Vì dễ dàng thu lợi, việc đào tạo tiếng Hàn gắn với mục tiêu tạo nguồn lao động đi làm việc ở Hàn Quốc đang bị lạm dụng
Cuối tuần qua, một bạn đọc thuộc diện xóa đói giảm nghèo ở phường 10, quận 10 – TPHCM đã chuyển đến Báo Người Lao Động bản kế hoạch đào tạo tiếng Hàn khóa 2-2009 của Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) TPHCM. Bản kế hoạch này được phát về tận tổ dân phố để người dân, chủ yếu là hộ nghèo, đăng ký.
Người lao động tại một đợt kiểm tra tiếng Hàn EPS-KLT. Hiện tại vẫn chưa có thông tin gì về đợt kiểm tra mới của năm 2009 |
Dừng tuyển dụng, vẫn cứ đào tạo
Điều ngạc nhiên là việc tổ chức các khóa học tiếng Hàn diễn ra trong lúc Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã nhiều lần khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc chưa xác định được thời gian sẽ tổ chức đợt kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng Hàn EPS-KLT dành cho lao động VN trong năm 2009. Mặt khác, thời gian này, Chính phủ Hàn Quốc đang dừng tiếp nhận lao động nước ngoài.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, Trung tâm GTVL TPHCM đã… nhiệt tình quá mức khi thực hiện chỉ đạo của Sở LĐ-TB-XH TP liên kết với Trường Hàn ngữ Kanata để tổ chức các khóa đào tạo tiếng Hàn dành cho lao động có nguyện vọng đi làm việc ở Hàn Quốc từ nhiều năm qua. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, hai đơn vị này đã mở nhiều khóa đào tạo, thu hút 865 người theo học. Phần đông trong số này đến nay vẫn đang từng ngày mong mỏi được dự đợt kiểm tra tiếng Hàn để có cơ hội dự tuyển sang Hàn Quốc.
Để thu hút học viên cho một chương trình mà nhu cầu cao gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển dụng, Trung tâm GTVL TPHCM đã mượn danh nghĩa của một cơ quan quản lý chương trình để gắn vào mục tiêu đào tạo của mình. Đó là “chuẩn bị nguồn lao động cho kỳ kiểm tra tiếng Hàn theo kế hoạch của Trung tâm Lao động ngoài nước năm 2009”. Ngoài ra, ở điều kiện đăng ký nhập học còn ghi rõ một số nội dung như đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài, không thuộc diện cấm xuất cảnh VN và nhập cảnh Hàn Quốc… Để xác minh việc này, sáng 29-7, trong vai người có nhu cầu theo học tiếng Hàn, chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm GTVL TP và được cán bộ nơi đây hướng dẫn rất nhiệt tình. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về cơ hội được đi XKLĐ sang Hàn Quốc thì được trả lời lập lờ là “còn tùy thuộc vào… may rủi!”.
Gây lãng phí
Không riêng TPHCM, trong 2 năm qua, rất nhiều tỉnh, thành đã tổ chức đào tạo tiếng Hàn để “chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc ở Hàn Quốc”, thông qua chỉ đạo trực tiếp của các sở LĐ-TB-XH. Ước tính có hàng chục ngàn lao động đã tham gia các khóa học tiếng Hàn vẫn chưa có cơ hội được dự kiểm tra tiếng Hàn vậy thì nói gì đến việc được làm hồ sơ dự tuyển và được tuyển dụng!
Có hiện tượng trên là do quy định lao động nước ngoài muốn sang Hàn Quốc làm việc bắt buộc phải tham gia kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng Hàn EPS-KLT. Chỉ những người đạt yêu cầu mới được làm hồ sơ dự tuyển. Ở đợt kiểm tra tiếng Hàn EPS-KLT tổ chức vào ngày 21-5-2008 có 15.000 lao động tham gia. Từ đó đến nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu lao động nước ngoài của phía Hàn Quốc giảm mạnh: Từ 78.000 chỉ tiêu năm 2008 giảm còn 17.000 trong năm 2009. Trước tình hình này, nhằm ưu tiên giải quyết cho khoảng 7.000 hồ sơ dự tuyển còn tồn đọng, Bộ LĐ-TB-XH đã thống nhất với Bộ Lao động Hàn Quốc hoãn kỳ kiểm tra tiếng Hàn và chưa biết đến bao giờ mới tổ chức lại. Theo tính toán của chúng tôi, với học phí 2 triệu đồng/khóa 3 tháng và chi phí mua tài liệu 200.000 đồng/người, việc “kiếm tiền” từ đào tạo tiếng Hàn quá dễ dàng nên đã bị nhiều đơn vị lợi dụng.
Ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho rằng việc lạm dụng đào tạo không chỉ gây lãng phí mà còn làm xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, công ăn việc làm của người lao động vì nhiều người phải bỏ dở mọi thứ để trông ngóng được ra nước ngoài. Bộ LĐ-TB-XH và Trung tâm Lao động ngoài nước không khuyến khích đào tạo trước tiếng Hàn cho người lao động vì lý do nói trên.
ÔNG PHAN VĂN MINH, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC: Không được mượn danh nghĩa
|
Bình luận (0)