Ngày 18/9, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự báo quý 4 tới, các doanh nghiệp tại thành phố cần tuyển dụng khoảng 60.000 vị trí việc làm ổn định và 35.000 nhu cầu lao động thời vụ.
Trong số nhu cầu cần tuyển, lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 15%; cao đẳng chiếm 14%; trung cấp chiếm 22%; công nhân kỹ thuật chiếm 7%; sơ cấp nghề 7% và lao động phổ thông chiếm 35%.
(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN).
Nhu cầu tuyển dụng trong quý 4 tiếp tục xu hướng cần nguồn lao động có trình độ, tay nghề nhưng những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng ở lao động phổ thông để phục vụ sản xuất và các hoạt động dịch vụ cuối năm.
Tuyển dụng lao động sẽ tập trung nhiều ở những ngành nghề như kinh doanh, dịch vụ-phục vụ, công nghệ thông tin, dệt may-giày da, du lịch, tư vấn-bảo hiểm, cơ khí, điện tử, điện-điện công nghiệp-điện lạnh, bất động sản, xây dựng-kiến trúc.
Còn về lao động thời vụ sẽ tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh-bán hàng, dệt may, dịch vụ du lịch-nhà hàng khách sạn, dịch vụ phục vụ.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thị trường lao động thành phố có xu hướng ổn định và phát triển trong các tháng cuối năm.
Tuy nhiên tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm phù hợp hoặc phải làm việc trái ngành nghề đào tạo vẫn tiếp tục ở mức cao, chiếm 40% tổng số nhu cầu tìm việc làm.
Tình trạng thiếu hụt lao động thời vụ và phổ thông có thể diễn ra từ tháng 11 tới đến trước và sau Tết Nguyên đán, nhưng vẫn ở mức tương đối ổn định.
Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh quý 3 này vừa qua phát triển theo xu hướng gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ nghề chuyên môn và gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm làm việc.
Một số nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tăng cao, trong đó ngành công nghệ thông tin-điện tử có nhu cầu tuyển dụng liên tục tăng trong những tháng cuối năm 2013 và 9 tháng đầu năm nay (chiếm tỷ trọng 8% trong tổng nhu cầu nhân lực), cho thấy nhu cầu ngày một tăng về số lượng và chất lượng của lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, nhu cầu lao động ở các ngành kinh doanh tài sản-bất động, dịch vụ du lịch-nhà hàng-khách sạn, cơ khí-tự động hóa cũng có xu hướng tăng trong năm nay.
Còn các doanh nghiệp trong ngành dệt may-giày da có nhu cầu tuyển dụng nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề, lao động ở ngành này chiếm tỷ trọng 5% tổng nhu cầu nhân lực thành phố./.
Thu Hoài
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)