Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, du lịch vẫn nỗ lực vượt khó, tạo điểm sáng. Đến thời điểm này, đã có thêm nhiều tín hiệu vui cho du lịch châu thổ sông Cửu Long. Trong chương trình hợp tác du lịch “Bốn quốc gia – Một điểm đến”, phát triển du lịch ĐBSCL sẽ là nội dung quan trọng giúp hình thành Hành lang kinh tế Mekong.
Những tín hiệu vui
Cách đường biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng hơn 60km là cao nguyên Bokor (Campuchia). Nằm ở độ cao trên 1.080m so với mặt nước biển, muốn lên đến đỉnh, khách phải ngồi xe hơn 1 giờ, quanh co qua những cánh rừng nguyên sinh và vách núi cao dựng đứng. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn toàn Vịnh Thái Lan và đảo Phú Quốc (Việt Nam). “Dù hạ tầng ở Bokor vẫn chưa hoàn chỉnh nhưng mỗi tháng nơi này đã đón gần 17.000 du khách, trong đó lượng khách đến từ Việt Nam chiếm tỷ lệ quan trọng” – Beurich Gerd, Tổng giám đốc Thansur Bokor Highland Resort thông báo.
Đoàn khảo sát từ nhiều công ty lữ hành ĐBSCL, TPHCM, Hà Nội đã lên Bokor mở hướng mới. Ông Nguyễn Đại Hổ, Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Phương Nam (Kiên Giang), nơi tổ chức đoàn Famtrip này cho biết luồng khách phía Bắc vào ĐBSCL và đi tiếp sang Campuchia tăng đáng kể. Hiện đơn vị đang hợp tác với Công ty Du lịch Hòn Gai mở tuyến mới: Hà Nội – TPHCM – Tây Ninh – Hà Tiên – Phú Quốc – Hà Nội. Chị Kim Trắng (Phòng Kinh doanh Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, chi nhánh TPHCM) đồng quan điểm: “Mỗi tháng có khoảng 5 – 6 đoàn, mỗi đoàn gần 30 khách. Họ yêu cầu đi Cần Thơ để ngồi du thuyền nghe đờn ca tài tử, vô vườn cây ăn trái ở Tiền Giang, thăm lăng Mạc Cửu và tắm biển Hà Tiên”.
Đó là tín hiệu vui của du khách nội. “Các bạn có vị thế rất đặc biệt, không nơi nào có được. Đối với người nước ngoài, sông Mekong rất quan trọng vì đi qua 6 nước mà Việt Nam là nước cuối cùng, do đó khách rất thích đi tàu thuyền trên sông, đặc biệt với tuyến từ Cần Thơ đi Phnom Penh và ngược lại. Năm sau chúng tôi nhất định sẽ tổ chức một đoàn 40 – 50 người sang Việt Nam”, ông Tommy, đại diện Fantasy Tour, công ty tổ chức tour cho người da đen lớn nhất tại Mỹ, chia sẻ. Khách hàng của ông không thích đi tắm biển, cũng không thích những khách sạn sang trọng, mà thích đi khám phá văn hóa và nét đẹp thiên nhiên. Với văn hóa người da màu khi đi du lịch, họ đòi hỏi hướng dẫn viên phải thân thiện như trong gia đình và là một phần chuyến đi của họ.
Du khách nước ngoài nghe giới thiệu về nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Đồng Tháp. Ảnh: T.M.TRƯỜNG
Fantasy Tour nằm trong đoàn khảo sát gồm 7 doanh nghiệp lữ hành từ Mỹ và Trung Quốc cùng Hãng hàng không China Eastern và nhật báo Viễn Đông đến Cần Thơ tìm khả năng mở tour từ Bắc Mỹ qua Thượng Hải đến TPHCM và ĐBSCL. Hãng hàng không China Eastern Airlines, 1 trong 3 hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc, tổ chức tour “1 chuyến đi 2 điểm đến” (Thượng Hải, TPHCM) dành cho Việt kiều tại Mỹ và Bắc Mỹ ghé Thượng Hải trước khi về Việt Nam. Năm nay, hãng đã tổ chức tour về Việt Nam, năm sau sẽ tổ chức ghé Phnom Penh sau đó về Việt Nam.
Nỗ lực thoát “vùng trũng”
Trong mắt bạn bè gần xa, châu thổ sông Cửu Long ngày càng được chú ý. “40% lượng khách là người Nhật. Tour cửa khẩu Xà Xía – Hà Tiên nối với Campuchia rất khả thi. Đồng thời thúc đẩy thêm cơ hội cho người dân ĐBSCL du lịch ngoài nước” – anh Nguyễn Đức Thọ, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Lê Phong tại TPHCM, nhận định.
Mới đây, Công ty Điền Quân Media (TPHCM) đã đưa vua đầu bếp Martin Yan đi một vòng ĐBSCL để xây dựng bộ phim truyền hình Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch ĐBSCL ra thế giới. Điền Quân Media đã thành lập văn phòng đại diện tại Cần Thơ hồi tháng 6 năm nay.
Ông Lê Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Cửu Long, cho rằng du lịch ĐBSCL đã thực hiện khá tốt chương trình hợp tác 2010 – 2015, trong đó đặc biệt chú trọng nâng chất lượng các dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, Hiệp hội Du lịch địa phương và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp đào tạo thêm nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên du lịch; khôi phục, mở rộng các lễ hội truyền thống của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm; quảng bá xúc tiến, xây dựng hình ảnh du lịch vùng đồng bộ, hấp dẫn; mở thêm một số khu du lịch tổng hợp, cơ sở giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao và các dịch vụ bổ sung đạt tiêu chuẩn quốc tế… Tuy nhiên, nét riêng là thế mạnh, tránh bị trùng lắp sản phẩm. Ngay cây bẹo treo hàng, chợ nổi nào cũng có nhưng nông sản buôn bán ở chợ nổi có những điểm không giống nhau.
Do vậy, nỗ lực khai thác được nét riêng của vùng đất này không hề đơn giản. Ông Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel khu vực Tây Nam bộ, nhận định: “Du lịch ĐBSCL gần đây đã cải thiện được khá nhiều nhưng để thoát được “vùng trũng” vẫn cần nhiều nỗ lực từ nhiều phía”.
Tour “Một ngày làm nông dân” ở các khu du lịch ĐBSCL thu hút du khách. Ảnh: N.Lan
Theo ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, từ mô hình 4+ (Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang – Cà Mau và Bạc Liêu), sắp tới mô hình này sẽ tiếp tục mở rộng ra toàn vùng, tạo thế liên kết đặc thù của từng địa phương như biển đảo (Kiên Giang), văn hóa tâm linh (An Giang), rừng biển (Cà Mau), văn hóa dân tộc thiểu số (Sóc Trăng, Trà Vinh)…
Mô hình 4+ là sự mở rộng mời gọi, tiếp nhận. Khi khép kín được vòng tròn liên kết 13 tỉnh thành, các thế mạnh về du lịch sẽ được phát huy, thỏa mãn nhu cầu gần 3 triệu lượt du khách quốc tế, gần 4 triệu lượt khách nội địa theo chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020.
VŨ THỐNG NHẤT
(SGGP)
Bình luận (0)