Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Chuẩn” đi một đường, khách đi một nẻo

Tạp Chí Giáo Dục

Theo số liệu của sở Công thương, TP.HCM có 243 chợ, 163 siêu thị, 26 trung tâm thương mại, 360 cửa hàng tiện ích, chưa kể hàng trăm ngàn cửa hàng mua sắm khác. Năm năm qua (2008 – 2012) chương trình dịch vụ đạt chuẩn du lịch chỉ giới thiệu được với du khách 63 điểm mua sắm đạt chuẩn.

Con số này là quá nhỏ bé và e rằng không khỏi làm cho du khách nghi ngại về một thành phố trung tâm thương mại, dịch vụ lớn nhất Việt Nam. Phải chăng TP.HCM chỉ có từng ấy nơi mua sắm có thể làm hài lòng du khách, như công bố tại hội nghị tổng kết năm năm chương trình Dịch vụ đạt chuẩn du lịch của TP.HCM ngày 4.4.2013?
Nhiều cơ sở kinh doanh chẳng màng đến việc được công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch bởi chỉ thấy đủ loại thủ tục, không thấy có quyền lợi gì khi tham gia chương trình. 
TP.HCM thực hiện chương trình “Dịch vụ du lịch đạt chuẩn”, trong đó có xét công nhận những điểm mua sắm đạt chuẩn từ năm 2004. Sau đó, năm 2005, Chính phủ ban hành luật Du lịch đã đưa chương trình này vào áp dụng cho toàn quốc. Nhìn lại năm năm gần đây, năm 2008 TP.HCM có 57 điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đến năm 2011 lên được 71 điểm, rồi năm 2012 còn 63 điểm. Vì sao con số đã quá ít ỏi lại còn giảm? Một số nguyên nhân nêu trong báo cáo tổng kết đáng để suy nghĩ.
Thứ nhất, bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh có quy mô lớn, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc hàng hoá, phù hợp tiêu chuẩn công nhận thì còn có hàng trăm điểm bán hàng có diện tích nhỏ, mang tính gia đình, giá hàng hoá phù hợp với đại đa số du khách trung lưu, tuy nhiên không đủ điều kiện để tham gia chương trình (ví dụ diện tích kinh doanh không đạt từ 50m2 trở lên, nhân viên lao động phải có ngoại ngữ, người bán hàng phải có bằng cấp; phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không có tệ nạn xã hội; phải có chỗ dừng đậu xe cho xe 50 – 60 chỗ…)
Thứ hai, một số cửa hàng thời trang có thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam, quy mô kinh doanh lớn, địa điểm kinh doanh dễ tiếp cận với du khách (Việt Tiến, An Phước, Sanding, Sifa, Mattana, Nem, tơ tằm Toàn Thịnh…) chưa quan tâm đến chương trình do doanh nghiệp đã có chính sách quảng bá riêng cho toàn hệ thống của họ trên toàn quốc.
Thứ ba, nhiều cơ sở kinh doanh e ngại thủ tục hành chính, báo cáo định kỳ, có những nơi đạt tiêu chuẩn vì phù hợp các điều kiện xét chọn nhưng địa điểm lại không phù hợp lắm với khách du lịch, ví dụ các siêu thị, trung tâm thương mại ở quá xa trung tâm thành phố.
Một nghịch lý là thương xá hay trung tâm thương mại cho thương nhân thuê lại mặt bằng kinh doanh, có thể cùng một diện tích mặt bằng kinh doanh, có khi chỉ 30 – 40m2, thậm chí chỉ cần bày hàng trong một tủ kiếng nhỏ, nhưng nếu thương nhân thuê trong trung tâm thương mại được công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch thì nghiễm nhiên cũng được xem là đạt chuẩn. Còn thương nhân thuê nhà riêng trên các đường phố được rất nhiều khách du lịch biết vì hàng đẹp, tốt, giá phải chăng và được tín nhiệm thời gian dài vẫn không được công nhận.
Chợ cũng nên được xem xét. Du khách nước ngoài đến TP.HCM đều thấy thú vị khi mua sắm tại các chợ truyền thống, vì ở những nơi này họ có thể tìm hiểu thêm về văn hoá địa phương thông qua sự giao lưu, tiếp xúc với người bán hàng. Tiểu thương chợ Bến Thành cho biết một năm họ chỉ có một ngày nghỉ là mùng 1 tết vì không thể bỏ khách du lịch. Trong hai năm gần đây, nền kinh tế gặp khó khăn, doanh số thương mại, dịch vụ nhiều nơi ở TP.HCM cũng sụt giảm, nhiều chợ ế ẩm, nhưng tiểu thương chợ Bến Thành cho biết vẫn duy trì doanh số ổn định. Ngay tháng 4 được xem là tháng gần cuối mùa du khách nước ngoài, vào chợ Bến Thành vẫn thấy nhộn nhịp mua bán. Vậy mà, ngôi chợ chuyên phục vụ khách du lịch này lại chẳng nằm trong danh sách các điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn, vì không có trong mô hình được xét công nhận.
Nhiều cơ sở kinh doanh chẳng màng đến việc được công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch bởi chỉ thấy đủ loại thủ tục, không thấy có quyền lợi gì khi tham gia chương trình, khi mà du khách vào đến TP.HCM rồi cũng không tìm đâu ra danh sách những cửa hàng đạt tiêu chuẩn.
Rốt cuộc muốn có khách, cửa hàng phải “nhờ” hướng dẫn viên đưa khách đến, gây tình trạng khách mua sắm chịu giá cao để hướng dẫn viên hưởng hoa hồng!
 Theo Các Ngọc
SGTT.VN

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)