Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Ra Ba Hòn Đầm lội biển

Tạp Chí Giáo Dục

Không được như vịnh Hạ Long nổi tiếng năm châu, nhưng quần đảo Bà Lụa ở vùng biển tây nam cũng được thiên hạ ví von, gọi là “Tiểu Hạ Long phương Nam” vì quần đảo nầy cũng có vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng không kém.

Hòn Đầm Đước và một góc hòn Đầm Dương (bên trái). Hòn Đầm Giếng bị khuất sau hòn Đầm Dương.

Cột mốc chủ quyền đặt trên Hòn Heo (xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) ghi: “Quần đảo Bà Lụa gồm các đảo sau đây: Hòn Một, Hòn Lóc Cóc, Hòn Bà Lụa, Hòn Heo, Hòn Nứa, Hòn Đội Trưởng, Hòn Ré Nhỏ, Hòn Ré Lớn, Hòn Nhum 1, Hòn Nhum 2, Hòn Nhum 3, Hòn Mâm Xôi, Hòn Vọng, Hòn Xớ Rớ, Hòn Đầm, Hòn Chén, Hòn Lam, Hòn Sơn Thuê Nhỏ, Hòn Dựng, Hòn Minh Huê (T’ Kere), Hòn Sơn (Ile L’Omot)”. Tuy nhiên, thực tế quần đảo Bà Lụa có đến hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ. Xã Sơn Hải ngày nay có 2 ấp, là Hòn Heo và Hòn Ngang. Ba Hòn Đầm thuộc ấp Hòn Ngang, là nơi xa bờ nhất.

Hòn Đầm Đước.

Để đến Ba Hòn Đầm có nhiều cách. Ít tốn kém là chạy xe gắn máy tới thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) gởi xe tại một nhà nghỉ nào đó (10.000 đồng/chiếc, gởi bao nhiêu ngày cũng một giá). Mỗi ngày, tại bến tàu Ba Hòn có hai chuyến tàu ra Hòn Heo (cách bờ khoảng 10km): tàu cây chạy lúc 11 giờ, giá vé 25.000 đồng/khách; tàu cao tốc chạy lúc 16 giờ 30, giá vé 35.000 đồng/khách. Chuyến về, từ Hòn Heo về Ba Hòn, tàu cây chạy lúc 6 giờ, tàu cao tốc chạy lúc 14 giờ 30. Thời gian: tàu gỗ chạy một tiếng, tàu cao tốc chạy nửa tiếng.

Cách thứ hai, từ Hòn Heo, mướn tàu cá (ngang 2,2m, dài 7,5m, tải trọng 2,5 tấn) đi qua Ba Hòn Đầm, 700.000 đồng/khứ hồi. Tàu chạy khoảng 40 phút tới Hòn Đầm Dương, là một trong Ba Hòn Đầm. Khoảng đường biển nầy lặng gió, chỉ có những con sóng nhẹ gợn. Đã nhất là nhìn những chú cá heo phóng theo hai bên mạn tàu như muốn đua. Nhưng cách đi ít tốn tiền nhất là đến Bình An (Kiên Lương) mướn tàu cá ra Ba Hòn Đầm, mỗi người chỉ tốn khoảng 30.000 đồng/chuyến.

Ba Hòn Đầm gồm: Hòn Đầm Đước, Hòn Đầm Dương và Hòn Đầm Giếng. Ba hòn nầy nằm theo hình tam giác, thoi loi giữa biển, trong vịnh Hà Tiên.

Chủ Hòn Đầm Đước là ông Phạm Văn Mực, hiện là trưởng ấp Hòn Ngang, nên người xã Sơn Hải đều gọi hòn nầy là Đầm Ông Mực. Người ta gọi Hòn Đầm Đước vì mấy cái đầm trên hòn có cây mắm, nhiều nhất là cây đước mọc. Đây là nơi khách du lịch xăn ống quần tìm bắt hải sản “phụ thêm” cho bữa tiệc dã ngoại của mình. Hòn Đầm Đước rộng 12 hecta, là nơi được khai thác du lịch tương đối bài bản.

Thư giãn dưới bóng cây ăn trái trên hòn Đầm Dương.

Hòn Đầm Đước có nhiều chòi tre lá cất dài theo bờ biển tràn đầy những sỏi là sỏi. Trong các chòi giăng nhiều võng để du khách thảnh thơi nằm đón gió biển tư bề thổi, thư giãn ngắm cảnh biển biếc mây xanh. Mùa khô, cảnh Hòn Đầm Đước “hoang tàn” với những cây bàng, cây phương trợ trụi nhánh cành nơi bờ biển. Thích nhất là nhìn những búp lá non xanh ngọt vừa nhú ra đầu cành bàng. Còn phượng vĩ thì nở bông đỏ thắm như nung thêm cái nắng càng oi ả. Vậy mà vô trong mấy cái đầm trong hòn, những cây mắm, cây đước mọc xanh um, làm mát cả một vùng rộng lớn.

Con trai ông Mực là anh Phạm Tô Hiền cho biết, điểm nầy tổ chức du lịch đầu tiên vào năm 2007. Điểm có hai tàu du lịch hiệu Thủy Tài, chở tối đa khoảng 40 người/chuyến. Giá tàu từ cống Bình An (Kiên Lương) khứ hồi: 2,7 triệu đồng/20 người; 3,4 triệu đồng/trên 20 người; 100.000 đồng/người/trên 40 người. Nghĩa là càng đi đông giá tiền càng rẻ cho 1 người. Nghỉ đêm 200.000 đồng/chòi (trải chiếu, giăng mùng). Nếu đem lều ra thì tự chọn chỗ căng lều ngủ, không tốn tiền. Khách đi mò sò, nghêu đem lên nướng. Tắm nước ngọt 10.000 đồng/người. Đến bữa, du khách có thể đặt cơm món, giá bữa ăn hải sản tươi rói hấp dẫn hơn bất kỳ nhà hàng nào ở các đô thị: 30.000 đồng/kg gạo nấu thành cơm. Cá bớp 300.000 đồng/kg. Cá mú 350.000 đồng/kg. Cá bớp, cá mú nuôi lồng bè, giá tiền đã tính luôn khi thành món, gồm cả các loại rau ăn kèm.

Tuy nhiên Hòn Đầm Dương là nơi có bãi cát đẹp nhất Ba Hòn Đầm và còn đậm nét hoang sơ. Thú vị của Hòn Đầm Dương là từ Hòn Đầm Đước phải lội bộ trong cái đầm giữa biển. Từ Hòn Đầm Đước lội qua Hòn Đầm Dương khoảng chừng 300 mét nhưng nhìn thăm thẳm xa với mặt nước biển xanh rờn không một gợn sóng. Lội bộ qua biển là một trải nghiệm khá mạo hiểm, vừa có cảm giác sợ hãi vừa tò mò, không bao giờ có trong bất cứ chuyến du lịch nào ngoài nơi nầy.

Từ Hòn Đầm Đước có thể lội bộ đi qua hòn Đầm Dương.

Chủ hòn hướng dẫn cách băng qua đầm biển: “Cứ thấy chỗ nào trăng trắng thì bước qua”. Chỗ trăng trắng là lòng biển với nền cát cùng những hòn sỏi nhỏ. Chủ hòn đi trước cho khách lội theo, vậy mà cảm giác sợ hãi vẫn có khi băng qua mấy chỗ mọc đầy tảo biển, còn gọi hẹ nước. Bước chân đùa nước biển làm đám hẹ nước xanh thẫm lắt lay, vừa thích thú nhưng cũng vừa nhờn nhợn sợ trợt té. Qua được vụng biển rồi, thở phào nhẹ nhõm, vì, may quá không bị con gì… cắn.

Hòn Đầm Dương rộng 60.000 mét vuông. “Bà chúa hòn” là Tăng Thị Tuyết Mai. Ông Phạm Nguyên Đài, 61 tuổi, chồng bà Tuyết Mai, cho biết diện tích đất bà Tuyết Mai đứng tên làm chủ chỉ có 17.000 mét vuông, phần còn lại, từ 20 mét trở lên đỉnh thuộc nhà nước. Phần đất bên chân núi được ông Đài trồng sa pô chê, nhãn, xoài, mít, dừa… Ngó quanh chỉ thấy một cây dương trơ trọi. Ông Đài cười bảo: “Nghe người ta gọi Hòn Đầm Dương, không biết lai lịch ra sao nên tôi trồng một cây dương làm… kiểu”. Chính nhờ trồng nhiều cây ăn trái nên khu vực kinh doanh của ông Đài lúc nào cũng mát mẻ, tạo cảm giác “đảo vườn”. Đặc biệt, trong khi Hòn Đầm Đước nhiều sỏi sạn thì Hòn Đầm Dương toàn cát, mặt nền luôn được quét tước sạch sẽ.

Bãi cát trên hòn Đầm Dương.

Hòn Đầm Dương hoạt động năm 2006, nơi duy nhất Ba Hòn Đầm có bãi cát rộng trực thăng đáp xuống được. Khách đất liền ra, điện có tàu vào đón, bất cứ tại bãi nào, từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/chuyến/khứ hồi, tùy theo số khách, khoảng cách. Khách nghỉ đêm (có khoảng 70 – 80 bộ mùng mền chiếu gối) không lấy tiền, chỉ tính tiền điện (chạy máy suốt đêm).

Ăn cũng giống bên Hòn Đầm Đước, là cá bớp và cá mú. Cá bớp là loài cá sống trên các bãi bùn và cát thuộc vùng triều. Trước đây sản lượng cá bớp có trên thị trường khai thác trong tự nhiên, gần đây đã cạn kiệt nên người ta nuôi lồng bè. Cá bớp được chế biến thành các món như canh chua, nấu ngót hoặc kho thịt ba rọi. Riêng cá mú thuộc về bộ cá vược, còn gọi cá song, là loại cá được ưa chuộng hàng đầu trong vô số loại cá biển. Cá mú càng lớn thịt càng thơm, càng dai, càng ngọt. Mỗi bộ phận của cá đều có thể chế biến thành những món ăn rất riêng. Đầu cá nấu lẩu, nấu canh chua, nấu ngót hoặc hầm tàu hủ đều cho ta sự khoái khẩu. Thịt cá nấu cháo rất ngon; đuôi cá chiên giòn hoặc xào khóm, ớt chuông, củ hành… Da cá và ruột cá làm gỏi hoặc xào rau củ hết ý cái sự giòn giòn, xừn xựt không loài cá nào có được. Nhìn chung, cá mú không bỏ bộ phận nào.

Bình minh trên biển.

Theo ông Đài, gọi Ba Hòn Đầm là vì thời Pháp thuộc, sĩ quan cao cấp người Pháp thường chở vợ con ra đây bằng máy bay để thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình, hoang sơ và an bình nơi đây. Nhưng cũng có thuyết cho rằng Ba Hòn Đầm là ba hòn đảo nằm tạo hình tam giác, từ hòn nầy sang hòn nọ phải qua một cái đầm biển. Chính vì vậy mà người địa phương gắn thêm chữ “đầm” vào giữa tên của ba hòn nầy.

Dù sao, đến Ba Hòn Đầm nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi cũng là kỷ niệm nhớ đời của bất cứ ai. Bởi, đến đây bạn sẽ thả hồn vào mây trời sắc nước, chiều và sáng ngắm cảnh mặt trời mọc và lặn trên biển, đẹp mê hồn. Lại dầm chân vụng biển tìm bắt hải sản, chế biến món ăn thỏa mãn cái thần khẩu. Phong cảnh hữu tình, cá tươi, nhất là cảm giác “mạo hiểm” khi lội qua đầm biển sẽ lưu lại tâm khảm lâu dài.

(TBKTSG Online)

Bình luận (0)