Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đằng sau chứng “nghiện” đồ ăn nhanh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành công nghiệp thức ăn nhanh (fastfood) đã ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học thần kinh để thu hút khách hàng mua những loại thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, kể cả khi không cảm thấy đói.
 
Đường có thể là chất gây nghiện
Phát hiện nghiên cứu khoa học thần kinh đầu tiên được ứng dụng là đường có thể là chất gây nghiện trong một số tình huống. Trong thực tế, đường nguyên chất có thể khiến con người, hoặc ít nhất là chuột trong phòng thí nghiệm, có những dấu hiệu nghiện như ăn quá nhiều hay vật vã vì thèm khát.
Các nhà khoa học thí nghiệm bỏ đói chuột trong vòng 12 giờ rồi trong một khoảng thời gian ngắn sau đó, họ để chúng ăn đường và uống nước tùy thích. Nhóm nghiên cứu thực hiện chu kỳ này nhiều lần.
Đầu tiên, chuột sử dụng lượng đường và nước theo nhu cầu cơ thể. Tuy nhiên, không lâu sau, chúng ăn uống gấp đôi lượng cần thiết cho cơ thể.
Sau đó, các nhà nghiên cứu cho chuột thí nghiệm uống một loại thuốc ức chế tác dụng hưng phấn của các loại chất gây nghiện trong não. Chuột vẫn ăn đường nhưng không ăn với lượng đường cao tùy thích như trước. Tuy nhiên, chúng có những dấu hiệu điển hình khi vật vã vì thiếu thuốc như toàn thân run lên và nghiến răng…
Như vậy, chuột – và gần như chắc chắn là người – có thể nghiện đường.
Tại các cửa hàng McDonald cũng như các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh khác, hầu như mọi loại thực phẩm đều chứa đường. Đường không chỉ là thành phần trong các loại đồ uống và nước sốt cà chua (ketchup) mà còn có trong bánh mì hamburger và cả món khai vị khoai tây chiên.
Sự bốc đồng và thuận tiện
Phát hiện nghiên cứu khoa học thứ hai được ứng dụng bởi các công ty đồ ăn nhanh liên quan tới khái niệm kiểm soát sự bốc đồng và thuận tiện.
Con người rất khác nhau. Một số người có khả năng kiềm chế cám dỗ rất tốt nhưng một số khác dễ bị ngã lòng. Bộ phận vỏ não trước trán hỗ trợ việc kiểm soát tình trạng bốc đồng.
Nếu cám dỗ liên tục xuất hiện trước mặt, trung tâm điều khiển cảm giác hài lòng (mà tình yêu có thể lấn át) sẽ “chiến thắng” và bạn sẽ lại tiếp tục ăn những đồ ăn nhanh có hàm lượng mỡ và đường cao. Đó không phải là quyết định dài hạn có lợi cho sức khỏe và tối ưu nhất.
Cách thức ngành công nghiệp đồ ăn nhanh ứng dụng kiến thức về kiểm soát tình trạng bốc đồng liên quan đến sự tiện lợi.
Chỉ cần lái xe vài phút quanh thành phố là bạn có thể tới một cửa hàng đồ ăn nhanh. Đó chính là sự thuận tiện.
Tốc độ tác động đến não bộ
Yếu tố khoa học thần kinh thứ ba được ứng dụng là tốc độ tác động tới não bộ và tốc độ giao hàng. Nếu rít thuốc lá, trong vòng 20 giây, chất nicotine sẽ ảnh hưởng tới tế bào não.
Tốc độ ảnh hưởng này chính là một yếu tố khiến nicotine là một loại chất gây nghiện. Heroin cũng có cơ chế tương tự. Khoảng thời gian giữa cảm giác kích thích và cảm giác sung sướng tác động tới tế bào não càng ngắn thì chất kích thích càng dễ gây nghiện.
Nếu bạn nấu nướng tại nhà, bạn cần đến 3 phút thì chảo mới nóng già. Tuy nhiên, với đồ ăn nhanh, sau ba phút gọi đồ ăn, bạn đã có thể cắn miếng bánh hamburger có hàm lượng đường cao. Tốc độ giao nhanh như thế này cũng làm tăng nguy cơ gây nghiện tiềm ẩn của thức ăn nhanh.
Hãy cẩn thận, ngành công nghiệp thức ăn nhanh hiện chỉ mới áp dụng một nửa kết quả nghiên cứu khoa học thần kinh để thu hút khách hàng!
Minh Châu (Tamnhin.net)
(theo ABC)

Bình luận (0)