Thời tiết nắng nóng, oi bức từ 36 – 37oC trong những ngày qua đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của không ít người. Nếu tình hình kéo dài, theo các chuyên gia sức khoẻ, cần phải lưu ý đến một số bệnh tật thường gặp trong mùa này.
Thăm khám một trẻ bị viêm phổi nặng tại khoa hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM ngày 26.2. Ảnh: Lê Hồng Thái
|
Quan sát tình hình bệnh trong vài năm gần đây, bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết: “Nếu ở xứ lạnh, bệnh hô hấp phát triển nhiều vào mùa lạnh thì ở nước ta các bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ tăng cao trong mùa nóng”. Lý do là vào mùa nóng người lớn thường cho trẻ nằm quạt, nằm máy lạnh quá nhiều. Những bệnh hô hấp thường gặp là cảm ho, nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, và trong 20% trường hợp mắc những bệnh này có thể tiến triển thành viêm phổi.
Bác sĩ Tuấn cũng lưu ý phụ huynh cho trẻ chích ngừa đầy đủ những mũi bắt buộc trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Về những mũi chích ngừa tự nguyện, nếu có điều kiện, nên cho trẻ chích ngừa bệnh viêm màng não mũ do Hib (gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenza B) cho trẻ dưới năm tuổi. Bệnh này xảy ra quanh năm, nhưng có thể gây viêm phổi nặng. Một bệnh khác cũng có thể ngừa được bằng vaccine là viêm phổi do phế cầu, xảy ra sau những đợt cảm cúm do siêu vi. Để phòng ngừa bệnh hô hấp cho trẻ trong mùa nóng, bác sĩ Tuấn lưu ý người lớn cần cho trẻ nằm quạt, máy lạnh một cách hợp lý. Nếu thấy bệnh kéo dài hoặc có triệu chứng trở nặng, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay.
Cũng ở trẻ con, mùa nóng cần lưu ý những bệnh về da như rôm, sảy, u nhọt, nhiễm trùng da. Ở người lớn, thời tiết tăng cao khiến cho những người có mồ hôi dầu dễ nổi mụn nhọt. Do trời nóng làm tăng tiết mồ hôi, nên nếu giữ vệ sinh da không tốt, cũng có thể bị các bệnh do nấm như lang ben, hắc lào. Bác sĩ Lý Hữu Đức, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Da liễu, ghi nhận các bệnh này tăng cao trong những ngày nắng nóng vừa qua. Bệnh không nguy hiểm, nhưng nếu để nhiễm trùng da, vi khuẩn có thể theo máu xâm nhập vào cơ thể gây viêm cơ tim, viêm cầu thận. Phòng ngừa những bệnh này, bác sĩ Đức khuyên giữ vệ sinh cá nhân tốt, mặc quần áo thoáng mát. Với trẻ con, cần tăng cường lau mát, tắm bằng trà xanh, hạn chế ăn đồ ngọt.
Đối với người lớn tuổi, trời nắng nóng có thể là tác nhân khiến các bệnh tim mạch trở nặng. Bác sĩ Phan Hữu Phước, trưởng khoa lão bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM, giải thích do nhiệt độ tăng cao làm mất nước, rối loạn điện giải. Để phòng ngừa, ngoài việc bù nước đầy đủ, cần cho người lớn tuổi ở môi trường thoáng mát, theo dõi huyết áp và các dấu hiệu bệnh thường xuyên.
Ph.Sơn (SGTT)
Bình luận (0)