Bệnh tật trong cơ thể thường trải qua một quá trình tiến triển. Do vậy, mỗi người cần theo dõi và chú ý đến những dấu hiệu thay đổi của cơ thể để sớm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Tức ngực và khó thở đột ngột
Cảm thấy khó thở sau khi tập thể dục hay khi đang nghỉ ngơi có thể do vận động quá mức hay do lo âu căng thẳng. Tuy nhiên khó thở đột ngột còn do cục máu đông di chuyển lên phổi gây tắc nghẽn động mạch phổi. Bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Một nguyên nhân khác là cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim hoặc suy tim cấp. Cả hai tình huống trên đều khiến bệnh nhân thở gấp, khó chịu hoặc cảm thấy thiếu không khí.
Tim đập bất thường
Hồi hộp, đánh trống ngực có thể chỉ do rối loạn lo âu, nhưng cũng có thể là triệu chứng của cơn đau thắt ngực hay chứng rối loạn nhịp.
Choáng váng chóng mặt
Có thể do huyết áp thấp và được gọi là "tụt huyết áp tư thế đứng" gây ra bởi sự mất nước, đái tháo đường, bệnh Parkinson, suy tim, hay do thuốc men bao gồm thuốc lợi tiểu và thuốc hạ huyết áp…
Đau đầu dữ dội
Đa số trường hợp là triệu chứng của chứng nhức nửa đầu. Chỉ cần dùng thuốc giảm đau và nghỉ ngơi sẽ đỡ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp hiếm gặp, nhức đầu có thể là dấu hiệu của khối u hay xuất huyết não. Cần đặc biệt chú ý khi đau nhiều, đột ngột và kéo dài ở một nửa bên đầu có kèm theo buồn nôn, ói mửa, chảy nước mắt.
Tai đau và mắt nhìn một thành hai
Có thể do viêm tai giữa. Bệnh có thể trở nặng đột ngột, do đó cần đi khám ngay nếu không bớt đau và/hoặc có thêm chóng mặt, lảo đảo, nhức đầu, ói mửa, song thị, lơ mơ, cổ cứng, sưng vùng sau tai, sốt cao, liệt mặt.
Vết thương lâu lành
Vết cắt đứt hay trầy xước chậm lành có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường hoặc các bệnh lý miễn dịch khác.
Mất thị lực thoáng qua
Có thể là do đột qụy. Các nguy cơ chính gây đột quỵ là tăng huyết áp (trên 140/90) và cholesterol toàn phần cao hơn 200. Tê một bên người và mất thị lực thoáng qua là những triệu chứng đáng chú ý nhất. Tê đột ngột, nói ngọng, cứng lưỡi, mất thăng bằng có thể là bằng chứng của một cơn đột quỵ nhẹ gọi là đột quỵ do thiếu máu não thoáng qua. Đột quỵ nhẹ này thường báo trước cho một đột quỵ thật sự.
Có cảm giác giống bị ợ nóng
Đau tức ngực hàng giờ, lúc có lúc không, được gọi là "hội chứng mạch vành không ổn định". Khoảng 50% người có hội chứng kể trên sẽ bị cơn đau nhồi máu cơ tim trong vòng 6 tháng sau đó. Khi thấy đau thắt ngực, cần phải đến bệnh viện ngay.
Đau lưng nhiều
Đau tương tự như khi vừa dọn dẹp xong một đống bừa bộn. Thế nhưng chườm nóng, nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau thông thường lại không bớt. Nếu không phải do tập thể dục thì đau lưng đột ngột như vậy có thể là dấu hiệu của bệnh phình động mạch. Một nguyên nhân khác của đau lưng ít nguy hiểm hơn là sỏi thận.
Cha mẹ đẻ bị tăng huyết áp
Bạn cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp vừa phải không có triệu chứng rõ rệt nên cần phải đo huyết áp mỗi năm vài lần, nhất là nếu trong gia đình có tiền sử tăng huyết áp.
Đau dữ dội ở bụng
Do vùng giữa xương sườn và bẹn chứa đầy các bộ phận nội tạng nên đau có thể là triệu chứng của viêm ruột thừa, viêm tụy hoặc viêm túi mật. Khi các bộ phận này bị viêm nhiễm sẽ gây nguy hại đến tính mạng. Nếu để lâu, các bộ phận trên bị hoại tử thì người bệnh có thể tử vong.
Cẳng chân sưng to và đau
Có thể do bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Chỉ cần ngồi một chỗ liên tục từ 6 tiếng trở lên là máu sẽ tụ ở cẳng chân và tạo thành cục máu đông. Huyết khối kích thước đủ lớn sẽ làm nghẽn tĩnh mạch ở chân và gây sưng đau. Xoa bóp cẳng chân là việc đầu tiên mà bệnh nhân sẽ làm nhưng đó cũng là điều tệ hại nhất vì cục máu đông lớn có thể di chuyển ngược lên phổi và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tiểu máu, đau rát
Có thể do ung thư bàng quang. Đau hạ vị và có máu trong nước tiểu là hai triệu chứng của ung thư bàng quang.
Theo BS. Đồng Ngọc Khanh
Sức khỏe & Đời sống
Sức khỏe & Đời sống
Bình luận (0)