Th.S Lê Thị Minh Tâm trò chuyện cùng các bé chuẩn bị vào lớp 1 |
Trẻ vào lớp 1 là bắt đầu một cuộc sống với biết bao điều mới mẻ. Cha mẹ làm gì để chuẩn bị cho con tâm thế vững vàng? Thạc sĩ xã hội sức khỏe Lê Thị Minh Tâm – ĐH Rmit Việt Nam đã dành cho Giáo Dục TP.HCM buổi trò chuyện về chủ đề này.
PV: Tuổi lên 6 trẻ bắt đầu tách biệt dần với gia đình để đến trường. Những hỗ trợ về tinh thần nhằm giảm bớt sự căng thẳng ở trẻ là rất quan trọng. Bà có thể cho các bậc phụ huynh vài lời khuyên?
– Thạc sĩ xã hội sức khỏe Lê Thị Minh Tâm: Các bậc cha mẹ cần xác định rằng, con đến tuổi vào lớp 1 là lẽ đương nhiên, đừng nên quá lo lắng. Sự lo lắng quá mức ấy vô tình tạo áp lực cho mình và cả con trẻ. Cắp sách đến trường, trẻ sẽ bước vào một cuộc đời mới, có nhiều bạn mới và trách nhiệm mới. Đây là thời gian trải nghiệm đầu đời của trẻ. Lúc này, nếu chúng ta “đẩy” con vào trường quá nhanh sẽ khiến trẻ băn khoăn lo lắng, kể cả những áp lực không đáng có.
Những áp lực đó là gì, thưa bà?
– Ngày đầu đến trường, trẻ thấy xung quanh lạ lẫm sẽ hình thành tâm lý sợ sệt, không muốn rời xa bố mẹ. Người lớn chúng ta thường “tách” trẻ bằng cách nói dối “Cha (mẹ) đi mua kẹo cho con, con chờ ở đây nhé”. Nhưng rốt cuộc cha (mẹ) đi về nhà luôn để con đứng chờ nhiều giờ. Làm vậy, chúng ta đã gieo vào đầu con trẻ cảm giác bị bỏ rơi. Khi trẻ không chịu đến trường, nhiều phụ huynh đã nói “Con không đi học sẽ cho đi chăn trâu, bán vé số”. Có thể các bé không hiểu chăn trâu, bán vé số là như thế nào nhưng ít nhiều cũng cảm nhận được mình bị chối bỏ. Nguy hiểm hơn, nhiều phụ huynh vì bận lo trăm công nghìn việc, nên sáng tất bật đến giao con ngay cho cô giáo, chiều lại đón rất muộn. Trẻ không khóc, không nói ra nhưng tâm trạng sẽ rất nặng nề, buồn bã. Các bậc cha mẹ cần hạn chế sử dụng từ “phải” khi dạy bảo con. Như “Con phải đánh răng, phải học bài, phải làm bài tập…”. Nên nhớ rằng, từ “phải” là một mệnh lệnh. Đối với trẻ, từ “phải” là một áp lực lớn. Chúng ta sẽ thay vào đó bằng từ “nên” để trẻ hiểu rằng, mọi việc cha mẹ dạy bảo mình khá đơn giản, không nặng nề lắm.
Vậy để tránh những áp lực ấy, chúng ta phải làm gì?
– Quan trọng nhất là chúng ta phải xác định được nhu cầu của trẻ. Trẻ cần cảm giác an toàn, vì muốn được âu yếm. Vòng tay của cha mẹ rất quan trọng trong việc thể hiện cảm xúc. Mỗi lúc đưa con đến trường, vòng tay ôm, xoa đầu con, trẻ sẽ có cảm giác an toàn và được âu yếm. Trước khi trẻ vào lớp 1, cha mẹ cần dạy con tự đánh răng, tự mặc quần áo, sắp xếp đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân của con ở một góc để tạo cho trẻ thói quen ngăn nắp, gọn gàng. Ở lứa tuổi này trẻ thường “làm khó” người lớn bởi những câu hỏi tại sao? Chúng ta đừng nên khó chịu, bực dọc vì điều đó. Đó là nhu cầu hiểu biết của trẻ. Đến trường, trẻ quen dần với môi trường có sự tương tác giữa thầy và trò nên khi về nhà, trẻ hay nói, hay kể về cô giáo, về bạn A, bạn B… Cha mẹ không nên vì thế mà la con nói nhiều, chúng ta cần khuyến khích, tạo niềm tin cho trẻ.
Không ít phụ huynh đặc biệt quan tâm đến việc cho con học trước lớp 1, theo bà việc này có nên hay không?
– Không nhất thiết phải bắt trẻ học trước chương trình lớp 1. Làm thế chẳng khác nào cắt xén tuổi thơ của trẻ. Không nên dồn ép trẻ quá mức mà hãy để chúng phát triển một cách tự nhiên. Điều chúng ta phải dạy trẻ trước tiên là kỹ năng để đối phó với những gì sẽ gặp phải trong khoảng thời gian ở trường. Đó là dạy các con kỹ năng biết từ chối, cách nói không… Chuẩn bị kiến thức về môi trường xung quanh cũng cực kỳ quan trọng đối với trẻ. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc cho trẻ làm quen với sách, truyện tranh nói về thiên nhiên, chở con đến trường và làm quen với cảnh quan của trường… Khi dạy trẻ làm quen với môi trường xung quanh, người lớn cần đặt dưới mắt trẻ những hình ảnh giản dị, gần gũi với cuộc sống để nuôi dưỡng niềm tin và lòng say mê của trẻ. Cho trẻ làm quen với sách về thiên nhiên: loài vật, cây cỏ, sách giới thiệu về đời sống của các bạn cùng lứa tuổi ở các nước khác để hướng trẻ chú tâm đến người khác, biết thế nào là cho và nhận…
Xin cám ơn bà!
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)