Những ngày này, lớp cháu con của nghĩa binh “Bình Tây Đại tướng” lại tụ về để tưởng nhớ cách đây 150 năm (20-8-1864 – 20-8-2014) Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết.
Sống mãi trong lòng dân
Khu Di tích Quốc gia Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở xã Gia Thuận (Gò Công Đông, Tiền Giang) người xe nhộn nhịp, trầm mặc khói nhang. Ông Đoàn Văn Kiến, Trưởng ban phụng sự, niềm nở cho biết, phần lễ năm nay không thay đổi nhưng phần hội tưng bừng, hoành tráng hơn nhiều. Từ ngày 17-8 đã diễn ra rất nhiều hoạt động như lễ tưởng niệm, họp mặt ôn truyền thống Anh hùng dân tộc Trương Định; khai mạc hội trại nông dân; chưng mâm ngũ quả; liên hoan đờn ca tài tử; khám và phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách và hộ nghèo… Ngày 20-8 còn đón các đoàn đại biểu của trung ương và các địa phương đến viếng.
Tượng đài Anh hùng dân tộc Trương Định ở Gò Công, Tiền Giang.
“Cả vùng đất này là do cụ Trương Định mộ dân khai phá và cũng là nơi cụ đặt đại bản doanh. Từ đây, nghĩa binh do cụ chỉ huy có thể vượt sông Soài Rạp sang Lý Nhơn (TPHCM nay) hay tỏa khắp Đồng Tháp Mười, tràn xuống vùng Thất Sơn – Bảy Núi liên kết kháng Pháp. Gò Công khi đó chỗ nào cũng là rừng. Đám lá tối trời ngày xưa rộng lắm nay còn khoảng hơn 60ha thuộc ấp 1 – 2 xã Gia Thuận và ấp 2 – 3 xã Tân Phước, giờ là màu xanh của rừng phòng hộ” – ông Kiến kể. Những ngày này, con cháu của “dân ấp dân lân” lại tụ về những địa danh oai hùng dưới cờ “Bình Tây Đại Nguyên soái” như chiến lũy Pháo Đài (Phú Tân – Tân Phú Đông); Ao Dinh (Tân Phước – Gò Công Đông), nơi cụ tuẫn tiết; Vàm Láng, đám lá tối trời… để tưởng nhớ một con người hết mình vì nước, “Trước làm nghĩa, sau cũng làm nghĩa… Sống cho danh, thác cũng có danh” (Hịch Quản Định).
Tại thị xã Gò Công, lễ giỗ thứ 150 năm được tổ chức trang trọng trong 2 ngày 19 và 20-8 tại tượng đài, mộ và đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định. Khu vực đền thờ cụ nằm trên đường Phan Đình Phùng, ngoài phần mộ còn có quyển sách gỗ độc bản viết về thân thế, sự nghiệp bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp được tổ chức kỷ lục Việt Nam tôn vinh giá trị. “Sơn hà phu chánh khí/Nhật nguyệt chiếu đơn tâm”, hai câu đối trước cửa Đền thờ có từ rất lâu rồi; “khi tôi vẫn còn cắp sách đi học”, nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Kim, hơn 50 tuổi, nói vậy. “Đền thờ vừa được đầu tư hơn 1 tỷ đồng để sơn lại mộ, nhà trưng bày, lát sân… Từ ngày 12-8 dân các nơi đã về. Vào ngày chính có cả ngàn người ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau… đổ về. Đền thờ xuất gạo, thức ăn phục vụ bà con” – ông Nguyễn Ngọc Chiến, 78 tuổi, Trưởng ban tế lễ đền thờ, chia sẻ.
Một câu Phục thái còn đây
Từ Mỹ Tho chạy về thị xã Gò Công là quốc lộ 50 pha0úng lỳ, rộng rãi. Hai bên con đường tráng nhựa rẽ vô xã Gia Thuận là những căn nhà ngói, trường học khá bề thế, đường điện len lỏi vô từng xóm nhỏ. Tuy gần biển nhưng thu nhập chính của người dân Gia Thuận lại là ruộng. Nhờ hệ thống thủy lợi, đê bao khép kín triển khai khá sớm nên việc ngăn mặn, rửa phèn, dẫn nước ngọt phục vụ nông nghiệp khá hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thuận Lê Văn Hải cho biết, dù vụ hè thu năm nay sản lượng (4 – 4,5 tấn/ha) thấp do thời tiết khắc nghiệt nhưng bình quân hàng năm mỗi hécta tăng từ 300 – 500kg. Lúa vụ 3 có từ năm 1992, hiện trồng toàn giống lúa thơm OM4906, Nàng Hoa… Phong trào nuôi trồng thủy sản, rau màu cũng phát triển khá mạnh.
Gò Công vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do nhiều yếu tố. Người tại chỗ hay nhắc đến “thế kẹt” sát biển. Chỉ cách TPHCM khoảng 58km đường chim bay nhưng muốn lên thành phố phải qua phà Mỹ Lợi của sông Soài Rạp mênh mông, ghé qua Cần Đước (Long An) nếu không muốn đi ngược lên TP Mỹ Tho rồi ra quốc lộ 1 đón xe. “Cây cầu Mỹ Lợi với 4 làn xe cơ giới hoàn thành (dự kiến tháng 8-2015) nối thẳng phía Nam TPHCM là điều mong ước lâu nay” – anh Nguyễn Kim nhấn mạnh. Khi đó, vùng đất ven biển mùa mưa ngập úng, mùa nắng khô hạn, nước mặn xâm nhập thâm niên này sẽ thành một khu vực phát triển năng động với công nghiệp hóa dầu, dịch vụ du lịch biển, bến cảng, kho bãi, khu đô thị mới… Hàng ngàn hécta đất ở các địa phương ven biển quanh năm nghèo khó như Tân Thành, Vàm Láng, Gia Thuận, Bình Đông, Bình Xuân… được các nhà đầu tư trong, ngoài nước ngắm nghía, đăng ký thuê.
“Xưa còn làm tướng, dốc rạng dồi hai chữ “Bình Tây”; Nay thác theo thần, xin dâng hộ một câu Phục Thái” (Văn tế Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu). “Phục Thái” sẽ mang lại sự an bình, thịnh vượng cho muôn dân. Ước mơ người xưa, khát vọng thời nay của con cháu nghĩa binh “Bình Tây Đại tướng”. Một câu Phục Thái còn đây.
VŨ THỐNG NHẤT
(SGGP)
Bình luận (0)