Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Viết ứng dụng Việt, dễ làm khó bán

Tạp Chí Giáo Dục

Khi nhóm thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng (gần đây có thêm tivi thông minh) gia tăng số người dùng, số lượng ứng dụng Việt trên các kho như Google Play, Appstore, Apple Store tăng chóng mặt. Hiện đã có cả chục ngàn ứng dụng, nhưng số kiếm được tiền chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số các ứng dụng đó.

Gần đây tivi thông minh cùng với điện thoại thông minh, máy tính bảng tạo điều kiện rộng mở cho các ứng dụng Việt. Ảnh: Minh Phúc
Đó là thông tin do ông Đỗ Tuấn Anh, giám đốc công ty Appota, chuyên hỗ trợ đưa ứng dụng lên các kho cung cấp. Ông Đỗ Tuấn Anh cho biết, năm 2012, Appota đã đưa khoảng 3.000 ứng dụng lên mạng, còn sáu tháng đầu năm 2013 cũng đã có khoảng 2.000 ứng dụng.
Chi phí sản xuất một ứng dụng tuỳ thuộc mức độ và chất lượng. Ông Hoàng Quốc Tuấn, phó giám đốc kinh doanh công ty Mecorp cho biết, phòng viết ứng dụng của Mecorp có 30 người, mỗi tháng viết được 3 – 4 ứng dụng. Căn cứ vào mức lương của phòng viết ứng dụng, ông Tuấn nhẩm tính chi phí sản xuất một ứng dụng dao động từ 100 – 120 triệu đồng. “Ứng dụng của Mecorp là game dành cho điện thoại di động và máy tính bảng nên quy trình sản xuất có những yêu cầu cao cấp. Vì lẽ đó mà chi phí sản xuất cao. Còn những ứng dụng khác sẽ có chi phí thấp hơn”, ông Tuấn giải thích.
Với Nguyễn Long, hiện là sinh viên năm thứ nhất của đại học RMIT, chi phí sản xuất một ứng dụng như ứng dụng nhận diện giọng nói vừa “xuất xưởng” (dành cho điện thoại BlackBerry) ước chừng 50 triệu đồng. “Chi phí đó được tính theo thời gian từ khi mở máy cho đến khi hoàn thành, chưa kể viết phần cập nhật sau này. Bình quân một ứng dụng tôi viết trong vòng 3 – 4 tháng”, Long chia sẻ. Cũng theo lời Nguyễn Long, những cá nhân viết ứng dụng không thuê mặt bằng, chỉ tốn chi phí cho máy tính cho nên chi phí sản xuất chính là khoản lương tương ứng với thời gian mà cá nhân đó dành để viết ứng dụng.
Qua tìm hiểu giới viết ứng dụng cho điện thoại di động, có những ứng dụng khá đơn giản nên chỉ cần 5 triệu đồng (tương đương với một tháng lương cơ bản của một kỹ sư) cũng có thể hoàn thành. “Tuỳ theo giá trị của ứng dụng mà mức đầu tư có khác nhau. Nhưng đơn giản quá thì lại không kiếm được tiền”, ông Việt Phương, công ty CMN Online, nhận xét.
Không dễ kiếm tiền
Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc mLab (khu công nghệ cao TP.HCM) tiết lộ, muốn kiếm tiền từ ứng dụng, ít nhất ứng dụng đó phải có từ vài chục ngàn lượt tải sử dụng. Từ nguồn tải này, các doanh nghiệp sản xuất hay kinh doanh hàng hoá mới bỏ tiền để mua quảng cáo. “Không ít ứng dụng hay có thể kiếm 200 USD/ngày từ nguồn quảng cáo”, ông Anh chia sẻ.
Số lượng ứng dụng Việt thì nhiều nhưng tỷ lệ 2% số ứng dụng kiếm được tiền để “tái đầu tư” là một thực tế mà các nhà phát triển ứng dụng, từ mô hình công ty cho đến cá nhân đang phải đối mặt.
Hầu như các ứng dụng Việt xuất hiện tại các kho ứng dụng đều miễn phí. Trong khoảng 500 ứng dụng kiếm ra tiền, gần như tuyệt đối là game. Dù tải và chơi miễn phí nhưng trong quá trình chơi, nhà sản xuất “móc túi” người chơi bằng cách dùng thẻ cào hay tin nhắn để thu phí khi người chơi có nhu cầu chơi tiếp những màn tiếp theo. Giới kinh doanh ứng dụng game dành cho điện thoại di động đều sửng sốt khi game Minh Châu Tam Quốc (công ty Minh Châu) bán vật phẩm cho người chơi kiếm được khoảng 3 tỉ đồng/tháng. Còn theo ông Tuấn, trong 16 game của Mecorp, cũng có game kiếm được tiền nhưng cao nhất là 2 tỉ đồng. Còn về cá nhân viết ứng dụng, trường hợp của Nguyễn Long khá đặc biệt khi anh cho biết, từ đầu năm 2013 tới nay, mỗi tháng kiếm được khoảng 100 triệu đồng từ hai ứng dụng nhận dạng giọng nói và đọc mail, tin nhắn trên điện thoại di động chạy hệ điều hành BlackBerry.
Một cản trở của việc các ứng dụng không kiếm được tiền là Google không cho phép các ứng dụng Việt được phép bán ứng dụng trên Google Play, nếu như chủ sở hữu không có tài khoản nước ngoài. Bà Bùi Mai Phương, giám đốc điều hành của VTM Mobile, giải thích: “Muốn bán các ứng dụng Việt trên Google Play, chủ sở hữu phải có tài khoản nước ngoài bằng đồng USD, yen hay baht. Ngay cả VTM Mobile phải sử dụng tài khoản của công ty mẹ ở Nhật để bán các ứng dụng. Nhưng bán được ứng dụng cũng là việc khó khăn, phải làm nhiều việc khác để nuôi quân”.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc Google chưa cho phép bán ứng dụng Việt trên mạng, không chỉ lý do chưa có cơ chế thanh toán bằng tiền đồng mà còn có cả lý do sợ người Việt dùng các tài khoản đánh cắp trên mạng để mua hàng, từ đó làm xấu hình ảnh của Google. Theo kế hoạch, Google đang đàm phán với các đối tác thanh toán trong nước cho phép trả bằng tiền đồng khi mua ứng dụng, nhưng đó mới chỉ là dự tính cho tương lai.
Thêm một cản trở của các nhà phát triển ứng dụng là phần lớn người dùng Việt chỉ thích xài ứng dụng “free” (miễn phí), nếu thấy có giá là “bỏ qua”, trừ phi ứng dụng đó hấp dẫn đến độ người chơi không thể không bỏ tiền, như ứng dụng game nhưng số người này lại không nhiều.
Tìm cơ hội cho tương lai
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, dù khó kiếm tiền nhưng lĩnh vực viết ứng dụng “có nhiều cơ hội trong tương lai”. Theo ông Trần Tuấn Anh, 60% nhà phát triển ứng dụng nhỏ (chủ yếu là cá nhân) thất bại, 40% còn lại là thành công nhưng là… ở tương lai.
Bà Thuỳ Trang (Samsung Việt Nam) nói: “Phát triển ứng dụng trên các thiết bị di động, tivi thông minh là cuộc chơi dài hạn. Samsung Việt Nam sẵn sàng mở cửa hợp tác với tất cả các nhà phát triển ứng dụng, từ tư vấn kỹ thuật, tìm kiếm nhà đầu tư, kỹ năng quản lý dự án”. Tuy nhiên, bà Trang cho rằng, thị trường ứng dụng Việt Nam đang được các tập đoàn lớn trên thế giới chú ý, nhưng vấn đề là tìm cách thu hút nguồn vốn đủ lớn để phát triển sản phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn.
Ông Đỗ Tuấn Anh nhận định: những năm trước, vì thị trường còn nhỏ nên cá nhân có thể sống được nhờ viết ứng dụng, nhưng từ năm nay, cá nhân không còn “đất” để sống, muốn tồn tại phải liên kết thành nhóm hoặc công ty mới có đủ nguồn tài chính và trí tuệ để sản xuất những ứng dụng cao cấp. “Cá nhân nào muốn viết riêng lẻ để tìm cơ hội đó là quyền của họ, nhưng theo tôi sẽ rất khó vì thị trường bây giờ đã thành hình. Nếu sản phẩm không đến được với người dùng thì cơ hội mãi mãi là cơ hội”, ông Đỗ Tuấn Anh bày tỏ quan điểm cá nhân.
Gia Vinh (SGTT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)