Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thực hiện Đề án 52 tại Hà Tĩnh: Hiệu quả ở Cẩm Xuyên

Tạp Chí Giáo Dục

 

Huyện Cẩm Xuyên là một trong 5 huyện của tỉnh được hưởng các loại hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS-KHHGĐ) và các dịch vụ y tế khác từ Đề án 52. 9 tháng của năm 2011, ngành Y tế huyện Cẩm Xuyên đã đạt được những tín hiệu đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực đối với đời sống người dân vùng biển trong việc triển khai thực hiện đề án này.

 
Thăm khám, siêu âm cho phụ nữ có thai.Ảnh: CTV

Thay đổi nhận thức "phải đẻ con trai"

Theo kết quả khảo sát về những yếu tố phong tục tập quán, nghề nghiệp tác động tới thái độ, hành vi sinh sản và CSSKSS của người dân vùng biển, đảo và ven biển do Viện Xã hội học (thuộc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Tổng cục DS – KHHGĐ thực hiện năm 2009 cho thấy: 95,97% số người trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng ven biển được hỏi muốn sinh con trai để có người nối dõi; 76,08% để có chỗ dựa về kinh tế, do đặc thù lao động nghề biển.
Là một huyện ven biển nên người dân ở Cẩm Xuyên cũng không thoát khỏi phong tục gia đình phải có con trai. Đối với những gia đình làm nghề đi biển, có con trai gần như là "bắt buộc", bởi đây chính là lực lượng trụ cột, lao động chính nuôi sống cả gia đình. Từ nhận thức đó, tình trạng dân số tăng nhanh một cách "chóng mặt" kéo theo những hệ lụy khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp phải nhiều khó khăn.
Đề án 52 được triển khai tại 5 huyện ven biển của Hà Tĩnh là Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh, chú trọng 43 xã ven biển, bãi ngang. Năm 2011, đề án được triển khai khá mạnh mẽ, nhất là hoạt động ở cộng đồng. Hầu hết các huyện đều lồng ghép nhiều dịch vụ CSSKSS – KHHGĐ như đặt vòng, tiêm, cấy thuốc tránh thai; khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục; khám sức khỏe sinh sản về tật bệnh thai nhi, cơ quan sinh sản…
Xã Cẩm Lĩnh có trên 60% dân cư sinh sống bằng nghề đi biển, chế biến và nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Do phong tục tập quán, nghề nghiệp đặc thù nên nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng vùng biển này còn cao, nhất là sinh con trai. Những bất cập này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, đến điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ của người dân.
Vì vậy, khi Đề án 52 triển khai đã được phụ nữ xã nhiệt tình hưởng ứng, nhiều người dân ở khu vực 6 xã ven biển và bãi ngang của huyện Cẩm Xuyên được cung cấp đầy đủ, kịp thời các dịch vụ CSSKSS – KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bỏ dần tư tưởng trọng nam, khinh nữ.
Anh Trần Duy Hưng, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ Cẩm Lĩnh cho biết: "Ngày trước, đi vận động rất khó khăn, phải đi lại nhiều lần mà nhiều người không chịu tham gia KHHGĐ, nhất là những gia đình đi biển sinh con một bề. Còn nay, xã được hưởng lợi Đề án 52 của Chính phủ, nhiều chị em đã hiểu được những lợi ích nên thu xếp công việc tham gia đầy đủ. Năm 2010, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã Cẩm Lĩnh chỉ còn 19,7%, giảm 7% so với năm trước".
Cũng theo chuyên trách DS-KHHGĐ xã Cẩm Lĩnh, hiện nay, phần lớn phụ nữ không còn e ngại giấu bệnh, mạnh dạn đưa ra những thắc mắc, câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn giải tỏa tâm lý, điều mà những năm trước đây không dễ thấy ở phụ nữ vùng biển.
Người dân hưởng ứng tích cực thực hiện đề án
Đến nay, tại Cẩm Xuyên, công tác tuyên truyền CSSKSS – KHHGĐ với nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, nói chuyện chuyên đề với người dân tại những nơi công cộng, tư vấn tại nhà, tổ truyền thông lưu động đã đem lại hiệu quả. Số người chấp nhận các biện pháp tránh thai, phát hiện, điều trị các bệnh viêm nhiễm qua đường sinh dục, chăm sóc thai nghén tăng lên; mức sinh đã giảm xuống, chất lượng dân số được chú trọng.
Không chỉ có phụ nữ, mà nhiều nam giới cũng vui vẻ, tạo điều kiện cho vợ tham gia các biện pháp tránh thai hiện đại. Thực tế cho thấy, từ khi triển khai đề án, người dân được hưởng lợi nhiều hơn, bản thân họ đã quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe của mình.
Với mục tiêu, đẩy mạnh truyền thông và duy trì lâu dài để chị em trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về CSSKSS – KHHGĐ, trong thời gian diễn ra chiến dịch, Trung tâm Dân số – KHHGĐ phối hợp với các cộng tác viên liên tục xuống cơ sở để tư vấn, xử lý kịp thời những trường hợp các chị em có vấn đề về sức khỏe sinh sản, bố trí các điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS – KHHGĐ tại các thôn xóm, khu dân cư; phối kết hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám, cấp thuốc điều trị cho các đối tượng…
Chị Lê Thị Tình, xã Cẩm Thịnh chia sẻ: "Đề án 52 đã mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình tôi. Gia đình tôi có 3 con, nhưng chỉ có một cháu trai nên nhà chồng tôi cứ giục phải đẻ thêm thằng cu để lấy người làm nghề. Tôi cũng đã tính buông xuôi để đẻ, nhưng nhờ mấy chị em trong đội tuyên truyền lưu động phân tích chỉ rõ cái khó khăn khi sinh nhiều con, ảnh hưởng của nó đến đời sống gia đình như thế nào. Đến giờ, vợ chồng tôi cũng đã nhận thức ra và chồng tôi đã dồng ý cho tôi đi đặt vòng".
Tùng Hoa – M.A

 

Bình luận (0)