Người Hà Lan nổi tiếng với quyết định hình thành bảo tàng mở lưu giữ các giá trị truyền thống tại ngôi làng Zaanse Schans.
Ảnh: G.Hoàng
Không chỉ có hoa tulip, cối xay gió, đôi guốc gỗ và phó mát đã làm nên một Hà Lan thú vị trong mắt du khách.
Bảo tàng mở
Zaanse Schans là một ngôi làng nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố Zaandam, cách Amsterdam chừng nửa giờ đi xe buýt.
Người ta kể rằng vào những năm 1960, người dân vùng sông Zaan đã đấu tranh với chính quyền nhằm giữ lại những di tích cổ sắp bị phá hủy trước kế hoạch xây dựng mới thành phố. Kết quả là hàng chục ngôi nhà cổ trong vùng sông Zaan được chuyển tới ngôi làng Zaanse Schans để bảo tồn.
Tiếp sau đó, một bảo tàng được xây dựng nên chính tại nơi mà trong thế kỷ 16 người dân địa phương đã cùng với quân đội xây một hào nước để ngăn bước quân thù.
Điểm đặc biệt là bảo tàng này là một bảo tàng mở gồm những ngôi nhà và cối xay gió cổ nằm ngoài trời, tất cả đều được sơn màu xanh lá cây, ngoài ra còn có những hoạt động sinh hoạt truyền thống khác nhằm lưu giữ và trưng bày cho du khách những di tích lịch sử vùng sông Zaan với các hiện vật liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt và quá trình công nghiệp hóa của đất nước Hà Lan.
Đến bảo tàng mở, du khách như lạc vào khung cảnh thôn quê của vùng sông Zaan cách đây nhiều thế kỷ. Đường mòn hai bên đầy hoa dại, những cây cầu gỗ, ngôi nhà cổ màu xanh lá cây có kiến trúc đặc trưng của vùng sông Zaan nằm san sát nhau soi mình bên dòng nước.
Chen giữa khung cảnh ấy là những đàn bò và cừu thong dong gặm cỏ làm nổi bật cảnh làng quê truyền thống của đất nước Hà Lan. Tất nhiên không thể thiếu những chiếc cối xay gió in hình trên nền trời đẹp như bức tranh.
Thong dong đạp xe trên đường làng – Ảnh: L.N.M
Giới thiệu kỹ thuật làm guốc gỗ – Ảnh: L.N.M.
Từ cối xay gió đến đôi guốc gỗ
Ở đây, cối xay gió được mở cửa tự do để khách du lịch tìm hiểu. Cấu trúc bên trong của cối xay gió quả thật rất phức tạp, đủ để thấy người Hà Lan phải kỳ công thế nào khi chế tạo ra chúng.
Nhìn những chiếc ròng rọc quay, cỗ máy bên trong hoạt động không ngừng, tôi mới biết những chiếc cối xay gió này vẫn hoạt động bình thường chứ không phải chỉ để… làm cảnh.
Người Hà Lan tự hào về những công trình mà họ làm được, trong đó có việc sáng tạo ra những chiếc cối xay gió thông minh. Cối xay gió được coi là trợ thủ đắc lực của người Hà Lan trong cuộc đấu tranh cam go để gây dựng nên một quốc gia vững chãi giữa vùng đất lầy lội có địa hình thấp hơn mực nước biển.
Tới thế kỷ 16 cối xay gió đã giúp vùng sông Zaan phát triển công nghiệp, mở ra một trang sử mới của vùng đất này và cũng góp sức trong việc đưa Hà Lan đạt đến thời hoàng kim trong thế kỷ 17.
Đi qua những chiếc cối xay gió sơn màu xanh biếc, du khách sẽ lạc vào thế giới của guốc gỗ. Guốc gỗ được coi là một trong những biểu tượng của Hà Lan, đi cùng với bộ trang phục truyền thống váy nhiều tầng hoặc quần ống rộng.
Hà Lan là nước thấp hơn mực nước biển, mùa đông giá rét và độ ẩm cao, ngày xưa nông dân không thể mua nổi giày vải đã nảy ra ý tưởng khoét rộng miếng gỗ, tạo thành một chiếc guốc chắc chắn có mũi vểnh lên như mũi thuyền.
Trong lòng guốc thêm rơm sẽ giúp bàn chân vừa êm vừa ấm áp. Ở nhiều gia đình nông dân Hà Lan ngày nay vẫn có những giá để guốc gỗ ngoài cửa.
Làm duyên trước chiếc guốc gỗ khổng lồ ngay lối vào làng – Ảnh: L.N.M
Nghề làm guốc cũng được coi là một nghề thủ công truyền thống của vùng sông Zaan. Bảo tàng guốc gỗ Zaanse Schans sở hữu một bộ sưu tập guốc gỗ rất độc đáo với đủ kiểu, đủ màu bày từ ngoài cửa đến bên trong gian bảo tàng.
Tại đó, một thợ thủ công trực tiếp làm ra những chiếc guốc gỗ cho du khách chiêm ngưỡng. Guốc gỗ ban đầu để mộc, sau đó được sơn, vẽ hay khắc hoa văn để tăng giá trị thẩm mỹ. Đôi guốc khắc hoa văn đi vào phong tục tập quán cổ của Hà Lan khi được chú rể chọn làm quà tặng cô dâu.
Có đám cưới còn tặng guốc cho những người đến dự. Guốc gỗ còn đi vào văn hóa bằng điệu múa truyền thống Klompendanskunst. Khi múa điệu này, vũ công phải mang guốc gỗ tạo tiếng lốc cốc bằng cách đập hai chiếc guốc vào nhau và đập guốc xuống sàn.
Tôi cài lại áo khoác và rời ngôi làng Zaanse Schans giữa những cơn gió lộng của một ngày cuối thu. Trời có nắng nhưng cái lạnh vẫn thấm vào da thịt.
Khi chuyến xe buýt đã rời xa ngôi làng nhỏ để trở về với phố thị Amsterdam, chợt nghĩ miên man về du lịch trên quê hương mình, tôi thấy lo lắng trước ý tưởng xây dựng cáp treo ở Sơn Đoòng (Quảng Bình).
G.HOÀNG
(TTO)
Bình luận (0)