Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh giác với bệnh lồng ruột ở trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Lồng ruột là một bệnh cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em. Hầu như ngày nào Khoa Siêu âm Bệnh viện Nhi đồng II cũng tiếp nhận vài bệnh nhi bị bệnh lồng ruột. Trung bình mỗi tháng, Khoa Siêu âm – Bệnh viện Nhi đồng II phát hiện khoảng 60 – 70 trẻ bị lồng ruột.

Trẻ dưới 24 tháng tuổi rất dễ bị bệnh lồng ruột

Lồng ruột là gì?
Lồng ruột là một trạng thái bệnh lý xảy ra khi một khúc ruột bên trên di chuyển và chui vào khúc ruột phía dưới hay ngược lại, từ đó làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Khi ruột chui vào, các mạch máu nuôi dưỡng ruột cũng bị cuốn vào trong lòng đoạn ruột chứa lồng, hậu quả các mạch máu nghẽn lại làm cho đoạn ruột lồng bị thiếu máu. Nếu không được điều trị kịp thời khối lồng sẽ bị hoại tử đưa đến thủng ruột, dịch và phân sẽ chảy vào ổ bụng gây nên viêm màng bụng. Đây là một tình trạng nhiễm trùng nặng nề có thể đưa đến tử vong.
Nguyên nhân khiến trẻ bị lồng ruột vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên gần 90% trẻ bị lồng ruột lần đầu tiên không rõ nguyên nhân. Khoảng 80-90% số bệnh nhi mắc bệnh lồng ruột là trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Đây là thời kỳ trẻ chuyển từ bú sữa sang ăn dặm nên ruột co bóp bất thường. Lồng ruột có thể phân thành hai loại.
Loại thứ nhất là lồng ruột tự phát: Lồng ruột không có nguyên nhân thực thể, có thể do xáo trộn thần kinh thực vật gây rối loạn nhu động ruột. Bệnh thường xảy ra sau nhiễm virus, vi khuẩn. Người ta nhận thấy rằng tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai mũi họng, nhiễm khuẩn đường ruột có mối liên hệ với bệnh lồng ruột. Điều này cũng giải thích vì sao tỷ lệ trẻ bị lồng ruột cao vào những tháng đầu năm. Vì thời tiết của thời gian này rất dễ làm cho trẻ bị viêm hô hấp và nhiễm khuẩn đường ruột.
Loại thứ hai là lồng ruột có nguyên nhân thực thể: Do trẻ có sẵn những bệnh lý trong ruột như : túi thừa Meckel, polype ở hồi tràng, manh tràng, đại tràng, các u lành tính ác tính, u máu trong lòng ruột, ruột đôi ở góc hồi manh tràng… Đây là loại lồng ruột thường hay tái phát, cần điều trị phẫu thuật, hiếm khi tháo lồng thành công.
Cách nhận biết trẻ bị lồng ruột     
Khi bị lồng ruột trẻ sẽ có những biểu hiện sau đây: Khóc thét từng cơn đột ngột và dữ dội, mỗi cơn kéo dài chừng 5-10phút; hoặc trẻ bị nôn ói nhiều lần, chất nôn là sữa và thức ăn vừa ăn vào; hoặc trẻ đi tiêu phân máu, thường là tiêu máu đỏ bầm lẫn nhầy. 
Vì vậy khi thấy trẻ có một trong những triệu chứng trên, người nhà cần phải sớm mang trẻ đến bệnh viện chuyên khoa khám ngay. Tại đây, sau khi thăm khám cẩn thận, bác sĩ sẽ cho trẻ đi siêu âm bụng tổng quát. Với phương tiện siêu âm bụng tổng quát gần như tất cả các trường hợp lồng ruột đều được phát hiện.
Việc điều trị cho trẻ bị lồng ruột phụ thuộc nhiều vào thời gian phát triển bệnh. Nếu trẻ bị bệnh được phát hiện sớm và đưa đến bệnh viện kịp thời thì việc điều trị rất đơn giản.
Ngược lại, nếu trẻ bị bệnh mà phát hiện trễ, nhập viện với bệnh cảnh tiêu máu nhiều, bụng chướng, có biến chứng tắc ruột, thủng ruột… thì việc điều trị sẽ nặng nề. Trẻ sẽ được hồi sức mổ tháo lồng bằng tay hay cắt ruột (trong trường hợp ruột bị hoại tử) và nối lại hay đưa ruột ra ngoài tùy tình trạng ổ bụng sạch hay dơ.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý các bậc phụ huynh rằng, trẻ mắc bệnh lồng ruột sau khi điều trị vẫn có nguy cơ bị tái phát. Vì vậy, sau khi xuất viện về nhà mà thấy trẻ xuất hiện trở lại những triệu chứng của bệnh lồng ruột, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ trở lại bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và cho siêu âm bụng kiểm tra lại.
BS. Huỳnh Văn Tho (Bệnh viện Nhi đồng II)

Bình luận (0)