cây dừa khi gia nhập “vườn dừa mẫu” giống như cây lúa ở ĐBSCL.

Người trồng dừa đã có hơn nửa năm “chết đứng” vì giá dừa chỉ còn hơn 1.000 đồng/trái nhưng không ai mua.
Nông dân trồng dừa làm thêm công việc sơ chế dừa trong mô hình vườn dừa mẫu lớn – Ảnh: Thúy Hằng
Đây là mô hình liên kết bốn “nhà” rõ rệt khi có sự tham gia đầu tư và bao tiêu của doanh nghiệp, nhà khoa học hỗ trợ về kỹ thuật trồng dừa.
Có việc làm, thu nhập tăng
"Với mô hình này, chúng tôi xem nông dân là một bộ phận trong dây chuyền chế biến các sản phẩm từ dừa xuất khẩu. Do đó, khi giá thị trường có biến động giảm thì chúng tôi cũng dễ dàng hỗ trợ nông dân để họ yên tâm trồng dừa"
Ông Trần Văn Đức (tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu dừa Bến Tre)

Mấy tháng nay ông Nguyễn Văn Tuồng (xã Châu Bình) rất phấn khởi vì bán được mấy đợt dừa với giá 42.000 đồng/chục (12 trái). Tuần trước ông vừa bán gần 300 trái dừa, nhẩm tính cũng dư tiền xoay xở trong nhà nên ông rất vui. Ông Tuồng cho biết việc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu dừa Bến Tre đặt cơ sở thu mua tại xã Châu Bình rất có lợi cho bà con ở đây. Người dân bán dừa không còn bị cảnh kỳ kèo do vườn ở xa đường đi, phải bù thêm phí vận chuyển như khi bán cho thương lái. “Nhưng điều làm tui phấn khởi nhất vẫn là chủ động giá của trái dừa. Các cơ sở phải đảm bảo mua dừa với mức giá đã thỏa thuận trong hợp đồng với các tổ liên kết trong mô hình “vườn dừa mẫu”. Còn thương lái vì sợ mất mối nên cũng không dám ép giá bà con” – ông Tuồng bộc bạch.

Đi dọc vườn dừa rộng hơn 3ha của ông Hai Nghiệp ở xã Châu Bình, ông hào hứng chỉ cho chúng tôi những cây dừa mới cho trái lứa đầu tiên. Đây là những thân dừa mới trồng lại sau cơn bão sáu năm trước. Mới hai tháng trước ông còn rầu rĩ, chán nản vì giá dừa tuột dốc. “Cây dừa là biểu tượng của tỉnh Bến Tre nhưng người dân điêu đứng, sống không nổi với cây dừa, có khi phải đốn bỏ để trồng cây khác. May là trong lúc bế tắc thì có mô hình vườn dừa mẫu lớn” – ông Hai Nghiệp nói.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Bình, cho biết ngoài việc đảm bảo ổn định giá cho nông dân, các tổ liên kết trong “vườn dừa mẫu” còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân tại địa phương. Mỗi tổ liên kết làm khâu sơ chế dừa cần hơn 50 nhân công. Hiện các tổ này đã được hình thành và bắt tay vào việc theo đặt hàng của doanh nghiệp. Tính sơ đã có gần 1.500 người dân xã Châu Bình có thêm việc làm ngoài chuyện chăm sóc vườn dừa.
Chị Nguyễn Thu Cúc, một người làm trong tổ sơ chế dừa, cho biết: “Mỗi ngày tui lột vỏ một thiên (1.000 trái), tiền công được 200.000 đồng. Nhờ công việc này nên gia đình có thêm thu nhập khá chứ trước đây chỉ trồng dừa, chờ dừa khô rồi bán nên nhà thiếu trước hụt sau”.
Nông dân tham gia chế biến dừa
Người khai sinh mô hình vườn dừa mẫu lớn là ông Nguyễn Văn Quới (phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm). Ông cho biết 90% diện tích đất nông nghiệp của huyện là đất trồng dừa. Người dân sống được, lo cho con cái ăn học hay chữa bệnh, cất nhà đều bằng tiền bán dừa. Nhưng giá dừa quá thấp thì có thể họ sẽ đốn bỏ cây dừa. “Cách tốt nhất để người dân có thể sống được với dừa là làm sao sản phẩm họ làm ra sát với giá mua của doanh nghiệp nhất, tức phải cắt bớt những khâu trung gian và quan trọng phải được doanh nghiệp bao tiêu hết” – ông Quới nói.
Qua nhiều lần thương thảo, cuối cùng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu dừa Bến Tre đồng ý tham gia làm “nhà” doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Công ty phân bón Hiệp Thanh giữ vai trò “nhà” doanh nghiệp cung ứng phân bón và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.
Theo ông Trần Văn Đức – tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu dừa Bến Tre, các nhà máy của công ty hiện cần tới 420.000 trái/ngày để chế biến. Vì vậy, nếu bao tiêu toàn bộ diện tích hơn 50.000ha của tỉnh Bến Tre cũng không đủ. Trước đây chỉ mua qua thương lái, nay có mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ quy mô lớn đầu tiên hơn 1.000ha nên công ty rất mừng và tham gia bao tiêu ngay. Cách này sẽ giúp công ty có nguồn nguyên liệu lớn, ổn định và được sơ chế, bóc vỏ lấy cơm dừa tại chỗ để chuyển về nhà máy không phải qua trung gian. Cả nông dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.
Có đủ “nhà”, huyện Giồng Trôm đã chọn xã Châu Bình làm điểm xây dựng mô hình vườn dừa mẫu lớn. Chỉ trong vòng một tuần vận động, đã có 1.755 hộ nông dân có vườn dừa cho trái ổn định đồng ý gia nhập mô hình mới mẻ này với tổng diện tích lên đến 1.195ha, tức 100% diện tích dừa cho trái nằm trong “vườn dừa mẫu lớn”. Ký kết xong, địa phương tổ chức cho nông dân tập huấn kỹ thuật và cách thức tham gia làm ăn lớn với doanh nghiệp.
Ông Hồ Vĩnh Sang, chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, cho biết mô hình liên kết bốn “nhà” ở Châu Bình dù lần đầu làm nhưng khá chặt chẽ. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu dừa Bến Tre tổ chức các điểm mua, chế biến thành nguyên liệu thô ngay các vườn dừa của nông dân. Do vậy, nông dân không chỉ bán dừa trái mà còn tham gia các công việc khác như lột vỏ dừa, tách trái dừa, nạo lấy cơm dừa, đánh tơi vỏ dừa để làm chỉ xơ dừa… “Người trồng dừa được trực tiếp tham gia vào công đoạn sản xuất, chế biến dừa và thương lượng, quyết định giá bán với doanh nghiệp” – ông Sang nói.
Sẽ nhân rộng mô hình
Theo ông Trần Vĩnh Sang – chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, từ thành công bước đầu của vườn dừa mẫu lớn ở xã Châu Bình, hiệp hội và chính quyền địa phương tiếp tục thành lập thêm hai mô hình ở xã Minh Đức (huyện Mỏ Cày Nam) và xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc). Ông Sang nói: “Hi vọng trong năm 2013 toàn bộ các vùng trồng dừa lớn sẽ hình thành mối liên kết bốn “nhà” như ở Châu Bình. Lúc đó sẽ không còn chuyện tranh mua tranh bán như trước. Doanh nghiệp yên tâm có nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu, còn nông dân yên tâm bán được sản phẩm, có việc làm thêm để tăng thu nhập.
SƠN LÂM – THÚY HẰNG
Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)